Băn khoăn chuyện ngủ chung hay riêng với con

(Dân trí) - 10 tuổi nhưng bé Hoàng Minh vẫn nhất quyết đòi ngủ chung với bố mẹ. Cũng vì chuyện này mà bố mẹ cậu đã bao phen ngượng chín mặt vì con.

Băn khoăn chuyện ngủ chung hay riêng với con - 1
 
Dở khóc dở cười vì ngủ chung

 

Ngày mới sinh được cậu quý tử Hoàng Minh, hai vợ chồng chị Mai mừng lắm. Đương nhiên, cu cậu là trung tâm của gia đình và nhận được sự chăm sóc yêu thương cả ngày lẫn đêm của bố mẹ.

 

Thấm thoát đã 10 năm, cu Minh giờ 10 tuổi. Nhận thấy con trai đã lớn và hai vợ chồng cần có khoảng riêng tư, chị Mai sắp xếp một phòng nhỏ bên cạnh làm chỗ ngủ cho con. Thế nhưng, chỉ sau một đêm ở riêng, cậu con trai đã nằng nặc đòi quay về ngủ với bố mẹ với lý do: Ngủ một mình vừa sợ lại buồn vì không có ai nói chuyện.

 

Vậy là vợ chồng chị Mai lại chịu cảnh cậu con to đùng nằm giữa đùa nghịch cho đến khi ngủ thiếp đi.  Đến lúc đó, vợ chồng mới rón rén “tâm sự riêng”. Thế mà vẫncó khi cả hai ngượng chín mặt khi cậu con “tố” với bà ngoại trong bữa cơm là “tối qua mẹ đè lên người bố để bắt nạt”.

 

Trái với tư duy của vợ chồng chị Mai, Ngọc Hòa mới sinh con gái khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, cô cương quyết để bé ngủ ở phòng riêng. Mặc cho bố mẹ và chồng khuyên can, Hòa lý luận: “Phải tập cho con thói quen sống văn minh của người phương Tây”. Đây cũng là nguyên nhân khiến gia đình Hòa xảy ra nhiều cuộc cãi vã.

 

Trẻ sơ sinh nên ngủ chung với bố mẹ

 

Xung quanh vấn đề này, BS. Phạm Ngọc Thanh, BV Nhi Đồng I cho biết:

 

“Theo thống kê, có khoảng 35-40% trẻ em ở độ tuổi 2-5 và 15-19% trẻ em ở độ tuổi 6-9 ngủ chung với cha mẹ. Thói quen này tùy theo văn hóa của các quốc gia. Tại Nhật, 26% trẻ em ngủ chung với cha mẹ. Con số này ở các nước phương Tây là 6%.

 

Ngoài ra còn có yếu tố xã hội như gia đình ly dị, cha hoặc mẹ đi làm đêm hoặc làm việc xa nhà, khiến cho trẻ ngủ với một phụ huynh hiện diện trong nhà.

 

Tuy nhiên, tại Việt Nam hầu hết trẻ sơ sinh đều ngủ chung với bố mẹ. Đây cũng là một thói quen có lợi.

 

Bởi, ngoài yếu tố thời tiết và thói quen sinh hoạt khi còn nằm trong bụng mẹ của trẻ, trẻ sơ sinh được ngủ chung với cha mẹ sẽ cảm thấy an toàn và được yêu thương, được bú mẹ theo nhu cầu, sự gắn bó tình cảm mẹ - con càng thêm chắc chắn. Cùng đó, phương pháp chăm sóc da kề da (nghĩa là cơ thể mẹ áp sát cơ thể trẻ) rất cần cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.

 

Tuy nhiên, để trẻ ngủ chung với cha mẹ quá lâu sẽ tạo cho trẻ thói quen quá gắn bó với mẹ nên khó có cơ hội tập sống tự lập và trưởng thành về mặt tình cảm. Trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi nghiện thuốc lá, rượu hoặc những chất gây nghiện khác từ cha mẹ. Trẻ chứng kiến những bất đồng ý kiến, thậm chí những hành vi bạo lực của cha mẹ có thể gặp sang chấn tâm lý. Ngoài ra, trẻ sống trong sự quan hệ thân mật giữa vợ chồng có thể bắt chước những hành vi kích dục của người lớn.

 
Trẻ ngủ chung với cha mẹ đến khi nào?

 

Cũng theo BS. Thanh, câu trả lời tùy vào văn hóa và cách suy nghĩ của từng gia đình. Song bé có thể ngủ chung với cha mẹ trong thời gian còn bú (0-12 tháng). Nếu có thể được, nên để trẻ ngủ trong nôi cùng phòng của cha mẹ hơn là ngủ trong giường của cha mẹ.

 

Từ 3 tuổi, trẻ bắt đầu biết phân biệt giới tính và có khuynh hướng gắn bó với người phụ huynh khác phái (bé trai gắn bó với mẹ và bé gái gắn bó với cha), nên người phụ huynh cùng phái có thể tách bé ra khỏi phụ huynh khác phái, để bé sẵn sàng tự lập khi bước vào tuổi đi học.

 

Nếu bé đã quen ngủ chung với cha mẹ trong một thời gian dài, để giúp bé ngủ riêng, cần chuẩn bị tinh thần cho bé, tạo dựng thói quen giúp bé đi vào giấc ngủ. Chẳng hạn như 30 phút trước giờ ngủ, cha mẹ có thể chuẩn bị cho bé đánh răng, đi vệ sinh, thay quần áo, lên giường đọc hoặc hát cho bé nghe một câu chuyện, bài hát.

 

Bố mẹ có thể đặt bên cạnh bé một chiếc khăn, chiếc gối có mùi của mẹ hoặc một thú nhồi bông đã từng nằm chung trong phòng hai mẹ con. Điều này sẽ giúp bé không còn cảm giác nhớ hơi mẹ. Cũng cần động viên bé bằng phần thưởng ngày hôm sau, nếu bé ngủ tốt một mình trong đêm.

 

P. Thanh (ghi)