Bầm tôi...

(Dân trí) - Tôi về làm dâu đất Phú Thọ mới biết gọi “Bầm”. Bầm tôi năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Thi thoảng, bầm vẫn thường kể các câu chuyện ngày xưa cho con cháu nghe, tôi không hiểu sao, đã từng ấy năm, nhưng bầm vẫn nhớ rõ, kể cả các mốc thời gian ngày tháng năm mà bầm vẫn nhớ được.

Bầm không phải vợ đầu của bố chồng tôi, ông có một người vợ nữa nhưng bỏ nhau vì không có con, trước khi cưới bầm. Bố chồng tôi ngày đó là cán bộ cách mạng, nên thường biền biệt xa nhà. Những lần về phép chớp nhoáng khiến suốt 7 năm, bầm vẫn không có chửa.

Năm ấy, bầm quyết gác lại mọi việc, ra Quảng Ninh nơi bố tôi công tác, rồi ở hẳn nửa năm, đến khi mang bầu anh cả bầm mới về quê. Vậy mà rồi sau lần đó, cứ mỗi lần bố về phép là bầm lại mang bầu. Ròng rã suốt 19 năm bầm sinh liền tù tì 8 đứa con.

Bầm kể, ngày xưa đói kém, chẳng đủ cơm gạo ăn, nên dẫu có vừa sinh xong cũng phải ăn ngô ăn sắn, lần sinh bác thứ 3, suốt cả tháng chỉ có ăn củ dong riềng. Rồi những lần chửa đến tháng thứ 9, bầm vẫn phải gánh hàng đi bộ hơn 20 cây số đường rừng vào Mường đổi lấy nông sản. Rồi chuyện đẻ rơi bác thứ 4 khi đang gánh hàng lên dốc, giữa núi rừng hoang vu, đành phải tự lấy cật nứa cắt rốn và xuống suối lấy nước rửa ráy.

Rồi thì lúc các con khôn lớn, đứa đi công tác, đứa đi học xa, ở nhà mỗi bố và bầm, tối tối lại lấy bài ra đánh tiến lên mà thắng thua được tính bằng nắm lạc rang, cứ người nào thắng được ăn 5 hạt lạc. Rồi chuyện lần bố giận, bố ném lọ mì chính ra sân, nhưng cố gắng ném vào chỗ luống rau muống chứ không dám ném vào sân gạch cho khỏi vỡ, hoài của.

Ngày bố mất, bỏ lại mình bầm bơ vơ, các bác không đành để bầm ở một mình, quyết tâm đón bầm lên Hà Nội ở cùng. Bầm lên rồi nhưng tháng nào cũng đòi phải về quê bằng được đôi ba lần, chỉ là để ăn trầu và trò chuyện cùng các bạn già trong xóm.

Khi tôi về làm dâu, trùng với lịch mừng thọ 75 tuổi của bầm, để thử thách con dâu mới, bầm bắt mình tôi phải rửa hết 30 mâm bát đĩa mời khách hôm đó, làm tôi vừa rửa vừa lưng tròng nước mắt vì ấm ức. Ấy vậy mà sau lần đó, tôi lại là đứa được bầm chiều nhất, có việc gì bầm cũng bảo các anh chị: “thôi chúng mày làm cố đi, em nó út ít để cho nó nghỉ…”

Vẫn biết sinh lão bệnh tử là chẳng thể tránh được, chúng tôi chỉ mong những lần khám sức khỏe định kỳ cho bầm tiếp theo, lúc nào bác sĩ cũng cười và bảo: “Cụ chỉ có mỗi buồng trứng với tử cung là bị teo mất rồi thôi, còn mọi thứ đều ổn cả…”.

Hương Hồng