Bài học đòn roi

(Dân trí) - Cả khu tập thể đang chìm trong giấc ngủ bỗng choàng tỉnh vì tiếng kêu thất thanh của một đứa bé, tiếp theo là một tràng những tiếng quát tháo, chửi bới của hai người lớn. Không ai tin được rằng đó là ông bà nội đang “dạy” cháu.

Đòn thù

 

Cậu bé mới 5 tuổi đầu, là cháu nội (con cậu con trai đầu) của ông bà N.V.T (Đội Cấn, Hà Nội). Bố mẹ nó đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà nuôi dạy vì tin tưởng rằng ông từng là giáo sư đại học, có kĩ năng sư phạm, còn bà ít nhất cũng từng là dược sĩ.

 

Bình thường thì cũng không có chuyện gì xảy ra, nhưng mỗi khi cậu bé phạm lỗi, dù to dù nhỏ, nó cũng phải hứng chịu đầy đủ cơn thịnh nộ của cả ông lẫn bà. Ông nội nó luôn thị uy bằng tiếng quát như trời gầm (ở đầu khu đến cuối khu tập thể cũng phải giật mình): “Qùy xuống! Quỳ xuống mau”.

 

Chỉ cần nghe tiếng quát ấy thôi là cậu bé cũng đủ sợ chết giấc rồi, huống hồ ông còn dùng cả dáng bộ hùng hổ với cái roi to bằng cái chổi quét nhà trước mặt thằng bé đang xanh lét vì hoảng sợ: “Xin lỗi ông đi. Ai dạy mày như thế hả?”.

 

Ở phía sau ông, bà nội nó cũng tranh thủ “mắng hôi” vài câu. Ông T bị ám ảnh bởi thằng con thứ 2 “do tôi không dạy dỗ tử tế nên nó đi vào con đường nghiệp ngập. Bây giờ, với thằng cháu đích tôn, phải dạy dỗ nó ngay từ khi trứng nước”.

 

Kết thúc “cuộc dạy dỗ” ấy, thằng bé gần như ngất lịm, thậm chí có hôm còn rơi vào tình trạng mê sảng, trong cơn mê sảng vẫn còn giật thót mình lẩm bẩm: “Ông ơi, ông tha cho cháu…”

 

Cũng ngay trong khu tập thể ấy có một người cha dạy con theo kiểu “thiết quân luật”. Năm nay cậu bé T.V.N lên lớp 5. 5 năm đi học là 5 năm nó bị ám ảnh bởi những trận đòn của cha mà nhiều người trong khu gọi đó là “đòn thù”.

 

Mỗi lần cậu bé mắc lỗi là bố nó lại lôi vào trong nhà, đóng kín cửa lại vừa quật, vừa đánh mắng. Mỗi lần như vậy, hàng xóm gần như bị tra tấn bởi tiếng gào thét van xin của đứa trẻ, tiếng huỳnh huỵch đấm đá và tiếng quát như quát thù của người cha. Cả mẹ và em gái N cũng không được vào nhà để “giải cứu”.

 

Sau mỗi trận đòn, khắp người đứa bé là những vết bầm tím và nỗi sợ hãi ám ảnh không giấu nổi trong đôi mắt trẻ thơ. Không chỉ có N hay bị trừng phạt thân thể, người đàn ông thô lỗ ấy còn thường xuyên “hạ cẳng tay, thượng cẳng chân” với vợ, thậm chí ngay cả khi vợ đang mang bầu, sắp đến ngày sinh nở.

 

Có lần, không chịu nổi tiếng la hét, nhiều người hàng xóm đập cửa can ngăn nhưng vô hiệu. Ông bố hung dữ ấy luôn thanh minh về hành động của mình: “Trẻ con bây giờ khó dạy lắm. Không dạy tử tế ngay từ khi còn nhỏ là chúng nó hỏng lúc nào không biết. Nói nhẹ không nghe thì phải đòn roi, chỉ có đòn roi chúng nó mới biết sợ”.

 

Nhưng đòn roi không có nghĩa là tra tấn, dạy con, dạy cháu chứ không phải đánh thù.

 

Mỗi lần về thăm con, anh S. (con trai ông T.) lại thấy nó cứ thất thần, hay giật mình sợ hãi khi nghe tiếng động mạnh. Con trai mà nói năng đi lại cứ riu ríu như con gái. Đặc biệt nó luôn sợ hãi, không dám lại gần ông nội.

 

Một lần nhân ngày chủ nhật, anh đưa con đi chơi, đang đi trên đường tự nhiên đứa bé khóc rống lên, hoảng loạn nép chặt vào người bố. Gặng hỏi mãi nó mới vừa nấc vừa mếu máo cho anh biết, có một ông già tóc bạc trắng cứ nhìn nó chằm chằm. Thì ra thằng bé thấy sợ những ông già tóc bạc (trông giống ông nội nó). Anh hoảng sợ phải vội vàng đưa con đến gặp bác sĩ.

 

Lớn lên trong môi trường đòn roi nên cậu bé N. cũng không được bình thường như những đứa trẻ khác. N. lúc nào cũng chỉ biết học và học, không tham gia các hoạt động ngoại khoá, không chơi với bạn bè vì sợ bố… đánh.

 

Học một cách thụ động nên mặc dù điểm của N. cũng cao nhưng không ai đánh giá cậu bé là có tư chất, thông minh học giỏi. Suốt ngày ù ù, lì lì, N. không phân biệt được những hiện tượng bình thường trong cuộc sống.

 

Có lần, mẹ cậu bảo đưa cho mẹ gói đường, N. loay hoay một hồi và lấy đưa cho mẹ gói mì chính. Cậu bé không phân biệt được đường và mì chính vì “chúng nó cứ ngòn ngọt như nhau”. Nỗi lo sợ về những trận đòn của cha cứ ảm ảnh mãi trong tâm trí của N., khiến cậu bé lúc nào cũng trong tình trạng lơ ngơ, sợ hãi như kẻ mất hồn.

 

“Chống trừng phạt thân thể trẻ em” là tên rất nhiều dự án được các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước thực hiện trong các trường học ở Việt Nam. Vấn đề bạo lực với trẻ em không còn là vấn đề riêng của từng gia đình. Những lý lẽ kiểu: “con tôi, tôi dạy” hay “trẻ con bây giờ khó dạy lắm, phải đánh cho chúng sợ ngay từ bé, chúng mới không dám hỗn…” không thể chấp nhận được.

 

Chúng ta đang cảnh báo về rất nhiều tệ nạn xã hội đang leo thang, trong đó có tình trạng bạo lực mà nhiều khi xuất phát từ bạo lực gia đình. Các bậc cha mẹ có nên tham khảo những câu chuyện như trên để biết được những hậu quả do bạo lực gia đình gây ra, từ đó dạy dỗ con cái cho hợp lý?

 

Nguyên Thảo

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái