Ảo mộng của chồng “khờ”

(Dân trí) - Theo anh Chính, nghề xứng với mình phải hội tụ đủ các yếu tố: “Sáng, ung dung quần là áo lượt đi. Chiều, thong dong quần là áo lượt về” nhưng cái ngày ấy chẳng biết đến bao giờ...

 

1. Ảo mộng của chồng

 

Tốt nghiệp lớp tại chức Kinh tế nhưng anh Chính luôn coi mình như một “thiên tài”. Xấp xỉ U30, 1 vợ, 1 con nhỏ, tính sơ sơ, anh Chính đã nhảy việc qua 5 - 7 công ty lớn bé. Chỗ thì anh chê lương thấp, chỗ thì “Sếp thiếu năng lực, không biết trọng dụng nhân viên”. Kết quả, đến giờ, anh Chính vẫn quẩn quanh với mấy việc lặt vặt thay vợ trong nhà, ước mong một ngày được “làm công to việc lớn”.

 

Thương cảnh, bố vợ anh, trước là Trưởng phòng tổ chức cho một Xí nghiệp đầu máy xe lửa, nay đã nghỉ hưu đôi lần gợi ý: “Bố có ông bạn hứa lo được việc cho con làm tài xế tàu hỏa tuyến Hà Nội - Lào Cai. Con chuẩn bị hồ sơ thi tuyển rồi chịu khó theo học nghề đôi ba năm là được”.  Vận may hiếm có, tưởng anh Chính sẽ phấn khởi “chớp” lấy ngay. Nhưng không, nghe bố nói xong, anh chỉ cười “hì hì”: “Không hợp với con đâu, bố ạ”.

 

Chẳng nói ra nhưng trong gia đình ai cũng biết, anh Chính luôn ngại khó, ngại khổ. Làm tài xế kiểu này là phải thức khuya, dậy sớm, làm đêm làm hôm, trăm đường cơ cực, vất vả, đời nào anh chịu. Theo anh Chính, nghề xứng với mình phải hội tụ đủ các yếu tố: “Sáng, ung dung quần là áo lượt đi. Chiều, thong dong quần là áo lượt về”.

 

Bố vợ “bó tay” chịu thua, anh rể “nhảy vào cuộc”: “Cơ quan anh đang khuyết một chân bảo vệ. Chế độ cũng ổn, em làm tạm đi, anh xin cho”. Thấy anh rể chạy vạy ngược xuôi, vợ cũng ngọt ngào động viên, khuyến khích, anh Chính đành ậm ừ miễn cưỡng đồng ý với điều kiện: “Tạm thời thôi em nhé. Tìm được việc khác anh sẽ chuyển ngay”.

 

Một tuần sau, đang làm việc, vợ anh Chính tá hỏa khi anh rể gọi điện hốt hoảng thông báo: “Em ơi, tối qua thằng Chính bỏ ca trực đi chơi, trộm đột nhập vào cơ quan anh rồi. Em nhanh nhanh tới mà giải quyết đi”.

 

Khác với anh Chính, ảo mộng đổi đời của anh Tâm gắn với khát vọng lô đề. Mấy bữa trước, anh Tâm thấy vợ than ngắn thở dài: “Cái tủ lạnh nhà mình chán quá anh à. Cũ quá rồi nên suốt ngày kêu ro ro. Khi nào có tiền mình đổi cái mới anh nhé!”. Hôm sau, vừa lạch cạch mở khóa cửa bước vào nhà, chị choáng nặng: “Cái tủ lạnh đã không cánh mà bay”. Tức tốc, chị gọi điện cho chồng: “À, à, anh vừa bán rồi. Để từ từ, anh mua cái mới”.

 

Chờ mãi mới thấy chồng về, mặt mũi bơ phờ, chị gặng hỏi về số tiền bán tủ, anh Tâm chỉ “ờ ờ”, đánh trống lảng: “Tủ nhà mình cũ quá, bán chẳng được bao em ạ”. Thế là đủ để chị tự biết: “Hôm nay, anh lại trượt lô”.

 

2. Nỗi đau của vợ

 

Giải quyết xong hậu quả vụ mất trộm ở cơ quan anh rể, anh Chính chẳng còn cách nào khác là thôi việc. Mọi chi phí sinh họat trong nhà, tiền nuôi dưỡng con nhỏ vẫn đè nặng trên vai vợ anh. Thương vợ, xót con, anh Chính càng nung nấu quyết tâm kiếm tiền cho vợ con nở mày nở mặt, nhưng cái ngày ấy chẳng biết đến bao giờ...

 

Vợ anh Tâm hằng ngày phải trang bị cho mình tâm lý “canh” chồng, lơ là chút thì đồ đạc trong nhà “im thin thít và lặn mất tăm”. “Máu” lô đề, cờ bạc bám theo anh Tâm từ hồi trai trẻ, những tưởng là để “chơi cho vui”...

 

Đích thân chị đã không dưới 2 lần mang tiền ra hiệu cầm đồ chuộc xe máy cho chồng. Sợi dây chuyền mẹ chị tặng hồi mới cưới cũng đã “ra đi không hẹn ngày tái ngộ”. Ở nhà thì không sao chứ cữ hễ ngó mặt ra đường là chị bị đòi nợ: từ bạn bè, họ hàng chồng đến cả người không quen không biết. Đã bao lần anh Tâm thề sống thề chết với vợ nhưng “chứng vẫn nào, tật vẫn ấy”.

 

Để kéo những ông chồng ôm ảo mộng về với thực tại đòi hỏi các bà vợ vừa khéo léo vừa cương quyết. Giúp chồng nhận ra giá trị thực và vai trò trụ cột của mình trong gia đình. Đồng thời, bàn bạc, trao đổi cụ thể với chồng về công việc, thu nhập dựa trên năng lực và mong ước của chồng. Trường hợp khó khăn, hãy nhờ đến sự trợ giúp của họ hàng nội ngọai hay bạn bè thân thích của đôi bên gia đình nhất là những người thân cận, gận gũi và tin cậy với chồng.

 

Ngọc Anh