“Anh không về sớm là tôi…”

Nhiều người vợ chọn cách nhắn tin “đe dọa” lẫn thách thức như vậy để kéo chồng khỏi bàn nhậu về nhà sớm. Chẳng ngờ vớ phải ông có máu ghen, chưa lôi được chồng về, vợ chồng đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

 
“Anh không về sớm là tôi…” - 1


“Nát óc” không nghĩ ra cách đối phó với anh xã là “bợm nhậu”, Huyền đành nhắn tin khiêu khích: “Anh không về sớm là tôi...”.

 

“Bạn cũ” là từ Huyền ám chỉ người yêu cũ của mình, vì biết chồng vốn ghen tuông, sẽ chẳng còn tâm trí nào ngồi yên trên bàn nhậu.

 

Đúng như dự đoán, chưa đầy nửa giờ đồng hồ sau, Huyền đã thấy tiếng xe máy của chồng ở cửa. Huyền vui vẻ chào đón nhưng lại bị chồng ném cho một cái nhìn hằn học. Dù Huyền có giải thích: “Em nhắn vui thế để anh về nhà sớm” nhưng chồng cô vẫn không tin. Anh cương quyết khẳng định: “30 phút là đủ để thằng đó tới nhà và rút êm”.

 

Huyền cự lại lời vô lý của chồng nhưng vẫn bị chồng dò xét. Từ hôm đó, Huyền hay bị chồng “đòi hỏi”. Nếu mệt mà từ chối, thể nào cô cũng bị chồng mỉa mai, cho là “có nhân tình”. Bây giờ, Huyền lại thấy ân hận vì đã lỡ nhắn tin “chọc ghen” chồng, để đến nỗi, anh chồng đầy ghen tuông của cô cứ tưởng thật.

 

Chồng Huyền nóng tính nhưng tốt bụng. Khổ nỗi lại mê “chén chú, chén anh” mặc Huyền tìm đủ cách giúp chồng cai “em rượu”. Lúc thì cô nhẹ nhàng giải thích, thuyết phục. Lúc khác, cô mua sách về căn bệnh ung thư gan do rượu để cảnh báo chồng. Có lần, Huyền chẳng ngại lôi bằng được chồng vào viện để chứng kiến cảnh một người anh họ của cô bị bệnh gan, đang điều trị trong bệnh viện vì lạm dụng rượu.

 

Thế nhưng chỉ ngày hôm sau, cái bệnh của chồng lại tái phát. Bực mình vì nhiều lần tỉnh giấc lúc 1-2 giờ sáng do chồng nhậu khuya, hôm sinh nhật mình, muốn chồng về nhà sớm, Huyền đã nghĩ ra “hạ sách” khích bác chồng.

 

Cũng có chồng suốt ngày nhậu và say, Yến (quận Tân Bình, TPHCM) nghĩ rất nhiều cách để kiềm chế cơn thèm “hơi cồn” cho chồng nhưng chưa thành công. Có lần, Yến đòi theo chân chồng đi nhậu. Chồng rót, vợ cụng ly. Chồng xiêu vẹo, vợ say bí tỉ. Nhưng đến lần thứ 2, Yến tự nguyện “xin rút” vì anh xã vẫn sung, còn mình thì oải quá.

 

Lần khác, đợi lúc chồng nôn khắp nhà, Yến khéo léo kéo chồng sang phòng bên cạnh và để nguyên “bãi chiến trường”, hy vọng sớm mai tỉnh giấc, chồng thấy “thành quả” mà “tởn” đến già. Nhưng chẳng những không sợ, ngay ngày hôm sau, Yến lại thấy chồng hí hửng với bạn nhậu.

 

Người bạn của Yến mách cho một mẹo “kinh dị”: Lấy mồ hôi của con ngựa, trộn vào rượu, chồng vừa uống là nôn mửa. Đảm bảo sợ rượu đến… kiếp sau. Thế nhưng, cách này không hữu hiệu vì kiếm một con ngựa ở chốn thành phố đã là không tưởng, lấy được mồ hôi của nó còn hoang tưởng hơn. Chưa kể, chuyện này thiếu cơ sở khoa học, chẳng may chồng ngộ độc thì sinh chuyện lớn.

 

Cuối cùng, biết chồng ghen tuông, đi nhậu nhưng lần nào cũng “điện đóm” về, vừa là “báo cáo”, vừa hòng kiểm tra vợ nên trước giờ nhận được điện thoại của chồng, Yến cố tình gọi điện thoại, “buôn chuyện” với cô bạn thân. Mục đích của Yến là để khi chồng gọi lại vài lần thấy máy của vợ bận, phải sinh nghi.

 

Khoảng 20 phút sau, thấy chồng lạch cạch mở cổng, Yến vẫn kệ. Cô vờ chui vào nhà vệ sinh nói chuyện điện thoại, dù bên ngoài, chồng quát tháo ầm ầm. Yến vừa ló mặt ra, đã bị chồng giằng mất điện thoại, thẳng tay ném xuống sàn nhà và bị bẻ gãy sim. Hôm đó, vợ chồng cãi vã lớn. Những ngày sau, chồng Yến vẫn nhậu “be bét”, còn hăm dọa vợ: “Cứ liệu hồn”.

 

Xôi hỏng, bỏng không

 

Có hàng trăm lý do để chồng “yêu” nhậu. Cũng có ngần đó nỗi buồn của những người vợ có chồng nhậu nhẹt. Được gặp mặt chồng ngay sau giờ làm là ao ước của người vợ. Tuy nhiên, đừng “bới” vào sự ghen tuông của chồng để mong chồng về sớm. Đó không phải là kế sách hiệu quả. Thậm chí, nó còn phản tác dụng, gây hiểu nhầm sâu sắc và hậu quả, người vợ phải hứng chịu.

 

Ngoài ra, lừa chồng về nhà sớm không bao giờ là cách hay, dù với bất kỳ nguyên nhân nào. Sớm muộn gì, chồng cũng biết bị lừa hoặc trở nên hằn học, sinh nghi với vợ (như chuyện “chọc ghen”). Lúc đó, người vợ tự buộc mình trong cảnh “tình ngay, lý gian”. Niềm tin với vợ bị giảm sút khiến chồng ức chế, càng “đổ đốn” hơn. Bên cạnh đó, say xỉn là một trong nhiều nguyên nhân của bạo lực gia đình. Vì thế, càng không nên khiêu khích hay thách thức chồng.

 

Ở vào hoàn cảnh này, người vợ cần kiên trì và khéo léo. Không phải khuyên nhủ, giận dỗi, phân tích tác hại của rượu là chồng “cải tà, quy chính” ngay. Cần biết chồng “mê” rượu loại nào, sợ nhất điều gì để khắc phục từ từ. Đồng thời, người vợ cần tạo điều kiện để chồng gần gũi hơn với gia đình, giảm bớt thời gian vui chơi bên ngoài. Quan trọng là khi ý thức, trách nhiệm của người chồng tốt lên thì tần suất nhậu nhẹt sẽ bớt.

 

Theo Mẹ và bé