“Ăn cơm trước kẻng” và dư luận

(Dân trí) - Tôi quan niệm, đến độ tuổi người ta đã đủ chín chắn, già dặn, từng trải, có thể sẵn sàng đối mặt với tất cả khó khăn, thử thách, thì chẳng sợ gì dư luận. Thế nhưng…

 
“Ăn cơm trước kẻng” và dư luận - 1


Tôi chưa đủ tuổi “chín”, tức là chưa đủ dạn dày để chống chọi với dư luận, giỏi lắm chỉ mới tốt nghiệp Đại học và tự thấy mình có thể thở phào nhẹ nhõm về quãng đường đã qua. Và… Tôi có thai trước khi lấy chồng.

 

Ít ra tôi không đến nỗi bất hạnh như những cô bé mới cấp 2, 3 đã phải chịu những cú sốc khi làm mẹ bất đắc dĩ. Tuy nhiên, tôi ra trường lại đi học tiếp. Và sự việc “ăn cơm trước kẻng” làm tôi dang dở chuyện học hành. Vì thế, tất nhiên, tôi không thể giấu nổi ai.

 

Không biết những người cũng “ăn cơm trước kẻng” như tôi (trong đó có cả giáo viên, thạc sĩ, những cô con gái nhà lành, đạo đức và trình độ), họ đã vượt qua như thế nào. Riêng tôi, đến giờ mọi việc vẫn thật khó khăn.

 

Đang học và làm trên Hà Nội, tôi phải gác lại tất cả để về quê với cái bụng đang to dần. Tôi trút mọi gánh nặng lên đôi vai gầy của mẹ, lên đôi mắt u sầu và trái tim đã vỡ vụn của người mẹ có cuộc đời quá khổ (mẹ tôi làm vợ chỉ có 6 năm và bố tôi đã phản bội mẹ tôi). Mẹ không đánh, không quát, nhưng tôi biết mẹ có lẽ chẳng bao giờ được thanh thản nữa.

 

Nếu ở Hà Nội tôi trốn chạy ánh nhìn của bạn bè trong lớp, của cô giáo và những chị làm cùng, hạn chế tiếp xúc với mọi người thì ề đến quê, tôi mặc những cái áo có thể che bụng khéo léo nhất. Có khách đến nhà, tôi phải nín thở và thóp bụng lại. Về ăn uống, tôi vẫn duy trì chế độ bình thường. Chỉ có hôm nọ, tôi ăn 2 quả trứng ngỗng nhưng vẫn nhớ giấu kín vỏ đi vì hàng xóm hay sang chơi. Thế mà dư luận như con cáo già khôn ngoan vẫn phát hiện ra được.

 

Cô bạn làm tư vấn tâm lý khuyên tôi hai từ: “Kệ họ”. Tôi phải sống vì chồng sắp cưới, hơn tất cả là vì đứa con đầu lòng này,chứ không phải vì những người xa lạ chỉ muốn vùi dập tôi kia. Thế nhưng tôi yếu đuối. Tôi xa bố từ nhỏ, vốn yếu đuối lại càngyếu đuối hơn.

 

Suốt ngày tôi giam mình trong phòng và co rúm người lại. Tôi - sợ - dư - luận.

 

Tôi không thể ngẩng cao đầu mà sống thanh thản, bình yên, không thể coi họ như không tồn tại được. Tôi chưa có gì trong tay, sự nghiệp, tiền bạc. Và sau “đám cưới chạy”, tôi và chồng vẫn phải mỗi đứa một nơi (anh ấy cũng đang học tại chức và công việc chưa ổn định).

 

Tôi chỉ là một kẻ bỏ đi đem lại cho mẹ tôi hết phiền muộn này đến phiền muộn khác. Đôi lúc trong đầu tôi lóe lên ý tưởng “giá mà nó chết đi” - Nó ở đây là cả tôi và con. Tôi không đủ dũng cảm để vào bất kỳ cơ sở phá thai nào. Tôi sợ sự ám ảnh cho phần đời còn lại của mình. Tôi chỉ có một mong muốn, mong muốn tột bậc là được chết cùng “nó”. Tôi sẽ thanh thản biết nhường nào. Mẹ có lẽ sẽ không phải khổ vì tôi nữa.

Hai tháng đầu, trực một mình ở trung tâm, không ngày nào tôi không ru mình ngủ bằng nước mắt. Đến tháng thứ ba, tôi về nhà để lo đám cưới, có mẹ nên tôi chỉ len lén khóc những lúc mẹ không có ở nhà.

 

Bây giờ thì tôi không còn ý định muốn chết nữa. Nhưng tâm trạng vẫn còn rất nặng nề. Tôi có hai may mắn: Thứ nhất, chồng tôi không phải Sở Khanh, anh ấy yêu tôi thật lòng (dù có thể tình yêu chỉ là một trạng thái tình cảm nhất thời) và đặc biệt anh ấy là người đàn ông có trách nhiệm. Thứ hai, mẹ tôi luôn sẵn lòng giang tay đón nhận đứa con của bà (giờ thêm cả đứa cháu) dù nó có lầm lỡ đến thế nào.

 

Có một may mắn mà sau này tôi mới biết, đó là thầy bói nào khi xem ngày để cưới cũng nói tôi và chồng tôi nếu lấy nhau sẽ chết một trong hai. Do đó, mẹ tôi sẽ không cho tôi lấy anh nếu như không có chuyện “ăn cơm trước kẻng” . Dù mai sau một trong hai phải chết, chúng tôi cũng mãn nguyện vì đã nên nghĩa vợ chồng bằng tình yêu chân chính. Yêu nhau thì dù chỉ được sống bên nhau 1 ngày cũng cam lòng. Còn hơn là sống cả đời với người mình không yêu.

 

Tôi nói ra may mắn này không nhằm bào chữa cho hành động của mình. Đơn giản, khi chuyện trót lỡ, bao nhiêu hệ lụy theo cùng. Chúng tôi vẫn là một đôi vợ chồng trắng tay và ăn bám. Tôi gác lại sự nghiệp học hành, về quê làm tạm với đồng lương thử việc (làm mấy tháng lại nghỉ đẻ). Anh thì tiền trang trải cho việc học còn chưa đủ.

 

Chúng tôi không được biết hết ý nghĩa của đêm tân hôn, tuần trăng mật. Một đám cưới mệt mỏi trong vội vàng. Bạn bè tôi cũng không dám mời nhiều, chỉ trên dưới chục người.

Và hiện tại, tôi vẫn vậy, ngày qua ngày, ngồi trong bóng đêm đen đặc, tự vấn lương tâm, lương tâm của kẻ đã đi ngược chuẩn mực xã hội.

 

Chỉ một sự góp ý hay phê bình từ phía chồng cũng khiến tôi mặc cảm về cái chuyện dại khờ kia, nghĩ rằng chồng không tôn trọng mình. Tôi cũng không đủ can đảm để thăm hỏi nhà chồng thường xuyên dù chỉ qua điện thoại. Vậy thì làm sao tôi có thể trọn đạo làm dâu?

 

Hi vọng rồi mọi thứ sẽ qua đi và dư luận về chuyện của tôi sẽ chìm xuống, cho tôi được bình yên trở lại với tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ. Cũng phải một thời gian nữa, rất dài…

 

Nhật Lệ