24 bậc cầu thang

(Dân trí) - Lại sắp rằm tháng bảy, lễ báo hiếu Vu Lan. Tôi dọn dẹp nhà, lau đến cái cầu thang, lại nhớ lâu rồi chẳng về nhà thăm mẹ.

 

24 bậc cầu thang - 1

Rằm tháng 7 rồi rằm tháng 8, chẳng mấy mà đến tết. Tôi rất muốn về nhà, nhưng 10 năm nay rồi, từ lúc học đại học đến giờ, vì giận bố, tôi không về. Dù rất nhớ mẹ.

Mẹ tôi là mẫu người cũ kỹ, nhường nhịn hết mình, đau khổ đến đâu cũng chẳng dám bỏ chồng. Hàng ngày sống với người chồng bội bạc, mẹ bỗng thành ra mê tín đâu đâu. Cứ mỗi lần lau cầu thang lại thấy me bảo tiếc vì cầu thang bị lỡ, lẽ ra nó phải có hai lăm bậc. Hai lăm bậc cầu thang, để chia cho 4 thì dư 1. Chia 4 dư 1 để mỗi một vòng sinh - lão - bệnh - tử, lại một lần "sinh".

Tôi vẫn không thích sự chịu đựng ấy và cũng ghét luôn cả cái sự lẩn thẩn của mẹ. Tôi luôn nói, mọi thứ trên đời đều do mình quyết định cả thôi, chẳng ai bắt mình phải chịu đau khổ cả. Tôi thương mẹ, nhưng việc mẹ chịu đựng mãi để sống được với bố làm tôi trách mẹ.

Bố đã khiến tuổi thơ của tôi tan nát, tơi bời trong đau đớn. Cho đến tận bây giờ, hai chữ “người cha”, đối với tôi vẫn là vết thương trong lòng, mãi không lành miệng được.

Ngày chồng tôi được lệnh điều động công tác xa, anh hốt hoảng mua cho tôi và con gái ngôi nhà giá rẻ, không nỡ để mẹ con tôi ở trong căn phòng trọ. Chắc cũng phải mấy năm nữa anh mới về nhà được.

Tôi khóc rất nhiều, mất ngủ triền miền. Tôi tự hỏi vì sao những điều đau khổ và đơn độc luôn xảy ra với mình. Nhà vắng, chiều về tôi chẳng dám đưa con vào nhà ngay, cứ loanh quanh ở ngoài công viên cho đến khi muốn khóc vì thấy những cặp vợ chồng dắt con đi dạo, lại lủi thủi đưa con trở về. Cuối tuần, tôi bực bội với cả đám bạn bè facebook, việc gì họ phải đưa ảnh đoàn tụ của gia đình họ lên làm tôi tủi thân hơn.

Những bữa cơm qua quấy, những ngày nghỉ ngủ vùi, nhưng buổi tối bực bội và cau có đến nỗi con gái tôi luôn có vẻ nem nép, nhìn tôi trong sợ sệt. Tôi mệt mỏi, căng thẳng quá thành ra đau ốm. Cả năm trời tôi không dọn dẹp nổi một lần cho gọn ghẽ, chỉ sống tạm bợ, và triền miên. Đồ đạc vất vưởng ở nhu cầu tối thiểu. Thậm chí, tôi, trong phút chốc đau khổ và nông cạn, đã giận chồng, giận mẹ. Giận hai con người gần gũi nhất với mình như thể họ đã hè nhau đẩy mình vào cảnh đơn côi. Tôi nghĩ nhiều về cái chết, nhưng mỗi một sớm mai nhìn đứa con đang thức dậy cùng mình, tôi lại nén chặt cái suy nghĩ ấy vào gan ruột.

Để rồi, đến một ngày tôi cũng nhận ra: đây là nhà tôi! Người ta, dù sao cũng có chỉ một cuộc đời để sống! Và không phải khi nào những yêu thương người ta nhận được cũng giống với cách mà người ta muốn, nhưng những yêu thương ấy là có thật trên đời! Chồng đâu có bỏ rơi tôi? Anh chỉ đi xa thôi. Và tôi có thể nào nên làm cho anh đau đớn nhiều hơn?

Mẹ đã sống với người đàn ông chẳng ra gì khiến tôi giận mẹ, nhưng dù sao đó cũng là cha đẻ của tôi. Mẹ đã nghĩ về tôi nhiều đến mức dành dụm cả đời, rồi lại vay thêm tiền đưa cho vợ chồng tôi mua nhà, những mong dù mưa gió ngoài kia thế nào, tôi cũng có một nơi nương náu. Lẽ nào, tôi cứ mãi như một đứa trẻ không chịu lớn, mãi như một người oán giận cuộc đời? Lẽ nào tôi luôn cảm thấy mình đáng được hưởng nhiều hơn, mặc kệ cố gắng của những người bên cạnh?

Tôi thuê một người giúp việc theo giờ, họ sẽ đến chăm sóc ngôi nhà trong những lúc mà tôi bận bịu. Nhưng nhìn cái cách mà họ làm cho xong việc để lấy tiền rồi vội trở về, tôi khóc! Không phải vì tôi giận họ, mà bởi tôi giận mình! Họ chỉ đối xử không tốt với ngôi nhà này trong chốc lát, nhưng tôi thì đã bỏ mặc cho nó chịu đựng sự nguyền rủa cả năm trời. Họ chỉ đến nhà tôi vì tiền, mang tiền về chăm sóc cho ngôi nhà của họ. Còn tôi thì tệ hơn rất nhiều, tôi đã muốn vứt bỏ nó…

Lâu quá rồi, tôi không về nhà. Vu Lan năm nay, tôi quyết định trở về với mẹ. Tôi sẽ nhìn vào mắt bố để hóa giải những điều dồn nén trong lòng. Bởi lẽ, những gì đã qua đã làm nên tôi, cứng cỏi, vững vàng. Tôi không thể đi tiếp về tương lai nếu cứ mãi oán trách những gì đã có, trong tư thế của một kẻ luôn mặc cả với đời và tự cho rằng mình đáng được nhiều hơn.

Tôi phải trở về nơi đã khiến cho mình đau khổ, để nhìn nó thứ tha và rộng lượng hơn. cũng là để trân trọng và gạn lọc lại những điều quý giá đã làm nên chính tôi ngày hôm nay.

Tôi nghe văng vẳng những lời kinh Sá tội vong nhân. Tôi nghĩ, bộ kinh ấy như dành cho tôi, cho những con người vì điều gì đó đã vô tình gây đau đớn cho nhau. Họ cần phải sá tội cho nhau, cũng như tha thứ cho những điều chưa tốt ở trong mình.

Nguyên Ân

 

24 bậc cầu thang - 2