Viện Kinh tế và Quản lý - 50 năm xây dựng và trưởng thành

Viện Kinh tế và Quản lý (KT&QL), Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tiền thân là Khoa Kỹ sư Kinh tế và Khoa Kinh tế & Quản lý, được thành lập từ năm 1965, là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KT&QL. Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Viện đã khẳng định được thương hiệu về một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín trong lĩnh vực này.

Hiện nay, Viện có hơn 80 cán bộ và giảng viên với 5 giáo sư/phó giáo sư, 30 tiến sĩ, 45 thạc sĩ; trong đó nhiều người được đào tạo tại các nước tiên tiến trên thế giới. Viện đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo theo các hệ đào tạo khác nhau từ đại học, cao học cho đến đào tạo tiến sĩ. Chỉ tính riêng giai đoạn 2006 – 2014, quy mô đào tạo đại học và sau đại học tăng từ 2.712 lên tới 5.000 sinh viên, học viên.

Bên cạnh đó, Viện cũng thường xuyên hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ nhân lực của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Trong những năm qua, Viện đã liên tục mở các khóa đào tạo ngắn hạn từ 1 tuần đến 3 tháng dành cho các học viên đến từ các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước với nhiều chuyên đề như: quản trị marketing, quản trị tài chính, quản trị sản xuất, quản trị nhân lực, quản trị dự án, quản trị chiến lược, kiểm soát chi phí… Một số đối tác tiêu biểu mà Viện đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn có thể kể đến như: Tập đoàn dệt may Việt Nam, Công ty TNHH Nissan Techno Việt Nam, Công ty Viễn thông Viettel…

Viện Kinh tế và Quản lý - 50 năm xây dựng và trưởng thành - 1

Bên cạnh công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác cũng được Viện rất quan tâm. Viện KT&QL đã chủ trì và tham gia vào nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, nhiều kết quả đã được công bố trên các tạp chí, kỉ yếu hội thảo khoa học có uy tín trong nước và quốc tế... Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng các đề tài và bài báo khoa học của các cán bộ Viện đã tăng mạnh, công tác biên soạn giáo trình cũng không ngừng được củng cố và nâng cao.

Ngoài ra, Viện cũng rất chú trọng đẩy mạnh hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu. Với tư cách là đối tác trong nhiều dự án đào tạo phối hợp với các tổ chức quốc tế, cán bộ giảng dạy và sinh viên của Viện có rất nhiều cơ hội để học hỏi, cập nhật kiến thức mới, phong cách mới thông qua các nhiều hoạt động đa dạng như trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc các nước phát triển, tổ chức các hội thảo khoa học với sự tham dự của nhiều nhà khoa học quốc tế… Mạng lưới hợp quốc tế của Viện ngày càng được mở rông, Viện hiện có quan hệ với nhiều tổ chức đào tạo và nghiên cứu tại nhiều nước như: Cộng hòa Pháp, Cộng hòa liên bang Ðức, Phần Lan, Cộng hòa Áo, Nhật Bản…

Nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của một đơn vị đào tạo và nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực KT&QL, định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới là đa dạng hóa chương trình và loại hình đào tạo; tăng cường đào tạo ở trình độ cao như thạc sĩ và tiến sĩ; đẩy mạnh các chương trình ngắn hạn nhằm gắn đào tạo với thực tế thông qua việc liên kết, tư vấn cho các doanh nghiệp…

Chia sẻ của một số lãnh đạo Viện qua các thời kỳ:

NGƯT.PGS.TS Nguyễn Minh Duệ - Nguyên Trưởng Khoa Kỹ sư Kinh tế: “Tốt nghiệp ngành Phát dẫn điện Trường ĐHBK Hà Nội (năm 1963), được phân công giảng dạy tại Khoa Kỹ sư Kinh tế (tiền thân của Viện KT&QL), tôi là một trong những người đầu tiên, tham gia giảng dạy liên tục trong suốt chặng đường dài trên 50 năm.

Trải qua 50 năm, Viện KT&QL đã để lại cho tôi cũng như các thế hệ cán bộ giảng dạy và sinh viên biết bao kỷ niệm tốt đẹp với những trang sử rất đáng tự hào và ghi nhận. Viện KT&QL từng bước trưởng thành và phát triển, trở thành một trong những địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong lĩnh vực kinh tế và quản lý. Viện cũng trở thành đơn vị trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín của Trường ĐHBK Hà Nội. Viện đã đào tạo được hàng vạn cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, đã và đang phát huy vai trò và năng lực chuyên môn, đóng góp có hiệu quả cho phát triển KT-XH của đất nước. Một số cựu sinh viên, học viên của Viện đã trở thành cán bộ quản lý nhiều doanh nghiệp hàng đầu, lãnh đạo các Bộ, Ngành trung ương và địa phương...”.

PGS.TS Trần Văn Bình - Nguyên Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý: “Tôi nhận nhiệm vụ Trưởng khoa sau dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường, tháng 10/1996. Lúc đó, Khoa có 27 cán bộ giảng dạy, một vài người sử dụng được tiếng Pháp còn tiếng Anh thì hầu như không. Định hướng chiến lược mà Ban lãnh đạo đưa ra lúc đó là: Xây dựng tập thể tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau; Dựa vào hợp tác quốc tế để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đã gần 20 năm trôi qua rồi, kiểm điểm lại thấy mình đã làm đúng và làm được những gì đã đặt ra. Gần 20 năm nay, Viện luôn là một tập thể ổn định, đoàn kết thân ái”.

TS Nguyễn Văn Nghiến - Trưởng Bộ môn Quản lý công nghiệp, Nguyên Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý: “Khi người ta bước tới tuổi 60, lúc mà cảm nhận về ý nghĩa của câu “lực bất tòng tâm” trở nên rõ ràng thì là lúc ta đã trở thành “người thời đó”. 59 tuổi đời, 5 năm là sinh viên, 37 năm ở trường, tôi đã qua nhiều cương vị: Giảng viên, Tổ trưởng CĐ Bộ môn, Bí thư chi đoàn cán bộ giảng dạy, Bí thư Liên chi Đoàn Khoa, Chủ nhiệm Bộ môn, Phó Chủ nhiệm Khoa… Những kỷ niệm giản đơn của một thời: “Học kỹ nhớ lâu; Học Kinh tế hay thật; Học Quản lý hay thật; Lấy chồng thầy giáo thế mà hay” là những dấu ấn đẹp đẽ của cuộc đời thầy giáo dạy Kinh tế và Quản lý của tôi - CUỘC ĐỜI TÔI NẰM TRỌN TRONG LÒNG VIỆN”.

Cẩm Lệ

(Ảnh: Kim Chi - Trung Kiên)