Trường ĐH Lâm nghiệp VN tiên phong đào tạo đa ngành

Hiện nay, xu hướng đào tạo đa ngành đang thể hiện khá rõ nét ở các trường đại học trong nước. Có trường tưởng là đơn ngành, như Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam, nhưng thực tế là ngoài thế mạnh về lâm nghiệp, trường còn mạnh về nhiều lĩnh vực khác.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp (ĐHLN) về khía cạnh này.
 
Trường ĐH Lâm nghiệp VN tiên phong đào tạo đa ngành
Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam.

Xin ông cho biết tính đa ngành trong đào tạo của Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam được bắt đầu từ khi nào và hiện nay như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Có thể nói rằng, Trường ĐHLN đã khởi đầu đa ngành ngay từ khi thành lập trường (1964), khi đó ngoài lĩnh vực lâm nghiệp, trường còn đào tạo về kinh tế và cơ khí. Quá trình mở rộng ngành nghề rõ nét nhất từ năm 1994 đến nay.

Hiện nay, trường đang đào tạo 25 ngành ở bậc đại học và sau đại học. Trong đó có 7 ngành về lâm nghiệp, còn lại là các ngành thuộc lĩnh vực khác. Với sự đa dạng hóa ngành nghề, quy mô đào tạo hiện nay của ĐHLN là trên 15.000 sinh viên. Từ nay đến 2015 tuyển sinh đại học chính quy 2.200 - 3.000 sinh viên/năm, sau đại học 500 - 700 học viên/năm, các hệ khác: 1.500 - 2.500 học viên/năm.

Với tên là Trường ĐHLN, vậy những ngành học như: Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Quản lý đất đai, Kỹ thuật công trình xây dựng, Khoa học môi trường…mà trường đang đào tạo, thì chương trình đào tạo có khác so với chương trình đào tạo do các trường đại học chuyên ngành khác thực hiện hay không?

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, chương trình học của mỗi ngành không phụ thuộc vào tên trường đại học, tức là không khác nhau nhiều giữa các trường đại học. Xin nêu một ví dụ, chương trình đào tạo ngành kế toán hoặc Quản trị kinh doanh của Trường ĐHLN chỉ khác dưới 20% về nội dung so với chương trình đào tạo ngành này của các trường đại học lớn ở Hà Nội.

Ngày nay, với nhiều thế mạnh, Trường ĐHLN đã và đang sử dụng các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Những chương trình đào tạo này hoặc là chưa có ở Việt Nam (như ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên), hoặc có thể khác đáng kể so với ở một số trường đại học trong nước. Trong tương lai gần, Trường ĐHLN tiếp tục nhập khẩu thêm nhiều chương trình tiên tiến nữa theo hướng quốc tế hóa trong đào tạo, nên sự khác biệt nêu trên có thể sẽ rõ rệt hơn.

Trường ĐHLN được nhiều người biết đến bởi những đột phá trong nghiên cứu, như sản xuất thành công xe ô tô chữa cháy rừng đa năng (2010), phát hiện nhiều loài động vật, thực vật mới (2009 - 2011), đoạt giải nhất quốc tế cuộc thi quy hoạch kiến trúc cảnh quan Côn Đảo (2006), giải nhất cuộc thi thanh niên quốc tế về lâm nghiệp và môi trường (2010), phát triển phương pháp nghiên cứu thủy văn thảm thực vật đã được ứng dụng ở CHLB Đức và Hàn Quốc (2011)... Xin hỏi thầy đây có phải là lĩnh vực mạnh nhất ở ĐHLN?

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Trường ĐHLN đã được Nhà nước xác định là trường đầu ngành trong cả nước về lâm nghiệp và phát triển nông thôn, về quản lý tài nguyên rừng và môi trường. Đây là lĩnh vực mạnh nhất của Trường ĐHLN. Một số thành tựu nêu trên chưa phải là lĩnh vực mạnh nhất của trường, nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển trong thời gian gần đây và có tác dụng góp phần làm tăng vị thế của ĐHLN.

Xin cảm ơn PGS!