Những ngành học mũi nhọn có điểm chuẩn không cao

(Dân trí) - Đó là ngành Khoa học vật liệu, Hóa dược, Công nghệ hạt nhân, Công nghệ sinh học. Đây là những ngành học mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, những ngành học này điểm chuẩn hàng năm không cao so với các ngành Kinh tế.

Ngành Công nghệ hạt nhân
 
Đây là ngành học mới được đào tạo vài năm trở lại đây, cả nước mới chỉ có vài trường đại học đào tạo gồm: Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt... Mỗi khóa đào tạo, các trường chỉ tuyển khoảng 40 - 50 chỉ tiêu. Điểm chuẩn hàng năm của ngành này không cao so với các ngành khác cao nhất 17 điểm. 
 
Cụ thể, ngành Công nghệ hạt nhân năm 2010: điểm chuẩn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: 17 điểm; ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội: 17 điểm; ĐH Điện lực: 16 điểm…

Sinh viên (SV) tốt nghiệp chuyên ngành này làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như các cơ sở nghiên cứu khoa học quốc gia như Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Viện Công nghệ Quốc gia, giảng viên ở các trường ĐH, CĐ, các công ty nhà nước hoặc tư nhân theo hướng phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, trong ngành Năng lượng hạt nhân hoặc làm việc ở các bệnh viên…

Ngành Sinh học

Theo các nhà chuyên môn, đây là ngành học quan trọng đối với xã hội phát triển hiện nay vì học ngành Sinh học, sinh viên được trang bị kiến thức về các qui luật khác nhau của hệ thống sống và các kỹ năng tối thiểu để tìm hiểu hệ thống sống, có khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng này để tiếp cận, giải quyết những vấn đề liên quan đến sinh học. Ngành này gồm các chuyên ngành: sinh học động vật, sinh học thực vật, tài nguyên môi trường, vi sinh - sinh học phân tử và sinh hóa.

Chương trình cung cấp những kiến thức khoa học và các phương pháp nghiên cứu về một trong những lĩnh vực: sinh học phân tử và tế bào, sinh học cơ thể thực vật, động vật và người, sinh học quần thể, quần xã, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Chương trình cũng trang bị những kỹ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết như điều tra thu thập mẫu, định loại, phân tích và tổng hợp số liệu; giúp sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận khoa học để giải quyết vấn đề thực tiễn của ngành học.

Tốt nghiệp chuyên ngành này, SV thường làm việc tại viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, các bệnh viện, khu công nghiệp tập trung, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức sinh học hoặc có thể giảng dạy sinh học ở trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông; nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về sinh thái và tài nguyên sinh vật, sinh học thực nghiệm, công nghệ sinh học ở các cơ quan nghiên cứu; làm việc ở các cơ quan quản lý và doanh nghiệp liên quan đến sinh học và môi trường.

Đào tạo ngành học này chủ yếu ở các trường ĐH công lập trọng điểm như ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm 2, ĐH Cần Thơ...

Hàng năm, chỉ tiêu vào ngành học này cũng rất ít, khoảng 30 - 40 chỉ tiêu. Tuy nhiên, điểm chuẩn hàng năm vào ngành này cũng rất thấp do ít thí sinh đăng ký dự thi như: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2010: 17 điểm (Khối A) và 20 điểm (Khối B); ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM): 16 điểm; ĐH Sư phạm 2: 14 điểm; ĐH Sư phạm Hà Nội: 16,5 điểm (khối A) và 16 điểm (Khối B). ĐH Cần Thơ 14,5 điểm.

Ngành Hóa dược

Đào tạo ngành này thuộc các trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Dược Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ...

Là ngành học có tính chất chuyên sâu nên nhiều chuyên ngành và nhánh để nghiên cứu, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên xây dựng và đào tạo ngành Hóa dược (SV được cấp bằng cử nhân Hóa dược) gồm bốn chuyên ngành: Dược liệu, Tổng hợp Hóa dược, Sinh tổng hợp Hóa dược, cấu trúc và hoạt tính của các hợp chất có hoạt tính sinh học.

Lĩnh vực Dược có hai nhánh. Một nhánh đào tạo cán bộ nghiên cứu, chế tạo các hợp chất sinh học để làm thuốc (gọi là kỹ sư hoặc cử nhân Hóa dược); nhánh còn lại đào tạo Dược sỹ, bào chế, hướng dẫn sử dụng thuốc.

Ngành Hoá dược, dù đào tạo ở trường nào, cũng phải có kiến thức chung như nhau, chỉ khác nhau về tỷ lệ giữa các khối kiến thức cơ bản và kỹ thuật cụ thể.

Trước đây, Trường ĐH Dược Hà Nội đào tạo cả hai nhánh là Dược sỹ và Kỹ sư Hóa dược. Sau đó,vì bên Hoá dược ít được đầu tư (đầu tư cho ngành này rất tốn kém) nên số kỹ sư Hóa dược được đào tạo ít, trường chủ yếu đào tạo Dược sỹ.

Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu Hóa học liên quan đến lĩnh vực như Hóa dược, Hóa học vật liệu (vô cơ và hữu cơ), Hóa sinh, Hóa Môi trường, Hoá thực phẩm…

Sau khi tốt nghiệp, SV tốt nghiệp có đủ khả năng đảm nhận các công việc phù hợp với chuyên môn tại bất kỳ nơi nào ở trong và ngoài nước; giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, THPT; hay làm việc tại các viện nghiên cứu, các công ty, nhà máy xí nghiệp dược phẩm, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh sử dụng kiến thức hoá học, hoặc có thể được đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở trong và ngoài nước.

Năm 2010, điểm chuẩn ngành Hóa dược dao động từ 17-23,5 điểm. Cụ thể, ĐH Dược Hà Nội: 23,5 điểm; ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): 18 điểm; ĐH Bách khoa Bách Khoa Hà Nội: 17 điểm; ĐH Cần Thơ: 19 điểm.

Ngành Khoa học Vật liệu

Đây cũng là ngành được các nhà khoa học xác định là ngành mũi nhọn trong tương lai. SV học ngành này được  trang bị kiến thức và khả năng thực nghiệm về các phương pháp chế tạo vật liệu và màng mỏng; những phương pháp đo đạc và nghiên cứu vật liệu màng mỏng; tính chất của các loại vật liệu khác nhau (polymer, ceramic...) và những ứng dụng chính của chúng. Ngành này có hai chuyên ngành: vật liệu màng mỏng và vật liệu polymer.

Học ngành này, SV cũng được trang bị kiến thức về khoa học công nghệ các vật liệu tiên tiến khác như hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nanô, vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser... những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21.

SV tốt nghiệp ngành Khoa học vật liệu có thể làm việc ở các hãng công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, của nước ngoài, các trường ĐH. Đặc biệt, nếu tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi, ngoại ngữ tốt, SV có cơ hội học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu.

Những trường đào tạo ngành khoa học vật liệu là ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách Khoa Hà Nội)...

Điểm chuẩn của ngành này năm 2010 như sau: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): 17 điểm; ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM): 14 điểm; ĐH Bách khoa Hà Nội: 16 điểm.

 Hồng Hạnh (tổng hợp)