Công nghệ thực phẩm - ngành học đầy triển vọng

Hiện Công nghệ thực phẩm đang trở thành một ngành "hot" hứa hẹn với nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng. Để hiểu rõ hơn về ngành học này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Chủ nhiệm chương trình Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Hoa Sen.

Trong những năm gần đây, ngành Công nghệ thực phẩm dần định hình vị thế của mình trong xã hội. Thầy có đánh giá như thế nào về nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thực phẩm trong thời gian tới?

TS. Phan Thế Đồng: Ngành Công nghệ thực phẩm là một trong 5 ngành thuộc khối ngành chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất - bảo quản... Ứng dụng của công nghệ thực phẩm rất đa dạng và phong phú, vì vậy tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này.

Theo đánh giá, ngành công nghệ thực phẩm liên tục phát triển với những công ty mới, nhãn hàng mới chuyên về lĩnh vực thực phẩm gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, công nghệ thực phẩm còn là ngành được xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nguồn nhân lực giai đoạn 2016 -2025. Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực cho ngành này trong tương lai là rất lớn.

Sinh viên Hoa Sen thực hành tại phòng thí nghiệm.
Sinh viên Hoa Sen thực hành tại phòng thí nghiệm.

Hiện nay có nhiều trường ĐH đang đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm, được biết mới đây trường ĐH Hoa Sen cũng đưa vào đào tạo ngành "hot" này. Vậy điều kiện để trở thành sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm của trường là gì và theo học ngành sẽ được trang bị những kiến thức gì, thưa thầy?

Trước nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thực phẩm nhiều trường ĐH lớn đã mở ngành đào tạo công nghệ thực phẩm và trường ĐH Hoa Sen cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo chuyên ngành công nghệ thực phẩm.

Năm 2017, Trường ĐH Hoa Sen áp dụng nhiều cách thức tuyển sinh mới, linh hoạt như dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, hoặc kết quả học tập 3 năm THPT, và điều kiện riêng của trường. Điều này giúp thí sinh có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào trường. Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia 2017, điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 vào ngành là 15,5 thí sinh có thể chọn các tổ hợp môn để xét tuyển: tổ hợp môn A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh) và D08 (Toán - Sinh, Tiếng Anh). Bên cạnh đó, thí sinh có thể sử dụng xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm THPT với điểm TB cộng 3 năm từ 6,0 trở lên hoặc phương thức riêng của trường, nếu kết quả thi không được như kỳ vọng.

Sinh viên theo học ngành Công nghệ thực phẩm tại trường sẽ được đào tạo trong vòng 4 năm và được trang bị các kiến thức chuyên sâu về hóa học thực phẩm, vi sinh trong thực phẩm; nguyên lý bảo quản và chế biến thực phẩm, các kiến thức nền tảng để quản lý chất lượng và an toàn thực. Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về công nghệ chế biến thịt cá, thủy hải sản, bảo quản và chế biến lương thực, công nghệ chế biến sữa và chất béo thực phẩm. Từ đó, sinh viên có thể vận dụng hiểu biết về yếu tố dinh dưỡng và sức khỏe con người để phát triển ra những sản phẩm mới.

Theo thầy, sau khi ra trường sinh viên có cơ hội làm việc như thế nào?

Nhóm công việc sau khi ra trường của ngành Công nghệ thực phẩm khá đa dạng. Sinh viên sau khi ra trường có cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở với mức thu nhập hấp dẫn. Công việc thực tế sinh viên có thể làm khi ra trường là phát triển các nguồn nguyên vật liệu mới cho ngành công nghiệp thực phẩm cũng như phát triển các sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng và thị hiếu của người tiêu dùng. Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm ; theo dõi, kiểm soát chất lượng, các mối nguy gây mất an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế trên suốt chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn. Kiểm tra, đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm như các siêu thị, các công ty xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Tham gia kiểm định, phân tích các thành phần dinh dưỡng cũng như các chất gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng. Quản lý, tham gia vận hành các dây chuyền chế biến khác nhau: thịt, thủy hải sản, sữa, rau quả, lương thực...Cải tiến, tối ưu hóa quy trình chế biến, sản xuất thực phẩm..

Với những nhóm công việc như trên, sinh viên có thể xin vào làm tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm bao gồm các tập đoàn có liên kết dọc trong chuỗi sản xuất thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn; các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thực phẩm; các dịch vụ phân tích thành phần và kiểm nghiệm thực phẩm; các dịch vụ đánh giá chất lượng và kiểm định an toàn thực phẩm…

Xin cảm ơn thầy!

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Trường ĐH Hoa Sen

Phòng NZ.001, 8 Nguyễn Văn Tráng, Quận 1, TP. HCM

Điện thoại: (028) 7300 7272

Email: tuyensinh@hoasen.edu.vn

Website: http://tuyensinh.hoasen.edu.vn