Bí quyết để sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp trở thành Trợ lý cho CEO người Mỹ.

Theo Bản tin thị trường lao động quý 3/2015 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và Tổng cục Thống kê đã công bố ngày 24/12/2015 thì số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cả nước là 225.500 người, tăng thêm 26.100 người so với quý 2/1015, vậy đâu là lý do khiến các "trí thức" của chúng ta không tìm được việc làm?

Trong một lần làm việc với ông Brent Beachler, CEO của Công ty CP Tân Đức, Long An để khảo sát trình độ sinh viên mới tốt nghiệp đại học và nhu cầu của nhà tuyển dụng, tôi được giới thiệu với Nguyễn Hoàng Thùy Dương, Trợ lý CEO. Tôi đã thực sự bất ngờ khi biết Dương là sinh viên vừa mới tốt nghiệp Đại học Tân Tạo năm 2015. Nhưng qua cách em làm việc và qua lời ông Beachler đã cho thấy Dương là một con người rất chuyên nghiệp.

Ông Brent Beachler cho biết: "Thùy Dương mặc dù mới tốt nghiệp và làm việc tại Tân Đức được 6 tháng nhưng cô ấy đã chứng tỏ được sự chuyên nghiệp của mình và trở thành nòng cốt của Công ty Tân Đức. Kỹ năng tổ chức và làm việc nhóm của cô ấy thực sự làm tôi ấn tượng. Cô ấy là một con người rất chăm chỉ, kỹ năng lãnh đạo và kiến thức về kinh doanh quốc tế cũng rất xuất sắc.

Không chỉ Thùy Dương mà tôi còn đánh giá rất cao các bạn sinh viên tốt nghiệp Đại học Tân Tạo. Đã có nhiều bạn sinh viên Tân Tạo khác làm việc tại đây, họ đều có khả năng học và giải quyết vấn đề rất nhanh. Đối với một CEO như tôi, có một trợ lý tốt như Thùy Dương thật sự là một may mắn!".


Ông Brent Beachler, CEO của Công ty CP Tân Đức.

Ông Brent Beachler, CEO của Công ty CP Tân Đức.

 

Tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Thùy Dương để tìm hiểu bí quyết của em.

Chào Dương! được biết em mới tốt nghiệp Đại học Tân Tạo năm 2015 và hiện giữ một vị trí Trợ lý CEO người Mỹ, một vị trí mà nhiều sinh viên ra trường đều mơ ước. Vậy là một sinh viên mới ra trường em có gặp khó khăn gì khi đảm nhiệm một vị trí quan trọng như thế này?

Thùy Dương: Dạ có chị ạ! Mặc dù trong thời gian học tập tại Đại học Tân Tạo, em thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kinh nghiệm và kĩ năng nhưng lúc mới bắt đầu làm tháng đầu tiên em vẫn cảm thấy bỡ ngỡ. Lĩnh vực kinh doanh của Công ty Tân Đức là bất động sản, nhà xưởng khu công nghiệp mà trước đó em chưa có kinh nghiệm gì nhiều. Lượng công việc và áp lực cũng khá lớn. Còn về phía sếp của em, ông Brent Beachler luôn yêu cầu sự chuyên nghiệp.

Bí quyết để sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp trở thành Trợ lý cho CEO người Mỹ. - 2

Vậy em đã vượt qua khó khăn đó bằng cách nào?

Thùy Dương: Em vừa làm việc và phải học hỏi thêm kinh nghiệm của các anh chị đi trước, đồng thời phải nghiên cứu nắm bắt thông tin của các khách hàng trong khu vực. Nhờ vào môi trường học tập quốc tế tại Đại học Tân Tạo mà em không phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ khi làm việc với Sếp nước ngoài cũng như vượt qua sự khác biệt về văn hóa. Nhờ vậy mà em có thể làm việc với Sếp một cách thoải mái và luôn tự tin trong giao tiếp.

Được biết Đại học Tân Tạo (TTU) là một ngôi trường phi lợi nhuận đào tạo theo mô hình Khai phóng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Em là một sản phẩm của mô hình giáo dục rất mới tại Việt Nam, theo em tự đánh giá lúc mới bước chân vào TTU với em bây giờ khác nhau như thế nào?

Thùy Dương: Chị hỏi khó quá chị ơi! (cười) Lúc mới vào TTU, tiếng Anh của em không được như bây giờ. Cũng như đa phần các bạn học sinh Việt Nam, em chỉ chú trọng học ngữ pháp và từ vựng, chỉ nghe được chứ không tự tin bắt chuyện với người nước ngoài. Giáo sư cố vấn của em - thầy Chris Tanasescu đã nói với em là nếu em không mạnh dạn nói ra những suy nghĩ của mình thì sau này em không thể nào nói tiếng anh lưu loát được, từ lúc đó em gặp các giảng viên mỗi khi có thời gian để trao đổi bài giảng hoặc các chủ đề xoay quanh cuộc sống bằng tiếng Anh.

Em của bây giờ mạnh dạn hơn rất nhiều, em có thể chủ động làm quen bạn bè nước ngoài hoặc tự tin thuyết trình trước các bạn. So với lúc mới vào TTU thì bây giờ em đã có nhiều kĩ năng hơn.

Em cảm thấy mình đã có một sự thay đổi rất lớn trong cả tác phong, tư tưởng, nhận thức và kỹ năng. TTU đã cho em cơ hội được tiếp xúc với các thầy, cô rất giỏi, tốt nghiệp các trường danh tiếng trên thế giới. Họ đã truyền cho em những kiến thức quý báu cũng như tư tưởng tiến bộ: "THINK TO MAKE DIFFERENCES".

Bí quyết gì khiến em đạt được thành tích như ngày hôm nay?

Thùy Dương: Quan điểm sống của em là "Nothing is impossible - Không có gì là không thể". Khi bắt tay vào làm một việc, em luôn tìm 3 yếu tố: động lực, năng lực, thời cơ. Trước tiên em luôn tìm cho mình một động lực, sau đó rèn luyện bản thân để mình có đủ năng lực thực hiện công việc đó và chờ đợi cơ hội, nắm bắt cơ hội để biến nó thành thời cơ của mình. Để có thể hòa nhập với môi trường kinh doanh tốt mình phải nắm vững kiến thức kinh tế, vì vậy trong quá trình học đại học cũng phải không ngừng rèn luyện, ngoài ra nên tham gia các hoạt động ngoại khóa để trau dồi kĩ năng mềm.

Em có thấy mình là một người may mắn so với các bạn đồng trang lứa không?

Thùy Dương: Đối với em, may mắn chính là thời cơ. Em thấy em là một người rất may mắn. Khi học xong cấp III, lúc đó gia đình em không có đủ tiền để em học đại học, thì may thay lúc đó em được tuyển vào Đại học Tân Tạo. Trong suốt 4 năm học em đều được học bổng, và ngay khi ra trường em xin vào Công ty Tân Đức và được tuyển thẳng vào vị trí Trợ lý Tổng giám đốc.

Em có thể cho biết kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn của em như thế nào?

Thùy Dương: Kế hoạch ngắn hạn của em là làm việc, tích lũy kinh nghiệm trong khoảng 2 năm sau đó sẽ nộp đơn xin học bổng Master tại nước ngoài học MBA. Kế hoạch dài hạn là 5 năm tiếp theo sau khi học Master em sẽ phát triển sự nghiệp.

Em có thể nói gì về nơi em đang làm việc?

Thùy Dương: Tại Công ty Tân Đức, môi trường làm việc ở đây cho em tiếp xúc với rất nhiều khách hàng nước ngoài như Australia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Qua quá trình làm việc đã giúp em học hỏi được văn hóa và cách làm việc của từng nước. Đồng thời làm trợ lý cho CEO em có thể học thêm được ở sếp cách quản lí điều hành công ty. Khi giao một công việc hay xử lý một vấn đề sếp Mỹ luôn muốn em đóng góp ý kiến hoặc đưa ra cách giải quyết của mình. Nên em cảm thấy ý kiến của mình được lắng nghe và tôn trọng.

Đến đây chắc hẳn các bạn đã biết vì sao Thùy Dương, một sinh viên mới tốt nghiệp lại thành công đến như vậy, ngoài nền tảng kiến thức vững chắc, các kỹ năng đã được học tại Đại học Tân Tạo, Dương là một con người có định hướng rõ ràng trong mọi công việc. Trở lại vấn đề thất nghiệp của các cử nhân đại học tại Việt Nam, khi chúng tôi phỏng vấn một số sinh viên đại học về công việc mơ ước của các bạn sau khi ra trường, rất nhiều ban đưa ra cùng một câu trả lời: "Chưa xác định được mình sẽ làm gì sau khi ra trường nhưng nhất định đó phải là công việc đem lại thu nhập cao." Tuy nhiên, khi được hỏi làm cách nào để các bạn vươn tới công việc như vậy thì các bạn hầu như các bạn không trả lời được. Thùy Dương là một tấm gương điển hình để các bạn trẻ học tập, ngay khi các bạn bước vào ngưỡng cửa đại học, các bạn đã một bước chân vào thị trường lao động, hãy tận dụng quãng thời gian quý báu đó để tích lỹ kiến thức và kỹ năng cho mình.

Mai Chi