Tiêu chí chọn nơi làm việc của giới trẻ đang thay đổi

(Dân trí) - "Cân bằng công việc và cuộc sống, có đủ tiền để sống thoải mái và có công việc ổn định" là 3 mục tiêu quan trọng nhất của người đi làm. Theo đó, chọn lựa nơi làm việc cũng trong xu hướng thay đổi…

Normal

Lễ vinh danh 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2014
Đây là kết quả nghiên cứu của mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com phối hợp với Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen triển khai trong năm 2014 và công bố vào sáng 5/3. Theo đó, phân khúc nhân tài chính trong thị trường lao động Việt Nam gồm 5 nhóm người với tính cách và đặc điểm khác nhau: Nhóm khám phá thử thách, nhóm khát khao thành công, nhóm theo đuổi đam mê, nhóm thích ổn định và nhóm thích đồng đội.

Tất cả các nhóm này đều có mục tiêu chung về cân bằng công việc và cuộc sống, có đủ tiền để sống thoải mái và có được công việc ổn định và đảm bảo. Vì vậy, đây cũng chính là 3 mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất của người đi làm Việt Nam.

Khảo sát ghi nhận một số khác biệt trong mục tiêu nghề nghiệp giữa nam và nữ, giữa nhân viên và cấp quản lý. Ví dụ: Phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến việc có đủ tiền để sống thoải mái và tận hưởng nhiều trải nghiệm đa dạng, thú vị trong khi nam giới đề cao hơn việc thăng tiến trong nấc thang nghề nghiệp và trở thành lãnh đạo/chuyên gia được tôn trọng...

Trong khi đó, người đi làm cấp quản lý mong muốn được cống hiến cho mục tiêu có ý nghĩa và trở thành lãnh đạo hoặc chuyên gia được tôn trọng nhiều hơn trong khi nhân viên lại quan tâm hơn về thu nhập cao để sống thoải mái và được đào tạo và tạo nền tảng để phát triển...
Vinamilk được đánh giá cao ở 2 bình chọn

Vinamilk được đánh giá cao ở 2 bình chọn
Đáng chú ý, hai mục tiêu quan trọng nhưng ít được hài lòng nhất là có đủ tiền để sống thoải mái và thăng tiến trong nấc thang sự nghiệp trong khi phần lớn doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất mục tiêu được cống hiến cho mục tiêu có ý nghĩa nhưng lại là mục tiêu ít người quan tâm.

Người đi làm ngày nay đặt ra nhiều mục tiêu nghề nghiệp đa dạng nên họ cũng cầu toàn hơn. Trong nhiều kỳ vọng, mức lương, thưởng và phúc lợi vẫn là 3 yếu tố có tầm quan trọng nhất.

Điều này phản ánh xu thế người lao động mong muốn được bù đắp lại cho khối lượng công việc tăng cao trong thời buổi kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, so với khảo sát tương tự của năm trước, người lao động đã “bớt đòi hỏi” về lương hay thưởng mà thay vào đó là cần thêm về phúc lợi.

Đội ngũ lãnh đạo và danh tiếng công ty được coi trọng hơn vì đây lần lượt là yếu tố quan trọng lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đảm bảo cho người lao động có sự ổn định.Khảo sát cũng cho thấy có sự khác biệt nhất định trong tiêu chí quan tâm của người đi làm khi tìm việc và chuyển việc.

Theo đó, khi chọn việc, người lao động (nhất là trí thức trẻ) chú trọng nhất đến đội ngũ lãnh đạo giỏi.

Tiêu chí tiếp theo lần lượt theo thứ tự ưu tiên: Phúc lợi hấp dẫn, tm nhìn gây cảm hứng với chiến lược rõ ràng. Hai tiêu chí mà nếu doanh nghiệp không đáp ứng tốt, người đi làm sẽ ra đi là mức lương cạnh tranh và văn hoá công sở.

Đại diện Ban tổ chức cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi hướng tới là thông qua các phương pháp đo lường sức khỏe thương hiệu người tiêu dùng ngày càng được cập nhật chuyên sâu và bài bản, khảo sát thực hiện thường niên này sẽ giúp doanh nghiệp xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu cụ thể của mình. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao sức hấp dẫn trong mắt cả nhân viên và ứng viên hiệu quả”.

Ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc Công ty Nielsen - nhận định: “Qua hai năm đồng hành cùng chương trình, tôi đánh giá cao chất lượng cũng như giá trị mà kết quả khảo sát 100 nơi làm việc tốt nhất VN mang lại. Về mặt phương pháp, khảo sát trực tuyến được thực hiện trên 1.000 đáp viên đã có thể mang đến kết quả đáng tin cậy, trong khi khảo sát năm nay có đến hơn 15.000 đáp viên tham gia”. Cuộc khảo sát cũng cho thấy có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.

V.Khuê