Thị trường du lịch Nhật Bản - Đánh vào phân khúc

Những ngày đầu tháng 12/2010, Hà Nội và Hạ Long đã đón đoàn khách gồm 215 người, là nhà phân phối của Amway Nhật Bản đến du lịch kết hợp hội thảo. Chương trình do công ty Amway Nhật Bản đài thọ chi phí và Saigontourist là đơn vị thiết kế và tổ chức tour.

Đây là một trong những đoàn khách Nhật có số lượng lớn đến Việt Nam trong năm qua. Chỉ với tour tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm tại Hà Nội và vịnh Hạ Long trong vòng 6 ngày 5 đêm, chương trình này đã đem lại nguồn thu gần 1,5 triệu đô-la Mỹ cho ngành du lịch Việt Nam, đó là chưa kể đến chi phí sử dụng dịch vụ và mua sắm riêng lẻ của từng khách hàng.
 
Thị trường Nhật Bản vốn không xa lạ gì với ngành du lịch Việt Nam. Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Nhật Bản là một trong 3 quốc gia có khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất trong năm 2010. So với Trung Quốc, Hàn Quốc, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam vẫn đang ở “chiếu dưới”. Tuy nhiên, do những đặc thù về thói quen sử dụng dịch vụ và chi tiêu của khách Nhật, thị trường Nhật Bản vẫn là một thị trường vô cùng tiềm năng và có những điểm đặc biệt nổi trội. Theo Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA), Việt Nam là một trong 10 điểm đến then chốt trong chương trình xúc tiến du lịch của Nhật Bản.
 
Các địa điểm du lịch mà khách Nhật thường đến là: Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An, Đà Nẵng, TP. HCM… Ông James Kok, Trưởng nhóm Kế hoạch, Bộ phận Tổ chức Sự kiện (Amway Nhật Bản) chia sẻ: “Tuy đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức chương trình này tại Việt Nam, nhưng theo cảm nhận của tôi, đất nước các bạn đem lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp và quen thuộc đối với người dân Nhật Bản. Hà Nội là một thành phố đẹp, vẫn còn lưu giữ những nét rất riêng của Việt Nam, đồng thời có sự giao thoa và ảnh hưởng bởi kiến trúc và văn hóa Pháp, tạo nên những ấn tượng độc đáo. Vịnh Hạ Long thì lại có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vỹ. Chuyến đi này sẽ để lại rất nhiều điều thú vị đối với những nhà phân phối của Amway Nhật Bản, đặc biệt là tà áo dài duyên dáng và nền ẩm thực tuyệt vời của các bạn….”.
 
Mỗi năm, Việt Nam đón xấp xỉ 400.000 lượt khách Nhật Bản đến tham quan, du lịch. Tính đến cuối tháng 11/2010, Việt Nam đón 398.572 lượt khách từ nước này, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam Airlines cũng đã đưa vào khai thác khá nhiều đường bay trực tiếp từ các thành phố lớn của Nhật Bản đến Việt Nam. Từ 4 chuyến bay/tuần, đến nay, Vietnam Airlines đã thực hiện 40 chuyến bay/tuần từ Việt Nam đến Nhật Bản. Đây là những dấu hiệu rất khả quan để du lịch Việt Nam đẩy mạnh và đầu tư hơn nữa cho thị trường này.
 
Thực tế là để làm vừa lòng khách Nhật không phải là chuyện dễ. Nhật Bản là một trong những dân tộc thích đi du lịch nhất nhì thế giới. Người dân Nhật chi nhiều tiền cho du lịch, rất chịu khó và thích thú tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của những vùng đất mới, nhưng cũng cực kỳ khó tính và kén chọn khi sử dụng dịch vụ. Để Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của người Nhật, việc tìm hiểu kỹ hơn về các đối tượng khách Nhật, có những dịch vụ phù hợp cho từng phân khúc đối tượng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch là những ưu tiên của du lịch Việt Nam hiện nay. Theo các chuyên gia, khách du lịch Nhật Bản có thể phân chia thành những nhóm sau:
 
- Giới học sinh - sinh viên và khách du lịch ba lô: Quan tâm tìm hiểu văn hóa, mức tiêu dùng không cao, rất quan tâm đến yếu tố giá cả, song lại là những du khách có khả năng phát tán thông tin nhanh chóng và mạnh mẽ về điểm đến du lịch
 
- Giới nữ trẻ có độ tuổi trung bình từ 20-30: Chưa lập gia đình, có nghề nghiệp và thu nhập khá ổn định. Đối tượng khách này rất sành điệu trong tiêu dùng nhưng cũng rất quan tâm đến tính kinh tế của dịch vụ, thích mua sắm, thời trang, đồ trang sức, sản phẩm lưu niệm của địa phương...
 
- Gia đình: Thường quan tâm tới thực đơn riêng cho trẻ em, ưa thích các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi giải trí, thể thao...
 
- Người cao tuổi: Thường đi du lịch nhờ vào quỹ lương sau khi về hưu. Đối tượng khách này có mức tiêu dùng tương đối cao, thích thư giãn nghỉ ngơi, rất hứng thú trong việc tìm hiểu về lịch sử, văn hoá và tự nhiên của điểm du lịch. Đối tượng này cũng chi rất nhiều tiền cho việc mua sắm, quà cáp.
 
- Khách thương gia: Đối tượng này luôn thiếu thời gian và thường đi du lịch với mục đích kết hợp công việc, thời gian tham quan ít, nhưng mức tiêu dùng rất cao.
 
Ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới thu hút 1 triệu lượt khách Nhật Bản đến Việt Nam vào năm 2015. Đây không hẳn là một mục tiêu quá khó nếu chúng ta biết tận dụng những điểm mạnh hiện có và tập trung phát triển các gói dịch vụ theo hướng đánh vào từng phân khúc; đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, huấn luyện đội ngũ hướng dẫn viên giỏi tiếng Nhật, am hiểu lối sống và văn hóa Nhật… Đầu tư hơn nữa vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo tồn di tích, di sản cũng là một trong những điều cần thiết để mời gọi khách Nhật cũng như du khách khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam.
 
Thị trường du lịch Nhật Bản - Đánh vào phân khúc - 1
Đoàn khách 215 người của Amway Nhật Bản là một trong những đoàn khách Nhật lớn đến Việt Nam năm 2010
 
Thị trường du lịch Nhật Bản - Đánh vào phân khúc - 2
Du lịch kết hợp hội thảo (MICE) cũng là một hướng đi đầy tiềm năng để thu hút khách Nhật