Ông Vũ Đức Thịnh: “Tiên phong trong khâu hậu cần thương mại điện tử”

(Dân trí) - “Nếu Lazada là nhà tiên phong trong thương mại điện tử tại Việt Nam thì LEL Express đang là nhà tiên phong trong khâu hậu cần thương mại điện tử. Chúng tôi tự hào rằng hệ thống phân loại hàng hóa mà LEL đang đầu tư tại Hà Nội là hệ thống tự động đầu tiên tại Việt Nam”.

Vào chiều ngày 12/6 vừa qua, LEL Express, đơn vị giao nhận thương mại điện tử của tập đoàn Lazada chính thức giới thiệu hệ thống phân loại hàng hóa tự động thứ 2 với diện tích gần 1 hecta, được đặt tại Trung tâm Logistic Hateco, số 01 Huỳnh Tấn Phát, Long Biên, Hà Nội.

Sau khi giới thiệu hệ thống phân loại hàng hóa tự động này, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc công ty LEL Express đã có cuộc trả lời ngắn với báo chí.

Phải chăng khi nhận thấy hiệu quả của hệ thống phân loại hàng hóa tự động được đầu tư trong tp. Hồ Chí Minh nên Lazada mới đầu tư hệ thống thứ hai tại Hà Nội?

Đúng là sau khi hệ thống phân loại hàng hóa tự động đầu tiên tại tp. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động từ tháng 11/2017, chúng tôi đã nhận thấy năng suất làm việc tăng rõ rệt.

Cụ thể, công suất phân loại hàng hóa tăng từ 3 đến 5 lần, và tỉ lệ sai sót khi phân loại giảm còn gần như bằng 0.

Do đó, sang năm 2018, Lazada đã tiếp tục đầu tư hệ thống phân loại tự động thứ 2 tại Hà Nội trên diện tích và quy mô lớn gấp đôi trung tâm đầu tiên tại tp. Hồ Chí Mình.

Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc công ty LEL Express cho biết hệ thống phân loại hàng hóa tại Hà Nội là hệ thống phân loại hàng hóa tự động đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Cẩm Vy)
Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc công ty LEL Express cho biết hệ thống phân loại hàng hóa tại Hà Nội là hệ thống phân loại hàng hóa tự động đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Cẩm Vy)

Hệ thống phân loại hàng hóa tự động tại Hà Nội hoạt động ra sao và có gì nổi trội hơn?

Vì được xây dựng sau, và chúng tôi cũng xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai nên hệ thống tại Hà Nội lớn và hiện đại hơn hệ thống tại tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là hệ thống tại tp. Hồ Chí Minh sẽ mãi như vậy và không phát triển lên nữa.

Theo đó, hệ thống phân loại hàng hóa tại Hà Nội với công suất lên tới 10.000 sản phẩm/giờ được kì vọng sẽ đáp ứng sản lượng hàng hóa của Hà Nội trong khoảng 2 năm tới.

Bên cạnh đó, hệ thống còn có thể vận hành 24/24, tích hợp tính năng đọc mã vạch thông minh để nhận diện đơn hàng.

Đặc biệt, hệ thống ứng dụng robot để tự động phân loại theo kích thước, địa chỉ và chia về từng hub giao hàng khác nhau cũng như phân loại cho từng 3PLs đang là đối tác của LEL.

Trước đây, để vận hành vài triệu đơn hàng trong vài ngày thì chúng tôi cần rất nhiều lao động nhưng nay chưa cần đến 100 người.

LEL Express mất bao lâu để xây dựng một hệ thống tiên tiến và hiện đại như vậy?

Thú thật, từ khâu lên ý tưởng, đặt hàng, sửa chữa kho bãi,... để xây dựng hệ thống phân loại hàng hóa tại Hà Nội, chúng tôi đã hiện thực hóa tất cả chỉ trong vòng 4 tháng.

Nhân viên làm việc trong hệ thống phân loại hàng hóa tự động của Lazada với robot tự phân loại hàng hóa theo kích thước và mã vạch. (Ảnh: Cẩm Vy)
Nhân viên làm việc trong hệ thống phân loại hàng hóa tự động của Lazada với robot tự phân loại hàng hóa theo kích thước và mã vạch. (Ảnh: Cẩm Vy)

Khi xây dựng hệ thống phân loại hàng hóa tự động này tại Hà Nội, LEL Express có tính toán gì đến tiềm năng của thương mại điện tử trong tương lai?

Tiềm năng thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh, cho nên khi đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa này tại Hà Nội, LEL Express cũng có tính toán cho tương lai.

Theo đó, tại thời điểm hiện tại, hệ thống phân loại hàng hóa tự động tại Hà Nội mới chỉ hoạt động với 40% công suất và hy vọng sẽ không đáp ứng đủ công suất trong thời gian ngắn tới đây để công ty có thể xây những trung tâm thương mại điện tử mới.

Dù đang sở hữu công nghệ vào loại hiện đại nhất hiện nay, LEL Express có định cải tiến hệ thống phân loại hàng hóa này hơn nữa trong những năm tới?

Tất nhiên là LEL Express luôn luôn muốn cải tiến hơn nữa để phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Hiện nay, LEL Express vẫn đang tiếp tục hợp tác với các đơn vị lớn tiến hành nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, giảm thiểu chi phí vận chuyển và mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Trên thế giới đã có quá nhiều mô hình phân loại hàng hóa vào loại ưu việt như của Amazon, eBay,... Vậy khi xây dựng hệ thống này tại Hà Nội, LEL Express có tham khảo và làm theo những hệ thống đó không?

Khi xây dựng hệ thống phân loại hàng hóa tự động như thế này, công ty cũng có tham khảo các mô hình và công nghệ của Amazon, Alibaba hay của các nước khác. Sau đó, chúng tôi quyết định áp dụng công nghệ hiện tại này.

Chắc chắn đây cũng chưa phải công nghệ cuối mà tự hệ thống còn phải thay đổi rất nhiều để đáp ứng được công suất và đầu tư thích đáng.

Xin cảm ơn ông!

Cẩm Vy

Ông Vũ Đức Thịnh: “Tiên phong trong khâu hậu cần thương mại điện tử” - 3