Nhiều năm, vẫn chưa có định nghĩa “hàng Việt”?

Người tiêu dùng đang có chuyển biến rõ rệt trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế là nhiều người khi được hỏi vẫn không phân biệt được, thế nào là hàng Việt.

Sau 6 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ thành phố đến các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

Nhiều năm, vẫn chưa có định nghĩa “hàng Việt”? - 1
Các Lãnh đạo cơ quan ban ngành tham gia Cuộc vận động

 

Theo kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, ban Tuyên giáo Trung Ương tổ chức vào tháng 5/2014, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 92% người tiêu dùng rất quan tâm và quan tâm đến cuộc vận động; 63% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.

Tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua, ngày 27/8, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, cần phải phân biệt rõ giữa hàng Việt Nam được sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm vào Việt Nam, gắn thương hiệu Việt để tránh việc đồng hóa, cổ vũ nhầm.

"Đã 6 năm tuyên truyền, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nhưng định nghĩa chuẩn về hàng Việt vẫn chưa có", ông Thắng nhấn mạnh.

Tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) - Bộ Công thương tổ chức hồi tuần trước, vấn đề này cũng được nêu ra và các chuyên gia về thương hiệu, nhãn hiệu cũng tranh luận khá gay gắt, vì tính phức tạp và chưa nhất quán trong các quy định của pháp luật hiện hành quy định về nguồn gốc xuất xứ, bao gồm nơi sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa, khâu gia công lắp ráp, quy định về nhãn mác, nguồn gốc nguyên liệu tạo thành hàng hóa…

Thực trạng này khiến các DN trong nước gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa hình ảnh của các sản phẩm, hàng hóa của mình tới tay người tiêu dùng, dù người tiêu dùng trong nước ở mức độ nào đó đều sẵn sàng và ủng hộ hàng hóa Việt Nam.

Để khắc phục được tình trạng nhầm lẫn về hàng Việt trong nhận thức người tiêu dùng, Bộ Công thương đã giao Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức “Tuần Nhận diện hàng Việt năm 2015”.

Nhiều năm, vẫn chưa có định nghĩa “hàng Việt”? - 2
Hàng nghìn người tham gia buổi diễu hành hưởng ứng việc tiêu dùng hàng Việt ngày 2/8 vừa qua

 

Đây là một chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 27/9 đến 4/10 tới, với nhiều hoạt động như hoạt náo diễu hành tuyên truyền về nhận diện hàng Việt tại Hà Nội và TP.HCM (từ 23 - 29/9), hai Hội chợ hàng Việt quy mô lớn tại Trung Tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ - Hà Nội) và Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) từ ngày 27/9 - 2/10 và đêm tổng kết hoành tráng được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.

Theo ông Vũ Hùng Sơn – Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại: Ban Tổ chức có quầy thông tin lớn tại Hội chợ, cung cấp các thông tin, hướng dẫn, quy định… để giúp người tiêu dùng nhận diện được hàng hóa Việt Nam, cũng như giới thiệu một số cách thức mà các doanh nghiệp uy tín xây dựng các yếu tố nhận diện hàng hóa, sản phẩm để các doanh nghiệp có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

“Chúng tôi không tham vọng sẽ đưa ra được một “định nghĩa” hay một “bộ tiêu chuẩn” để nhận biết hàng Việt qua chương trình này, nhưng với sự cố vấn của Hội đồng chuyên gia của chương trình, chúng tôi sẽ cung cấp một cách đầy đủ nhất các hiểu biết cơ bản, để giúp người tiêu dùng hiểu thêm về các dấu hiệu nhận biết, qua đó có lựa chọn thông minh và đúng đắn hơn khi mua hàng”, ông Sơn cho biết thêm.

Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam, các doanh nghiệp có cơ hội để giới thiệu hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, nâng cao uy tín, mở rộng cơ hội sản xuất, tìm kiếm bạn hàng đối tác tại thị trường nội địa...

Theo đó, các hoạt động triển khai trong khuôn khổ chương trình Tuần nhận diện hàng Việt 2015 - Tự hào hàng Việt Nam được thực hiện đồng thời trên 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh bao gồm: Hoạt động hoạt náo diễn ra từ ngày 23 - 29/9/2015 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Hoạt động diễu hành đồng hành cùng hàng Việt vào 08h00 ngày 27/9/2015 qua các tuyến phố lớn và tập trung tại Hội chợ - Triển lãm; Hội chợ - Triển lãm Tuần nhận diện hàng Việt - Tự hào Hàng Việt Nam diễn ra từ ngày 27/9 đến ngày 02/10 tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 300 gian hàng/1 địa điểm đến từ gần 20 ngành hàng; Hội nghị kết nối cung cầu tại Đà Nẵng; Truyền hình trực tiếp lễ tổng kết các hoạt động trong chương trình trên sóng VTV1 ngày 03/10/2015.