Nhận "chạy" việc bằng miệng, chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng

Mặc dù không có chức năng và khả năng xin việc, nhưng Nguyễn Mạnh Hà cùng đồng bọn vẫn liên tiếp nhận nhiều hồ sơ của những người quen biết, chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng.

Ngày 22/6, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Hà cùng đồng bọn về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nhận “chạy” việc cho các gia đình có nhu cầu.

Thủ đoạn của Nguyễn Mạnh Hà (SN 1985, trú tại Yên Nguyên- Chiêm Hóa – Tuyên Quang) cùng đồng bọn là tự nhận có quen biết nhiều cán bộ, lãnh đạo cơ quan khác nhau, có khả năng xin việc được cho bất cứ ai, ở bất cứ ngành nghề nào.

Phối hợp với Hà còn có Phùng Ngọc Tân, 2 đối tượng này lần lượt tự giới thiệu là Chánh Văn phòng của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ và cán bộ ngành Ngân hàng, có khả năng xin được việc làm cho mọi người. Ngoài ra, các đối tượng thông qua Bùi Thị Thanh Hà – có vai trò môi giới và thu gom hồ sơ.
Các bị cáo tại phiên toà.

Các bị cáo tại phiên toà.
Với màn giới thiệu “hoành tráng” này, các đối tượng nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của mọi người, đặc biệt là những người thân quen.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2009, Bùi Thị Thanh Hà nhận “chạy” việc vào một số ngành như: Kế toán, Ngân hàng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện 198… với mức giá từ 60 – 135 triệu đồng/bộ hồ sơ.

Theo kế hoạch vạch ra từ trước, sau khi thu hồ sơ và nhận tiền phí từ mọi người, Bùi Thị Thanh Hà sẽ chuyển cho Tân và Hà, qua đó ăn tiền chênh lệch. Mọi việc còn lại sẽ do 2 đối tượng này phụ trách.

Nộp tiền đầy đủ một thời gian dài, nhưng việc làm của con em mình vẫn chưa thấy động tĩnh gì, các gia đình bắt đầu nghi ngờ. Sau nhiều lần liên lạc, các gia đình biết mình bị lừa nên đã trình báo cơ quan chức năng.

Bùi Thị Thanh Hà bị bắt giữ ngay sau đó, còn Phùng Ngọc Tân và Nguyễn Mạnh Hà thì bỏ trốn. Một thời gian sau, Nguyễn Mạnh Hà ra đầu thú, Phùng Ngọc Tân hiện đang bị truy nã để phục vụ điều tra.

Tại phiên tòa, Bùi Thị Thanh Hà khai nhận đã nhận trực tiếp 68 bộ hồ sơ (20 bộ chưa xác minh được của ai và bao nhiêu tiền). Hà đã chuyển toàn bộ 68 bộ hồ sơ với tổng số 3 tỉ 690 triệu đồng cho Phùng Ngọc Tân (51 bộ với 2 tỉ 310 triệu đồng) và Nguyễn Mạnh Hà (17 bộ với 1 tỉ 380 triệu đồng), qua đó hưởng chênh lệch gần 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Nguyễn Mạnh Hà một mực khẳng định chỉ nhận 190 triệu từ Bùi Thị Thanh Hà, mọi chuyện còn lại đều do Tân và Thanh Hà đảm nhiệm. Thế nhưng, với những căn cứ về việc Nguyễn Mạnh Hà đã có chủ đích và cố tình dùng danh nghĩa giả để lừa gạt “chaỵ” việc, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm, khẳng định Hà và Tân chính là chủ mưu của vụ việc.

Về phía Bùi Thị Thanh Hà, bị cáo này cũng trả lời quanh co, đùn đẩy trách nhiệm và chỉ nhận hành vi của mình là trung gian chuyển hồ sơ. Được biết sau khi đã khắc phục được một phần hậu quả, đến nay, Bùi Thị Thanh Hà còn chiếm đoạt số tiền là 2 tỉ 380 triệu đồng từ các bị hại.

Các gia đình có mặt tại phiên tòa khi nghe các bị cáo đùn đẩy cho nhau đều rất bức xúc: “Chỗ thân quen với nhau, tưởng đâu chạy việc được cho con em mình nên chúng tôi phải chạy vạy, vay lãi mới có tiền nộp hồ sơ. Nay cả nhà khốn đốn vì tiền mất mà việc không thấy đâu”.

Sau phần nghị án, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Hà 13 năm tù, Bùi Thị Thanh Hà 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Báo PL TPHCM