1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hiểm họa phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm giả, nhập lậu: Ngăn ngừa, từ đâu?

Việc sản xuất, lưu thông, sử dụng sản phẩm, phụ tùng xe điện, xe máy, mũ bảo hiểm giả, nhái nhãn hiệu, nhập lậu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí đe dọa sức khỏe, tính mạng người dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế cũng như sự minh bạch của thị trường.

Trước vấn nạn này, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) mới đây đã có những kiến nghị mạnh mẽ nhằm nâng cao việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Vi phạm tràn làn…

Phụ tùng xe giả mạo nhãn hiệu đang trở thành vấn đề nhức nhối với những con số đáng báo động. Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2016 đơn vị này đã xử lý 2.530 vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT và tịch thu gần 97.194 sản phẩm vi phạm. Sáu tháng đầu năm 2017, số vụ vi phạm xử lý đã lên tới 1,721 vụ, giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 21,82 tỷ đồng.

Trong đó số lượng phụ tùng xe máy giả bị xử lý khoảng 9.730 phụ tùng các loại, phần lớn phụ tùng này là nhập lậu, một số ít là phụ tùng gắn nhãn hiệu giả sản xuất trong nước. Tình trạng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành các sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đưa ra thị trường tiêu thụ rất phổ biến tại Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng...

Một vụ bắt phụ tùng xe máy giả (Nguồn: Công ty Luật T&G)
Một vụ bắt phụ tùng xe máy giả (Nguồn: Công ty Luật T&G)

Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, những dòng xenhái, giả nhãn hiệu có đặc điểm giá thành thấp hơn hàng thật nhưng không có tiêu chuẩn hợp quy do Cục đăng kiểm cấp, do đó có khả năng gây nguy hiểm cho người sử dụng khi lưu hành. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với mũ bảo hiểm và dầu nhớt giả. Còn các loại phụ tùng thay thế không chính hãng có chất lượng kém cũng đe dọa đến chất lượng chung của phương tiện và sự an toàn của người điều khiển phương tiện đó.

Các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như hệ thống phanh, má phanh, khung xe, lốp, hệ thống truyền động, bộ lọc dầu, pit tông...thường lại là đối tượng bị làm giả nhiều nhất. Do đó, thực tế trong những năm vừa qua đã xảy ra khá nhiều trường hợp tai nạn do phụ tùng nhái gây ra: cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp…gây tổn thất to lớn cho người dùng cũng như toàn xã hội. Bản thân các nhà sản xuất chính hãng cũng thiệt hại không nhỏ cả về giảm sút lợi nhuận kinh doanh cũng như uy tín.

Trong khi đó, do đặc thù các phương tiện cần phải sửa chữa, bảo dưỡng luôn rất lớn ở mọi thời điểm do xe máy, xe điện vẫn là phương tiện giao thông chính tại thị trường 90 triệu dân như nước ta nên đây là mảng đem lại siêu lợi nhuận cho các đối tượng nhập khẩu, sản xuất và buôn bán phụ tùng giả mạo nhãn hiệu. Do đó, bất chấp mọi nguy cơ tiềm ẩn, các đối tượng này tìm đủ mọi phương thức, thủ đoạn để thực hiện các hành vi vi phạm.

Ngăn ngừa hiểm họa, từ đâu?

Trong những năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm về sở hữu trí tuệ, cụ thể là vi phạm kiểu dáng công nghiệp trong ngành xe máy. Gần đây, một số kiểu dáng xe máy được ưa chuộng trên thị trường cũng bị sao chép, làm nhái rất nhiều bởi các công ty lắp ráp xe điện tại Việt Nam hay nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hội thảo quốc tế về Quyền SHTT trong sản xuất xe máy
Hội thảo quốc tế về Quyền SHTT trong sản xuất xe máy

Tuy nhiên, so với thực trạng hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc xử lý mới chỉ như “muối bỏ bể”. Điều này đặt ra vấn đề cần có những giải pháp mới, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp, Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tập trung và quyết tâm hơn trong việc thúc đẩy thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất xe máy, xe điện và phụ tùng thay thế.

Theo ông Gianluca Fiume - đại diện Ban điều hành VAMM, hệ thống pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam hiện đã tương đối đầy đủ và có những bước tiến lớn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần kiện toàn lại khung pháp lý, mở rộng đối tượng SHTT mà việc xâm phạm các đối tượng này là cấu thành tội hình sự (cụ thể là vi phạm kiểm dáng công nghiệp nên đưa vào đối tượng xử lý của Luật hình sự), nâng cao chế tài phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật SHTT trong xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, cần có giải pháp nâng cao năng lực thực thi, trong đó có sự chủ động hơn của các cơ quan thực thi quyền SHTT trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Tín cho rằng các cơ quan thực thi cần phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan truyền thông để thiết lập đa dạng hơn nữa các kênh phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, hỗ trợ… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần xã hội tiếp cận, góp phần phòng tránh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.Các doanh nghiệp, Hiệp hội cần nhận thức vai trò cốt lõi của mình trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nói không với hàng giả, hàng vi phạm SHTT

Bên cạnhviệc cải thiện thực thi quyền SHTT từ các cơ quan thực thi, người tiêu dùng cần đồng hành tham gia tích cực hơn, kiên quyết hơn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn để góp phần hiệu quả bài trừ vấn nạn này trong thời gian tới. Nói không hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Bởi, người làm hàng giả vẫn sống khỏe vì có một bộ phận người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích xài hàng giả, hàng vi phạm SHTT vì giá rẻ do chủ sản xuất các loại hàng này không phải đầu tư chi phí cho việc thiết kế, phát triển sản phẩm hay hàng giả luôn đi đôi với chất lượng thấp.

Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, tâm lý tiêu dùng và sự hiểu biết của người tiêu dùng hết sức quan trọng. Tiêu dùng hàng giả, hàng vi phạm SHTT là tiếp tay cho vi phạm. Chỉ khi người tiêu dùng khôn ngoan lựa chọn sản phẩm chính hãng tại đúng các đại lý được ủy quyền, các công ty sản xuất xe máy kiên quyết không chấp nhận bảo hành đối với các xe sử dụng phụ tùng không chính thì hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT mới hết đất sống.

Thanh Lương