Gian nan phóng viên viết điều tra

Nghề báo là “nghề nguy hiểm”, luôn có tai nạn và tai họa rình rập, nhất là những người viết điều tra.


Mặc dù phải đối mặt với nhiều gian nan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng hàng trăm phóng viên viết mảng điều tra vẫn từng ngày dấn thân để có những tác phẩm hay và có ích cho xã hội. Họ là những "chiến sỹ" dũng cảm, góp phần vào sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong giới phóng viên, khá nhiều người biết Cao Hùng vì anh là “cây” viết điều tra nổi tiếng với hàng trăm tác phẩm “đình đám”. Những bài viết đầy chất “thép” của anh đăng trên báo Lao Động đã tạo niềm tin cho bạn đọc về một xã hội tốt đẹp hơn. Nhiều người tìm đến anh, cung cấp thông tin để anh có những bài viết hay, có khi để anh tránh hiểm họa từ kẻ xấu.

22 năm làm phóng viên chuyên viết mảng điều tra của báo Lao Động, Cao Hùng đã trải qua rất nhiều sóng gió. Có thời điểm, anh bị đe dọa từ bọn "xã hội đen", cả những người có chức, có quyền, thậm chí cả… đồng nghiệp của mình.

 Nhà báo Cao Hùng chia sẻ: “Khi đến gặp những người dân hoặc khi mắt thấy, tai nghe những điều bất công, những hiện tượng tiêu cực và những cái vô lý đã khiến tôi có một mong muốn là làm sao mình nói lên được một tiếng nói để bảo vệ được công lý, bảo vệ được lẽ phải, bảo vệ được những người yếu hèn trong xã hội. Từ những suy nghĩ đó, bao nhiêu năm nay tôi vẫn gắn bó với nghề, đeo bám mảng điều tra, dù tôi biết có nhiều rủi ro và khó khăn”.

Một cây bút nổi tiếng viết điều tra ở báo Thanh Niên là phóng viên Hoài Nam. Những loạt bài viết điều tra của anh đăng trên báo Thanh Niên từng gây xôn xao dư luận như: “Nạn bảo kê đường của cảnh sát cơ động - trật tự”, “Người ghi hình lâm tặc phá rừng”, “Cà phê ớn lạnh”, “Giấy kiểm dịch bán như rau”, “Làm luật ở bến xe Mỹ Đình”, “Thâm nhập đường dây buôn lậu ở Móng Cái”, “Phanh phui đường dây bán hài cốt giả”… Quá trình làm báo, anh đã nhận được nhiều giải thưởng của Ban Tuyên Giáo Trung ương và các bộ, ngành.

Năm 2010, Hoài Nam được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tuyên dương là cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sau những vinh quang đó là bao nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy. Để có tư liệu cho những bài điều tra, Hoài Nam phải đóng nhiều vai khác nhau như: Làm bốc vác ở bến xe, phụ xe tải, người đi buôn rau, làm xe ôm để viết bài buôn bán ma túy…

Có bài viết, anh chỉ nhận được 2-3 triệu đồng tiền nhuận bút, nhưng để có được bài viết đó, anh đã phải đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc. Ấy vậy mà anh vẫn làm chỉ vì lòng khát khao tìm ra sự thật, để đấu tranh với cái xấu, cái ác.

Phóng viên Hoài Nam nói: “Khi đã phối hợp được với các cơ quan này, cộng với kỹ năng nghiệp vụ của mình thì không có thế lực nào có thể ngăn cản được. Chúng ta làm những gì pháp luật không cấm, làm khi được phép của các cơ quan Trung ương thì sẽ đạt được hiệu quả công việc. Tôi rất muốn càng ngày càng có những phóng viên điều tra giỏi hơn tôi để dần đẩy lùi những cái xấu ra khỏi đời sống xã hội”.

Điểm đ khoản 1 Điều 15, Luật Báo chí nêu rõ: “Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự bảo vệ của các cơ quan chức năng đối với phóng viên còn nhiều hạn chế. Thậm chí, một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền không những không bảo vệ mà còn tiếp tay cho kẻ xấu ngăn cản hoạt động của nhà báo nhằm che đậy những hành vi vi phạm pháp luật.

Gần đây, không ít sự việc đau lòng đã xảy ra đối với phóng viên khi thực hiện phóng sự điều tra. Cách đây vài tháng, một phóng viên báo Tài nguyên môi trường bị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân một xã ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An vây đánh ngay tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã khi tiếp cận để viết bài về nạn khai thác vàng trái phép.

Ngày 8/6 vừa qua, hai phóng viên của báo Giao thông bị một nhóm côn đồ đánh trọng thương khi đang quay phim tình trạng xe ben chở đất đá quá tải qua cầu Tăng Long thuộc địa bàn Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phóng viên Linh Hoàng, một trong hai người bị hành hung cho biết: “Em đến với nghề này rồi chót yêu thương nó rồi. Sự việc xảy ra như thế này em xem đó như là một vụ tai nạn nghề nghiệp nhỏ thôi. Em sẽ không chùn bước. Nếu ai cũng đầu hàng trước những cái xấu thì không được”.

Đối với người viết điều tra, khó nhất vẫn là khâu thu thập tư liệu và tiếp cận sự kiện, nhân vật. Mục tiêu cuối cùng của phóng viên vẫn là có đủ thông tin và bằng chứng để xác định rõ sự thật của sự việc tiêu cực trước khi viết bài. Nếu điều tra phát hiện và ủng hộ nhân tố mới, nhà báo rất cần bản lĩnh nghề nghiệp thì khi làm điều tra chống tiêu cực càng cần bản lĩnh vững vàng.

Đã có không ít nhà báo vấp ngã, không tránh khỏi cám dỗ để rồi bán rẻ lương tâm. Bên cạnh đức tính trung thực, dũng cảm, dám dấn thân, phóng viên điều tra cần phải “có nghề”. Đó là kỹ năng tác nghiệp và bản lĩnh tự bảo vệ mình.

Ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: “Thứ nhất là bản thân anh em phóng viên viết điều tra phải rất kỹ, phải tính toán như đi đánh trận. Thứ hai là phải biết cách tự bảo vệ mình. Thứ ba là phải phối hợp tốt với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đã làm điều tra thì bao giờ cũng phải có sự bàn bạc, thảo luận và chỉ đạo từ Ban Biên tập, cấp có thẩm quyền trong cơ quan báo chí. Mình phải tính đến mắt trái, tính đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.

Năm 2014, thế giới có hơn 60 nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp. Tuy nhiên, con số này không khiến người làm báo Việt Nam nản chí hay run sợ bởi ngay từ khi bước chân vào nghề này, họ đã hiểu và xác định báo chí là “Nghề nguy hiểm”. Mọi tai nạn và tai họa đều có thể rình rập những người làm báo, nhất là những người viết điều tra trên mỗi nẻo đường. Vượt qua khó khăn, những phóng viên điều tra vẫn đang có mặt ở những điểm nóng trong đời sống xã hội.

Họ vẫn đang bước tiếp trên con đường lắm chông gai nhưng rất vẻ vang của sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Theo VOV.VN