Bóc lột “núp bóng” đào tạo nghề: Giăng bẫy, chiêu dụ lao động trẻ em

Với tiền công rẻ mạt, dễ sai bảo, không đòi hỏi nhiều về điều kiện ăn ở, lao động trẻ em đang bị các cơ sở sản xuất ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh… giăng bẫy. Khi biết con em bị bóc lột, nhiều gia đình vẫn không dám đưa con về vì sợ phải… bồi thường.

 Y Thoáng (giữa) kể lại quá trình làm việc 3 tháng tại một cơ sở ở TPHCM. Ảnh: Đ.T.K

 Y Thoáng (giữa) kể lại quá trình làm việc 3 tháng tại một cơ sở ở TPHCM. Ảnh: Đ.T.K


 Không chỉ bị lao động cưỡng bức, nhiều em còn bị ngược đãi, xâm hại tình dục, thậm chí mất tích.

Sau khi “vẽ” ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp, chủ cơ sở sản xuất và “cò” lao động dụ dỗ các gia đình cho con em bỏ học, ký vào những bản hợp đồng “nô lệ”. Theo đó các em phải làm việc 12 – 15 giờ mỗi ngày, làm đúng 2 năm mới được thanh toán tiền công, nếu bỏ ngang phải bồi thường cho chủ. Chính vì vậy, khi biết con mình bị bóc lột trái pháp luật, các gia đình vẫn không dám cho con về hoặc tố giác với cơ quan chức năng.

Công rẻ, dễ sai

Từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều chủ sử dụng lao động, “cò” lao động đã tìm đến các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk dụ dỗ, tuyển dụng lao động trẻ em đi làm việc trái pháp luật tại TPHCM. Thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐTBXH Đắk Lắk, toàn tỉnh có 137 em trong độ tuổi từ 9-16 bị đưa vào làm việc tại các cơ sở sản xuất ở các quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh (TPHCM).

Không phải do khan hiếm lao động, mà việc tuyển lao động trẻ từ các vùng quê hẻo lánh chủ yếu do tiền công rẻ mạt, dễ sai bảo, không đòi hỏi nhiều về điều kiện ăn ở…

PV Báo Lao Động đã thu thập nhiều hợp đồng lao động trái pháp luật thể hiện rõ mục đích bóc lột trẻ em. Theo hợp đồng ký với ông Nguyễn Văn Tiến - chủ một cơ sở sản xuất ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPCHM - thì em Y Kiêu K’Buôr (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) phải làm việc 13 giờ/ngày. Cụ thể, sáng từ 7h- 12h, chiều 14h-19h, tối 20h-23h (riêng tối chủ nhật mới được nghỉ).

Trong khi đó, mức lương chỉ 12 triệu đồng/năm, gia đình em được ứng trước 1 triệu đồng, số còn lại khi kết thúc hợp đồng mới được thanh toán. Tương tự, khi ký hợp đồng với gia đình em Y Phin Kbuôr (xã Ea Phê), ông Lê Xuân Ly (ấp 4, xã Vĩnh Lộc B) ràng buộc: “Bên B phải đảm bảo công việc của chủ nhà, không được tự ý bỏ đi, nếu bỏ đi gia đình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với chủ nhà”.

Theo hợp đồng này, nếu vi phạm, Y Phin không được thanh toán tiền công tính đến thời điểm vi phạm, đồng thời phải bồi thường tiền xe cho bên A.

Vừa trở về từ một cơ sở sản xuất ở TPHCM, Y Thoáng Buôn Yă (ở xã Cư Bông, huyện Ea Kar) cũng cho biết: “Cháu làm việc từ sáng đến trưa, buổi chiều làm từ 1h-19h, ban đêm làm từ 20h-0h mới được nghỉ. Cháu làm được 3 tháng, đến lúc về chỉ được trả công 500.000 đồng”.

 Y Thoáng (giữa) kể lại quá trình làm việc 3 tháng tại một cơ sở ở TPHCM. Ảnh: Đ.T.K

H’Glen (trái ảnh - xã Cư Bông, huyện Ea Kar) kể về điều kiện sinh hoạt tại một cơ sở mà em từng làm việc. Ảnh: Đ.T.K

Hợp đồng trá hình

Để giải thích việc trả lương quá thấp (khoảng 9 triệu đồng/năm), nhiều cơ sở sản xuất và “cò” không ký hợp đồng lao động, mà làm hợp đồng đào tạo nghề. Trong bản hợp đồng dạy nghề in sẵn, bà Nguyễn Thị Dương (trú tại tỉnh Bắc Ninh) quảng cáo: “Gia đình chúng tôi có con cháu làm nghề tại TPHCM nhiều năm nay. Hằng năm thường về quê hương và quanh vùng để tuyển chọn các cháu cơ nhỡ, không việc làm, có nhu cầu học nghề, tuổi các cháu từ 13-16”.

Theo hợp đồng này thì các em học nghề trong 2 năm với mức bồi dưỡng là 18 triệu đồng. “Khi hết hai năm, tôi mang tiền về tận gia đình để trả cho các cháu, sang năm thứ ba nếu tiếp tục làm, chúng tôi sẽ có lương chính thức tùy theo trình độ của các cháu” - hợp đồng của bà Dương viết. Cũng theo hợp đồng này, nếu chưa đủ hai năm học nghề mà các cháu tự bỏ về, gia đình phải thanh toán tiền đi-về và “tiền đào tạo” cho cơ sở.

Làm việc với đoàn công tác của xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) ngày 30.4, bà H’Dliu Ayun (có con trai là Y Gen, 15 tuổi, làm tại TPHCM từ 3 năm trước) nêu ý kiến: “Không gọi con về nữa, nếu có sai với pháp luật thì mẹ chịu trách nhiệm thôi”. Còn gia đình em H’Glen Niê (buôn Trưng, xã Cư Bông, huyện Ea Kar) thì tỏ thái độ không hợp tác, không cung cấp thông tin cho đoàn kiểm tra.

Ông bố H’Glen còn nói: “Con tao (cách xưng tôi của người dân tộc thiểu số - PV) mà, tao muốn cho đi đâu là quyền của tao chứ”.
Theo Báo Lao động