Yêu nhau lắm, cãi nhau nhiều?

Nhiều cặp đôi có tình cảm chân thành với nhau nhưng hay khắc khẩu, sau khi thảo luận về một vấn đề gì đó dù rất đơn giản thôi nhưng chỉ vài phút sau là “chiến tranh” nổ ra.

Giải quyết “dư chấn” - dễ mà khó

 

Khi yêu, sự tự ái thường tỉ lệ thuận với cơn giận. Nếu không tìm được tiếng nói chung giữa cả hai thì sau khi “cơn bão” đi qua chỉ để lại sự tức tối, hồ nghi, lẫn cái tôi kiêu hãnh của mỗi người.

 

Tình yêu có thể vì những trận cãi nhau mà mỗi ngày vơi đi một ít, nếu lỡ nói những lời làm tổn thương nhau thì có thể chỉ muốn chia tay ngay sau đó. Vì vậy, xử trí sao cho khéo léo, vui vẻ, nhưng vẫn tôn trọng người yêu và bản thân không bị lép vế, là cả một vấn đề.

 

Duy Anh (lớp 12 trường THPT M) và Phương Linh (cùng lớp) lúc mới quen nhau khá hạnh phúc, nhưng một thời gian sau, có thể do đã hơi chán nhau và cảm xúc không ổn định, cả hai to tiếng thường xuyên.

 

“Không ai nghĩ cho ai cả. Mình đến đón Linh đi học, chờ cả tiếng cô nàng mới xuống nhà, mình bực nên quát, cô ấy không cho rằng mình sai, thế là cãi. Mình quên nhắn tin chúc cô ấy ngủ ngon, cô ấy giận. Cả hai tức tối, khó chịu chỉ vì những nguyên nhân chẳng ra đâu, trong khi có thể nhịn vì nhau một chút thì đã êm xuôi rồi”, Duy Anh chia sẻ.

 

“Chính vì không ai chịu nhường ai, mình cảm giác như hai đứa đã không còn tình cảm nữa, nên đành chia tay. Về sau nghĩ lại, cả mình và Duy Anh đều hối hận, giá như cả hai chín chắn hơn thì cũng chẳng đến nỗi nào.

 

Cái tôi lấn át cả tình yêu, không biết nghĩ cho nhau, nên dẫn đến tan vỡ, thật lòng không ai muốn nhưng đã quá muộn để có thể quay về nơi bắt đầu”, Phương Linh tâm sự.

 
Yêu nhau lắm, cãi nhau nhiều?
 

Tỏ ra thiện chí – quy tắc hàng đầu

 

Sau đây là những quy tắc mà các cặp đôi cần nắm vững và áp dụng triệt để:

 

Không nên quan niệm rằng: nói thẳng, nói lớn, nói trực tiếp sẽ khiến cả hai nhẹ lòng và dễ chịu hơn. Thực tế, người trong cuộc cảm thấy “nóng mặt” khi người yêu nói những lời khó nghe và chính những lời nói đó có thể khiến tình yêu từ mức 10 trở về mức 0 trong vài giây ngắn ngủi.

 

Sau khi cãi nhau, đừng quan trọng việc ai sẽ là người bắt chuyện trước. Dù cho bạn đúng hay sai đi nữa, hãy tự nhận lỗi về phần mình. Nếu người ấy yêu bạn và cũng biết nhận ra sai lầm, tự khắc họ sẽ cùng nhận lỗi. Sau khi chuyện đã qua, đừng bao giờ lặp lại nữa, cũng tránh mắc phải sai lầm này ở lần tiếp theo.

 

Tỏ ra thiện chí là quy tắc hàng đầu bạn cần nắm để tình yêu trở nên bền vững. Hãy dẹp bỏ sĩ diện nếu bạn còn muốn tiếp tục xây dựng tình cảm. Làm sao có thể khiến tình cảm đong đầy khi mà bạn không hề có ý định hàn gắn sau khi “chiến tranh” xảy ra?

 

F5 sau mỗi lần “bốc hỏa”

 

Sau mỗi trận cãi, không nên tỏ ra bi lụy, cũng đừng quá đề cao cái tôi và đợi chờ người ấy chủ động bắt chuyện với mình. Cả hai hãy cùng đi chơi ở một nơi đặc biệt nào đó để “đổi gió”, cùng gợi nhắc về khoảng thời gian lúc mới yêu, chăm chút cho ngoại hình hơn và tạo sự lãng mạn để làm mới tình yêu liên tục. Khi đó, mọi cơn giận sẽ tan biến và tình cảm lại vẹn nguyên như lúc đầu.

 

Cãi nhau có thể khiến hai bạn yêu nhau hơn, hoặc rời xa nhau hơn, tùy vào sự lựa chọn của hai bạn. Vấn đề là sau mỗi lần cãi nhau, ta rút ra được gì và ứng phó thế nào. Chúc bạn hạnh phúc.

 

Theo Mực Tím