1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Wimbledon mạnh tay "xử" vận động viên vi phạm quy định trang phục

(Dân trí) - Wimbledon là giải Grand Slam duy nhất diễn ra trên mặt sân cỏ. Ở giải đấu này, không chỉ có những cuộc tranh tài quyết liệt, căng thẳng giữa các vận động viên mà còn có hàng loạt các quy định khắt khe buộc vận động viên tuân theo. Quy định hà khắc nhất chắc chắn thuộc về trang phục thi đấu.

Wimbledon có lẽ là giải đấu duy nhất trên thế giới này quy định các vận động viên phải sử dụng trang phục như thế nào. Chuyện hay dở của quy định này chưa cần bàn đến, tuy nhiên hiện nay có thể thấy rằng ban tổ chức của Wimbledon 2015 đang rất quyết liệt trong công tác quản lý để đảm bảo rằng các vận động viên tham dự giải sẽ tuân thủ triệt để quy định đặt ra.

Chiếc băng quấn đầu không phù hợp với quy định về trang phục của Wimbledon
Chiếc băng quấn đầu không phù hợp với quy định về trang phục của Wimbledon

Cuối tuần qua, tay vợt trẻ người Úc Nick Kyrgios đã bị nhân viên của Wimbledon nhắc nhở khi anh sử dụng chiếc băng quấn đầu không phù hợp với quy định về trang phục thi đấu của giải đấu đặt ra. Thực ra, Kyrgios chẳng phải đã sử dụng một chiếc băng quấn “hoa lá cành” gây nhức mắt hay nhằm mục đích quảng bá cho một nhà tài trợ nào đó. Chiếc băng quấn đầu của tay vợt người Úc có nền trắng và sọc xanh, tím giống như màu nền của logo Wimbledon.

Nếu thoáng qua, nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi chiếc băng đầu của Kyrgios được cho là phù hợp với quy định của Wimbledon. Sẽ càng nhiên hơn khi những chiếc băng quấn đầu như của tay vợt Úc sử dụng được bày bán ngay trong những cửa hàng chính thức của Wimbledon với giá chỉ 6 bảng. Tuy nhiên, với sự chi tiết và chặt chẽ của quy định trang phục mà ban tổ chức Wimbledon đang áp dụng thì băng quấn đầu của Kyrgios bị liệt vào hàng vi phạm.

Tay vợt người Úc buộc phải lộn chiếc băng quấn đầu để quay mặt trắng ra ngoài rồi tiếp tục thi đấu. “Họ đã nói với tôi là lộn chiếc băng quấn đầu ngược lại và tôi đã làm như vậy” , Kyrgios nói về vụ việc trên.

Vấn đề Kyrgios gặp phải thực ra chẳng có gì quá phức tạp. Trước hết các quầy bán hàng lưu niệm của Wimbledon là danh cho người hâm mộ, nên các nhà sản xuất không cần phải tuân thủ quy định trang phục của Wimbledon, trong khi các vận động viên tham dự sân chơi này buộc phải tuân thủ một quy định ngặt nghèo về trang phục thi đấu và so với nhiều năm trước, năm nay quy định này đang được quản lý chặt chẽ hơn.

Để giám sát chặt chẽ quy định về trang phục, năm nay Wimbledon có một hệ thống nhân viên quản lý về vấn đề này, ngay cả các trọng tài cũng được giao nhiệm vụ giám sát. Rõ ràng rất khác với những giải đấu khác trên thế giới, tại Wimbledon bây giờ các vận động viên trước khi thi đấu, họ không chỉ quan tâm nhiều tới đối thủ sắp tới mà còn phải quan tâm cả tới màu sắc của băng đầu, mũ, băng tay hay đồ lót. “Tôi thấy rằng có một chút đáng tiếc bởi bạn chẳng thể làm bất cứ điều gì cả”, Federer chia sẻ về quy định trang phục hà khắc mà Wimbledon đang duy trì. “Không màu kem, không màu này, màu kia (và chỉ còn màu trắng)”.

Chiếc băng quấn đầu không phù hợp với quy định về trang phục của Wimbledon

Hai năm trước, tay vợt từng bảy lần vô địch Wimbledon Roger Federer đã buộc phải thay giày thi đấu do đế giày của anh có màu da cam.

Mike Bryan, ngôi sao đánh đôi người Mỹ cho biết anh và người anh em song sinh Bob vừa học được quy tắc mới trong năm nay là không để những chiếc quần bó sát cơ thể (được sử dụng trong thể thao) dài hơn quần soóc ngoài. “Chúng tôi đã phải kéo những chiếc quần bó trong lên cao hơn”, Mike Bryan nói. “Họ đang làm việc chặt chẽ hơn, trong quá khứ chúng tôi chưa bao giờ gặp phải những vấn đề tương tự”.

Quy tắc chặt chẽ về trang phục trên thực tế được thực hiện từ năm ngoái: “Bất kỳ đồ lót nào của các vận động viên khi thi đấu trên sân phải hoàn toàn màu trắng, có thể có một đường kẻ màu và không được phép rộng quá 1cm”. Đây được xem là tiêu chuẩn chung áp dụng cho tất cả các giải đấu sau này.

Năm ngoái, anh em nhà Bryans đã phải thay chiếc mũ của nhà tài trợ trang phục cho họ - K-Swiss vì có mặt trong màu đen. “Chúng tôi đã còn phải lộn ngượchặn mồ hôi tay”, Bryan cho biết thêm.

Trở lại trường hợp của Kyrgios, chiếc băng quấn đầu của anh sử dụng màu nền của logo Wimbledon với một sọc chạy quanh tấm băng. Tuy nhiên, độ rộng của sọc này vượt quá 1cm, cho nên tay vợt người Úc đã buộc phải lộn ngược để quay mặt trắng ra ngoài. Rất may, vụ việc này đã không gây ảnh hưởng tâm lý xấu tới Kyrgios khi anh vẫn có được chiến thắng.

Các quy tắc về trang phục sử dụng Wimbledon có đến 10 điều khoản cần lưu ý như sau: Không phải màu trắng hay màu kem đều bị cấm sử dụng; cổ và viền tay áo được sử dụng màu sắc khác, tuy nhiên độ rộng vệt màu không quá 1 cm; logo không được phép biến thể và phải sử dụng theo mẫu đã cho phép); mũ có mặt trong sử dụng màu trắng hoặc có vệt màu duy nhất và vẫn phải nhỏ hơn 1cm; băng quấn đầu, băng quấn tay, tất, khăn tương tự như yêu cầu với mũ; giày gần như hoàn toàn trắng; đế và dây giày buộc phải màu trắng, các logo nhà sản xuất không khuyến khích đặt logo lớn; và thiết bị y tế như băng thể thao cũng phải màu trắng (trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể sử dụng màu khác, tuy nhiên cần hạn chế).

Các vận động viên có thể mặc đồ có màu sắc tùy ý tại sân đấu tập, tuy nhiên nếu việc luyện tập diễn ra ở sân đấu chính thì nguyên tắc trang phục “gần như trắng” sẽ được áp dụng. Ngay cả các huấn luyện viên đi kèm cũng bắt buộc phải sử dụng trang phục màu trắng. Tay vợt người Mỹ Bethanie Mattek-Sands cho biết huấn luyện viên của cô đến theo dõi cô tập luyện vào thứ 7 vừa qua đã bị nhân viên của ban tổ chức Wimbledon ra “thăm hỏi” do không sử dụng trang phục trắng như quy định. “Nó không còn được nguyên vẹn màu trắng, bởi vì nó vừa mới được giặt, quả thật nó bắt đầu trắng dần ra”, Mattek-Sands giải thích và đã được nhân viên của Wimbledon chấp thuận.

Các nhân viên của Wimbledon sẽ không lưu lại hồ sơ của việc vi phạm yêu cầu về trang phục đối với các vận động viên. Tuy nhiên, họ có mặt để đảm bảo rằng tất cả mọi người có mặt trên sân thi đấu phải tuân thủ nghiêm túc quy định trang phục mà ban tổ chức đề ra.

“Tại giải đấu khác không có quy tắc về trang phục thi đấu, hay nơi nào bạn có thể đi, nơi nào không”, Sloane Stephens chia sẻ về vấn đề yêu cầu trang phục. Tuy nhiên, có vẻ cô cũng không có gì để phàn nàn. “Đó là việc của họ”.

Serena Williams từng gây tranh cãi mạnh khi sử dụng trang phục phá cách vào năm 2012

Serena Williams từng gây tranh cãi mạnh khi sử dụng trang phục phá cách vào năm 2012

Trong quá khứ, không phải lúc nào các vận động viên cũng tuân thủ quy định trang phục của Wimbledon. Năm 1985, tay vợt người Mỹ Anne White xuất hiện cho trận đấu với một bồ đồ ôm sát thân, tất nhiên trang phục màu trắng, nhưng việc mặc quần áo bó sát đã làm nổi bật những đường cong trên cơ thể. Ngay lập tức các nhiếp ảnh gia đổ xô đến chụp hình cô. Trận đấu được gọi khoảnh khắc tối tăm, Anne White (đã thắng sau hai set) dường như không chịu nổi sự tò mò của mọi người nên sau đó quyết định sử dụng trở lại trang phục truyền thống.

Wimbledon không phải luôn luôn kiểm soát nghiêm ngặt về việc thực hiện quy định trang phục thi đấu. John McEnroe từng đeo băng buộc đầu màu đỏ và áo sơ mi với miếng vá vai màu đỏ. Băng quấn đầu, băng cổ tay của Bjorn Borg có rất nhiều màu sắc. Martina Navratilova mặc áo và váy sọc xoáy màu xanh. Tatiana Golovin từng gây ra cơn sốt cho các báo lá cải bằng cách mặc chiếc quần lót đỏ bên trong váy trắng, còn Serena Williams vô địch Wimbledon vào năm 2012 chiếc quần lót, băng quấn đầu và tay màu tím.

“Có những chiếc áo đấu trở thành biểu tượng, những khoảnh khắc mang tính biểu tượng”, Federer nói. “Tôi vẫn ủng hộ việc nới lỏng chút nữa về quy định sử dụng trang phục”.

Năm 1995, ban tổ chức Wimbledon quyết định đè bẹp cuộc nổi loạn màu sắc trong sử dụng trang phục thi đấu của các vận động viên. Đó là việc thay đổi quy định quần áo từ “chủ yếu màu trắng” thành “gần như hoàn toàn trắng”. Cho tới năm ngoái, ban tổ chức thắt chặt hơn khi áp dụng cả các quy định cho các phụ kiện như băng đầu, băng tay, đồ lót.

Các quy tắc nghiệp rất nghiêm ngặt đôi khi khiến các trọng tài tỏ ra thận trọng trước trang phục mà các vận động viên sử dụng. Trước khi Eugenie Bouchard thi đấu vòng đầu tiên trong năm nay, trọng tài trên sân đã thông báo về ban tổ chức rằng tay vợt trẻ này sử dụng đồ lót màu đen. Từ đó đã có những sự điều tra về trang phục của vận động viên này, tuy nhiên tay vợt người Canada đã không gặp trở ngại nào do cô chỉ sử dụng dây đeo áo ngực màu đen. Ông Perkins, người phát ngôn của Wimbledon, cho biết các dây đeo áo ngực phụ nữ được coi là hợp pháp bởi nó nhỏ hơn một cm.

Bouchard không biết cô đã được “nghiên cứu kỹ”.  “Tôi đã không biết về điều đó”, cô nói. “Không ai nói với tôi bất cứ điều gì về áo ngực của tôi”.

Phù Sa
Theo WSJ