1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vì sao U22 Việt Nam luôn "cóng" khi gặp đối thủ mạnh ở SEA Games 29?

(Dân trí) - Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29, đội tuyển U22 Việt Nam hầu hết chỉ đá với các đối thủ yếu, rồi khi vào giải, đoàn quân của HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng chỉ chơi được lúc đụng các đội bóng… yếu.

Điểm lại quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29 của đội tuyển U22 Việt Nam, bắt đầu từ vòng loại U23 châu Á, đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng hầu hết đều đá với các đội bóng yếu. Kết quả là khi vào đến giải đấu chính thức, Công Phượng và các đồng đội cũng chỉ thắng được các đội yếu.

Vòng loại U23 châu Á gần như cũng là bước chuẩn bị cho đội tuyển U22 Việt Nam trước thềm SEA Games. Tại giải đấu đấy, đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng thực chất chỉ đá đúng 1 trận có tính chất ganh đua, với đối thủ có trình độ là trận gặp U22 Hàn Quốc.

Dù vậy, ngay ở trận đấu nọ, đội bóng Đông Bắc Á cũng không bung hết sức, vì cứ hễ họ tăng tốc là họ ghi được bàn thắng vào lưới U22 Việt Nam, và tỷ số thắng với cách biệt sít sao chỉ 1 bàn chênh lệch (2-1) cũng là quá đủ để đưa cả 2 đội vào VCK giải châu Á.

U22 Việt Nam hầu hết chỉ đá với các đối thủ yếu trong quá trình chuẩn bị, nên khi vào giải chính thức cũng chỉ đá hay trước các đội yếu (ảnh: Q.H)
U22 Việt Nam hầu hết chỉ đá với các đối thủ yếu trong quá trình chuẩn bị, nên khi vào giải chính thức cũng chỉ đá hay trước các đội yếu (ảnh: Q.H)

2 trận đấu khác cũng tại giải này, đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng gặp 2 đội bóng rất yếu là Đông Timor và Macau (Trung Quốc). Trước Macau, U22 Việt Nam thắng 8-1, còn trước Đông Timor, Công Phượng và các đồng đội thắng 4-0, đúng bằng tỷ số mà chúng ta đánh bại Đông Timor ở SEA Games sau đó ít tuần.

Sau vòng loại U23 châu Á, đội tuyển U22 Việt Nam có thêm 3 trận đấu thử nghiệm khác, trước khi tham dự SEA Games, và điểm chung của 3 trận đấu thử nghiệm này là đối thủ hoặc quá yếu, hoặc thiếu nghiêm túc, hoặc mang theo cả hai tính chất vừa nêu khi đụng U22 Việt Nam.

Đó là 2 trận gặp các đội bóng hạng bán chuyên tại Hàn Quốc là Busan và Mokpo trên đất Hàn, trận còn lại là trận đấu với đội tuyển các Ngôi sao K-League ở sân Mỹ Đình.

Tai hại hơn nữa, các đội này khi thi đấu với U22 Việt Nam rất hời hợt, ít chịu áp sát, ít chịu đeo bám cầu thủ của HLV Nguyễn Hữu Thắng, khiến cho họ mất đi cảm giác bị đeo bám là như thế nào, khi vào giải chính thức.

U22 Việt Nam suốt SEA Games 29 gần như chỉ đá tốt trước 3 đội dưới cơ hoàn toàn là Đông Timor, Campuchia và Philippies. Từ trận đấu có tính chất ganh đua trở đi với Indonesia và Thái Lan, đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng bộc lộ nhiều sai lầm.

Rồi khi bị áp sát trong các trận đấu với Indonesia và Thái Lan, cầu thủ U22 Việt Nam lập tức bỡ ngỡ, không còn là chính mình vì chưa hề trải qua áp lực như thế ở các trận đấu chuẩn bị cho SEA Games.

Lỗi trong quá trình chuẩn bị dĩ nhiên một phần thuộc về HLV Nguyễn Hữu Thắng, nhưng phần lớn hơn thuộc về VFF, bởi VFF mới là nơi liên hệ tìm đối tượng cọ xát cho U22 Việt Nam.

Điều này cũng phần nào phản ánh mối quan hệ quốc tế và vị thế thật sự của VFF hiện tại. Nếu cơ quan này có quan hệ tốt, có tiếng nói có trọng lượng hơn với các liên đoàn bóng đá ngang cấp ở quốc tế, thì có lẽ họ đã không cử những đội bóng thiếu nghiêm túc đến thế, có chất lượng kém đến thế tiếp đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Kim Điền

Vì sao U22 Việt Nam luôn "cóng" khi gặp đối thủ mạnh ở SEA Games 29? - 2

Dòng sự kiện: SEA Games 29