1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vì sao Thái Lan rơi vào cảnh mất nhiều ngôi sao tại AFF Cup 2018?

(Dân trí) - Bận thi đấu ở nước ngoài, hàng loạt hảo thủ hay nhất của đội tuyển Thái Lan có thể không tham dự AFF Cup 2018. Liên đoàn bóng đá Thái Lan biết điều này có thể khiến họ mất ngôi vô địch về tay các đối thủ, nhưng đành bó tay.

Nguyên nhân là do thời điểm diễn ra AFF Cup 2018 (từ ngày 8/11 – 15/12) trùng với thời điểm các giải nhà nghề của Nhật Bản và Bỉ diễn ra, nên các cầu thủ Thái Lan đang thi đấu ở 2 quốc gia trên sẽ không được phép trở về khoác áo đội tuyển quốc gia, nếu CLB của họ không cho phép.

Cần biết rằng Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) không phải là liên đoàn thành viên của FIFA (FIFA chỉ công nhận tư cách thành viên đối với các liên đoàn cấp quốc gia và châu lục, không công nhận tư cách thành viên của các liên đoàn cấp khu vực), nên AFF Cup cũng không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA.

Buộc phài chia tay nhiều hảo thủ tại AFF Cup 2018, Thái Lan có nguy cơ mất ngôi vô địch Đông Nam Á năm nay
Buộc phài chia tay nhiều hảo thủ tại AFF Cup 2018, Thái Lan có nguy cơ mất ngôi vô địch Đông Nam Á năm nay

Do AFF Cup không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA, nên các CLB chủ quản không có nghĩa vụ phải trả cầu thủ về khoác áo các đội tuyển quốc gia, trong khuôn khổ AFF Cup.

Đây cũng không phải là tình cảnh xa lạ với một số nước ở khu vực Đông Nam Á, như Philippines từng xảy ra hiện tượng trên ở AFF Cup 2010 và AFF Cup 2012, còn đội tuyển Việt Nam cũng có lúc có cầu thủ thi đấu ở nước ngoài dịp AFF Cup 2016.

Tuy nhiên, do các tuyển thủ Philippines vào các năm 2010 và 2012 đều đá ở các đội bóng nghiệp dư tại Anh, nên việc họ về khoác áo đội tuyển Philippines không ra nhiều tranh cãi, bởi các CLB của họ không đặt nặng sự hiện diện của các cầu thủ dạng này ở một số trận đấu diễn ra cùng thời điểm.

Trường hợp tương tự cũng từng xảy ra với Công Phượng (khi đó khoác áo Mito Hollyhock của Nhật) và Xuân Trường (lúc đó đầu quân cho Incheon United – Hàn Quốc) ở AFF Cup 2016. Hai cầu thủ của đội tuyển Việt Nam không phải là cầu thủ quan trọng, không có suất đá chính ở 2 CLB của Nhật Bản và Hàn Quốc, nên các CLB nọ không gây khó dễ cho 2 cầu thủ này, khi Công Phượng và Xuân Trường về dự AFF Cup 2016.

Còn hiện tại, tất cả 4 cầu thủ của Thái Lan là Chanathip Songkrasin (CLB Sapporo – Nhật), Teerasil Dangda (Hiroshima – Nhật), Theerathon Bunmathan (Visel Kobe – Nhật) và thủ môn Kawin (Heverlee Leuven – Bỉ) đều là những cầu thủ quan trọng của các CLB mà họ đang khoác áo, nên khả năng những đội bóng này không nhả người cho đội tuyển Thái Lan tại AFF Cup là rất cao.

Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và HLV Rajevac của đội tuyển bóng đá đất Chùa Vàng dù biết việc mất các trụ cột có thể khiến đội tuyển Thái Lan suy yếu, tạo cơ hội cho các đối thủ đánh bại mình ở AFF Cup. Nhưng quy định của FIFA là vậy, các CLB không có nghĩa vụ nhả cầu thủ cho các đội tuyển ngoài thời hạn do FIFA ấn định, nên bóng đá Thái Lan cũng đành chịu, nếu các tại Nhật và Bỉ làm căng!

Thiện Nhân

Vì sao Thái Lan rơi vào cảnh mất nhiều ngôi sao tại AFF Cup 2018? - 2