1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VFF đã đúng khi bảo vệ HLV Miura?

(Dân trí) - Khi phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức công khai chỉ trích HLV Miura, phần còn lại của cơ quan điều hành bóng đá nội đã lên tiếng bảo vệ vị HLV này, chấp nhận đối lập quan điểm với bầu Đức.

VFF có “lật kèo” bầu Đức?

Có người cho rằng VFF đã “lật kèo” khi không cùng quan điểm với bầu Đức, trong việc sử dụng cầu thủ thuộc lứa U19 năm ngoái, xuất thân từ học viện bóng đá của bầu Đức làm nòng cốt cho các đội tuyển, chuẩn bị cho SEA Games 2017, như thường trực VFF từng thống nhất như vậy (hoặc chí ít là như bầu Đức cho rằng họ đã có thống nhất).

Nhưng kỳ thực vẫn có vị trong thường trực VFF (gồm 5 người là chủ tịch Lê Hùng Dũng, các phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Xuân Gụ và trưởng Ban futsal Trần Anh Tú) tiết lộ họ chưa hề thống nhất quan điểm trên, hoặc bị bắt phải… “gật” dù rất muốn phản đối.

Và cũng phải xem lại đấy có phải là chủ trương đúng, có nên theo đuổi hay không? Chúng ta đang nói về chuyện sử dụng một lứa cầu thủ mới 19 - đôi mươi làm nòng cốt cho các đội tuyển. Dẫu lứa đấy rất giàu triển vọng, nhưng chẳng ai dám chắc và cũng chẳng ai nói trước được tương lai họ sẽ phát triển như thế nào? Đồng thời cũng chưa chắc cầu thủ nào thuộc lứa ấy cũng giàu tài năng trong tương lai giống cầu thủ nào, trong khi ở đây là yêu cầu phải sử dụng toàn bộ.

Chúng ta cũng chưa thấy ở bất cứ nền bóng đá nào trên thế giới, nhất là những nền bóng đá phát triển mạnh, lại có chuyện đội tuyển lại trông chờ vào việc tuyển quân từ một CLB duy nhất, một thế hệ cầu thủ duy nhất.

 

Đừng trách VFF khi họ kiên quyết bảo vệ HLV Miura, và đối lập quan điểm với bầu Đức (ảnh: Nguyễn Đình)
Đừng trách VFF khi họ kiên quyết bảo vệ HLV Miura, và đối lập quan điểm với bầu Đức (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Quan điểm đấy nếu được thường trực VFF thông qua và quyết liệt theo đuổi đến cùng có lẽ không khác việc người ta đặt cách cho một nhóm cầu thủ nghiễm nhiên có suất ở đội tuyển, bất chấp phong độ và bất chấp thực tế phát triển. Nói nôm na là chưa thi đã báo đậu.

Thành ra đừng trách chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hay bất cứ vị nào khác ở cơ quan điều hành bóng đá nội khi họ không thể theo đuổi quan điểm của bầu Đức đến cùng. Ngược lại nên ủng hộ những vị này trong việc họ đi một đoạn đường rồi nhận ra đoạn đường đấy là đi sai, trước khi buộc phải thay đổi.

Rồi sở dĩ phải bàn đến cái quan điểm này khi nói về chuyện của HLV Miura vì nhiều người cũng cho rằng còn HLV Miura thì cầu thủ của bầu Đức khó lên tuyển, vì triết lý sử dụng người của vị HLV người Nhật khác với triết lý đào tạo của lò HA Gia Lai.

Đừng bảo vệ quan điểm "chưa thi đã báo trúng tuyển"

Có lẽ thôi bàn đến chuyện thành tích của HLV với các đội tuyển, thôi bàn đến chuyện trước khi ông ấy đến đây và sau khi ông ấy có mặt, bóng đá Việt Nam có gì. Cũng thôi bàn đến chuyện đội tuyển đá thuyết phục hay không thuyết phục. Đấy là vấn đề đơn thuần về chuyên môn, còn vấn đề ở đây là quan điểm xây dựng đội tuyển.

Về mặt quan điểm, HLV Miura có gì sai khi luôn hướng đội bóng của mình đến chiến thắng? Cũng về mặt quan điểm, chúng ta đã thấy từ khi HLV Miura cầm quân, có bất cứ giải đấu nào mà các đội tuyển Việt Nam đá với thái độ cho có hay không?

Mỗi đội bóng của vị HLV người Nhật khi tham dự bất cứ giải đấu nào đều thi đấu với sự nghiêm túc cao nhất, với quyết tâm cao nhất. Nó khác hẳn với thái độ buông bỏ như chính đội tuyển Việt Nam trước thời HLV Miura từng thua nhục nhã 5 trận liền tại vòng loại Asian Cup 2015.

Nó cũng khác với thái độ nhường đội tuyển quốc gia cho trợ lý dẫn dắt, còn HLV trưởng của đội tuyển tập trung cho đội U23, tập trung cho SEA Games 2013 – một nghịch lý có lẽ chỉ có trong bóng đá Việt Nam (vì với mọi nền bóng đá, đội tuyển quốc gia mới là đội tuyển quan trọng nhất).

Dưới thời HLV Miura chúng ta chưa hề thấy tình trạng đó. Đội tuyển nào với vị HLV người Nhật cũng là màu cờ sắc áo, cũng là niềm tự hào của cả nền bóng đá, và đội tuyển nào cũng đá hết mình vì niềm tự hào đấy.

Thành ra, dừng trách VFF khi cơ quan điều hành bóng đá nội bảo vệ HLV Miura, bất chấp chỉ trích mạnh từ phía vị phó chủ tịch tổ chức này.

Sao lại trách chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và VFF khi họ buộc phải từ bỏ quan điểm chỉ o bế cho một lứa cầu thủ, thuộc một học viện duy nhất, mà làm ngơ với phần còn lại của bóng đá nội? Sao lại trách VFF khi họ kiên quyết không theo đuổi chuyện xây dựng đội tuyển theo cách chưa tuyển sinh đã sớm khoanh vùng người trúng tuyển?

Trọng Vũ