1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VFF có công bằng khi đổ hết lỗi cho HLV Hữu Thắng?

(Dân trí) - Vẫn biết thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 có lỗi lớn nhất thuộc về HLV Hữu Thắng, nhưng việc VFF không ai nhận trách nhiệm cùng ông thầy xứ Nghệ mới thấy nghề cầm quân thật quá khắc nghiệt.

Buổi họp mổ xẻ thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam kéo dài trong 3 tiếng chiều qua. Với khoảng thời gian ấy, với nhiều người, sẽ là không đủ để phân tích những gì làm được, chưa được của thầy trò HLV Hữu Thắng ở SEA Games 29.

Tuy nhiên, việc HLV Hữu Thắng sớm từ chức và nhận toàn bộ trách nhiệm về phần mình, khiến mọi thứ sớm khép lại. Giờ thì có chê trách HLV Hữu Thắng đã chưa có đủ trình độ cũng như khả năng cầm quân cũng đã muộn. Bóng đá Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với giấc mơ vô địch SEA Games.


HLV Hữu Thắng bị đổ hết trách nhiệm sau thất bại ở SEA Games 29

HLV Hữu Thắng bị đổ hết trách nhiệm sau thất bại ở SEA Games 29

Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm nhất lúc này là trách nhiệm thuộc về những ai sau thất bại của tuyển U22 Việt Nam. Vì sao chỉ có mình HLV Hữu Thắng nhận lỗi, còn những bộ phân chuyên môn khác, vai trò của các nhà quản lý thì sao?

Trong những nội dung được quy trách nhiệm cho HLV Hữu Thắng, nổi bật lên 2 vấn đề về việc sử dụng lực lượng chưa hợp lý và chuẩn bị tâm lý cho quân nhà chưa đạt yêu cầu ở những trận quyết định.

Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, phân tích: “U22 Việt Nam đá với Philippines, Đông Timor có nhất thiết cần lực lượng đá chính, trong khi nhân sự của đội còn nhiều người. Ba trận đầu chúng ta thắng rất đậm, đều ghi 4 bàn, nhưng HLV gần như sử dụng đội hình quen thuộc.

Thắng 4 bàn cũng 3 điểm, mà thắng 1 hoặc 2 bàn cũng 3 điểm. Chúng ta không xoay vòng cầu thủ đá, vì thế không đảm bảo được lực lượng, sức khoẻ. HLV Hữu Thắng có một sai lầm lớn là trận nào cũng sử dụng lực lượng như vậy. Có cầu thủ chạy trên sân mệt không chạy nổi vẫn không thay. Hoặc cầu thủ trận trước mệt rồi, trận sau vẫn đá. Rất đáng tiếc khi lực lượng dự bị của chúng ta không chênh nhau với đội chính”.

Điều mà ông Hiển lấy làm tiếc nhất là U22 Việt Nam có lực lượng mạnh, nhưng lại không tung ra những “cú đấm” ở thời điểm cần thiết, cụ thể là hai trận gặp Indonesia và Thái Lan.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng khẳng định chưa bao giờ U22 Việt Nam có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng như ở SEA Games năm nay. Vì thế mà thất bại của thầy trò HLV Hữu Thắng càng trở nên cay đắng. Ông Tuấn cũng thừa nhận HLV Hữu Thắng có những mặt hạn chế về mặt sử dụng cầu thủ cũng như công tác tư tưởng, tâm lý cho các học trò.


HLV Hữu Thắng cũng như các HLV nội luôn chịu nhiều sức ép chuyên môn từ VFF

HLV Hữu Thắng cũng như các HLV nội luôn chịu nhiều sức ép chuyên môn từ VFF

Nói thế nào thì lỗi cuối cùng cũng vẫn đổ xuống đầu HLV Hữu Thắng. Và tất nhiên là HLV người Hà Tĩnh không phản ứng lại lấy một lời, bởi mọi thứ đã chấm hết. Chiến lược gia xứ Nghệ xin từ chức, trong cái thế không còn lựa chọn nào khác.

HLV Hữu Thắng rút lui là đúng, nhưng cách cách mà VFF không cùng thuyền trưởng U22 Việt Nam nhận lỗi, xem ra không thuyết phục. Vì sao VFF với các bộ phân chuyên môn có nhiều năm kinh nghiệm, lại có thêm cả vị tổng thư ký Lê Hoài Anh làm trưởng đoàn luôn theo sát đội tuyển U22 Việt Nam, lại không có những góp ý hay thậm chí là can thiệp. Đội tuyển U22 Việt Nam rất cần sự phản biện ấy, bởi đơn giản nó làm cho đội bóng chơi tốt hơn, chứ không phải là gây sức ép gì với thầy trò HLV Hữu Thắng.

Và nữa, vì sao đến khi thất bại những người làm bóng đá mới mổ xẻ chỉ ra nguyên nhân? Nếu điều đó được làm sớm hơn ngay trong giải đấu, thì có lẽ sẽ chẳng ai có lỗi cả, mà là thua vì thực lực kém, thua vì không may mắn mà thôi!.

Thùy Anh