1. Dòng sự kiện:
  2. Góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia
  3. Hậu trường nhân vật thể thao

Vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ và tình trạng sụt giảm khán giả tại V-League

(Dân trí) - Bạo lực sân cỏ càng tăng, công tác trọng tài càng kém thì niềm tin của người hâm mộ vào giải đấu càng giảm. Điều đáng nói giai đoạn cuối mùa lẽ ra phải là giai đoạn gây cấn nhất nay trở thành giai đoạn khó thu hút người xem nhất.

Không trận nào ở vòng 17 vừa rồi thu hút được chục ngàn khán giả (thống kê của VPF, thực tế có thể còn thấp hơn), riêng “chảo lửa” Lạch Tray chỉ có 9.000 người đến xem, so với tình trạng luôn cháy vé và kín sân (hơn 2 vạn) hồi đầu mùa.

Trước đó, một chảo lửa khác là sân Vinh chỉ đón chừng 2.000 khán giả ở vòng 16. Chảo lửa thành Vinh nguội lạnh lâu rồi, cùng với đà trượt dốc về mặt chuyên môn của SL Nghệ An. Đấy cũng là tình cảnh mà Hải Phòng đang và sẽ phải chịu.

Và câu chuyện của đội bóng đất Cảng mới đáng nói: Từ chỗ là đội đầu bảng, là ứng cử viên vô địch hàng đầu nhờ bỏ xa đội xếp kế tiếp, Hải Phòng đột ngột sa sút nhanh chóng từ đầu lượt về đến giờ, và hầu như rất ít khả năng bảo vệ ngôi đầu thêm vài vòng đấu nữa.

V-League ngày càng khó thu hút khán giả...
V-League ngày càng khó thu hút khán giả...

Đấy cũng là câu chuyện của V-League khiến giải đấu khó thu hút khán giả: Câu chuyện của tính cạnh tranh thấp, dễ đoán kết cục ở 2 đầu bảng xếp hạng, kèm theo chất lượng các trận đấu không cao.

Có một nghịch lý nằm ở chỗ chất lượng của V-League không cao, tính cạnh tranh cũng thấp, tốc độ các trận đấu nói chung rất chậm, nhưng sai lầm của trọng tài cứ xảy ra nhan nhản. Khó thống kê đầy đủ số sai lầm nghiêm trọng của giới trọng tài nội từ đầu V-League đến giờ, chỉ biết rằng sai lầm dạng đấy rất nhiều, kéo dài từ khi V-League bắt đầu cho đến lúc giải gần kết thúc.

Chưa bàn đến tư tưởng của giới trọng tài, khoan nói đến những nghi án tiêu cực, chỉ xét riêng về mặt chuyên môn, các sai lầm của giới trọng tài đã là khó chấp nhận, bởi có quá nhiều sai lầm đến từ việc giới “vua sân cỏ” không bám sát diễn biến của trận đấu, không theo kịp tốc độ trên sân, nhiều tình huống “trông gà hoá cuốc”.

... nhưng lại nhiều bạo lực và nhiều lời than về công tác trọng tài
... nhưng lại nhiều bạo lực và nhiều lời than về công tác trọng tài

Công tác trọng tài kém, nghiệp vụ và bản lĩnh của các vua sân cỏ không cao ắt dẫn đến việc các đội bóng không phục trọng tài, các cầu thủ vốn lắm chiêu trò càng không phục. Và đấy lại là tiền đề để bạo lực leo thang.

Ví dụ như trường hợp của Quế Ngọc Hải năm ngoái, rồi tình huống của Bửu Ngọc mới đây, nếu như Ban trọng tài xử lý nghiêm khắc đối với trọng tài bỏ sót lỗi và bỏ sót thẻ, chắc từng vua sân cỏ sẽ nhớ đời, sẽ xử lý chặt hơn khi điều khiển các trận đấu. Khi đó, cầu thủ có khi ít dám đá láo, bởi ít nhiều sẽ e dè trọng tài.

Đằng này, cứ chuyện nhỏ không được các bên có trách nhiệm xử lý triệt để, khiến sự việc cứ mỗi lúc mỗi chuyển biến theo chiều hướng khó kiểm soát.

Mà giải đấu càng khó bị kiểm soát thì chất lượng chuyên môn càng dễ đi xuống. Bây giờ, người hâm mộ một mặt chán ngán các trận cầu thật thật – giả giả ở cuối mùa, mặt khác lại mất lòng tin vào trọng tài, ngao ngán với bạo lực sân cỏ, thì thử hỏi người ta sẽ đến sân vì cái gì?

Giải quốc nội sa sút vì điểm ấy: Càng đến giai đoạn cuối mùa càng kém hấp dẫn, kém hấp dẫn về chuyên môn nhưng lại nhiều bạo lực và đầy rẫy tiếng thở dài với công tác trọng tài, thế thì lấy gì để người ta tin rằng giải đấu rồi sẽ tốt lên, sẽ sạch hơn và sẽ phục vụ người xem tốt hơn?

Kim Điền

Vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ và tình trạng sụt giảm khán giả tại V-League - 3