1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

V-League và bài toán khán giả

(Dân trí) - Khán giả thưa thớt chính là vấn đề đáng lo ngại nhất của V-League hiện nay. Thậm chí, giải vô địch quốc gia còn tồn tại hiện tượng hàng loạt đội miễn phí vé vào cồng vẫn không mấy người muốn vào sân.

Đi sau thời đại

Tại các quốc gia phát triển, bóng đá nói riêng và thể thao nói chung giờ là một ngành công nghiệp giải trí hái ra tiền. Và nếu đã xem đấy là ngành công nghiệp hái ra tiền, thì bản thân các đội bóng cũng phải xem những trận đấu của họ là sản phẩm để thu tiền.

Tiếc rằng nhiều người làm bóng đá Việt Nam, những nhà quản lý các CLB chỉ mới xem bóng đá là trò chơi đơn thuần, như cách nghĩ của cách đây vài chục năm.

Bóng đá Việt Nam dù được gắn mác chuyên nghiệp, nhưng kỳ thực vẫn nặng tư tưởng bao cấp, tức là chủ yếu đi xin tiền nhà nước, hoặc chờ nguồn sữa của các ông bầu, hoặc từ cả 2 nguồn vừa nêu, chứ chưa có phương thức kiếm tiền từ bóng đá, hoặc cũng chưa quan tâm đúng mức đến phương án kéo khán giả đến sân. Mà bàn đến khán giả là nói đến tiền.

Nhiều đội bóng tại V-League cứ nghĩ đơn giản rằng cứ miễn phí vé vào cửa là khán giả sẽ vào sân, nhưng kỳ thực người xem không cần những chiếc vé miễn phí. Thậm chí, chính những đội bóng thường xuyên không bán vé như B.Bình Dương, Hà Nội T&T, hay Sài Gòn FC bây giờ lại là những đội có lượng khán giả thuộc vào loại thấp nhất.

V-League càng bị nghi ngờ về sự sòng phẳng thì càng khó thhu hút người xem (ảnh: Trọng Vũ)
V-League càng bị nghi ngờ về sự sòng phẳng thì càng khó thhu hút người xem (ảnh: Trọng Vũ)

Vì bóng đá hiện đã là một sản phẩm giải trí, nên điều quan trọng để thu hút khách hàng là chất lượng sản phẩm, là các dịch vụ dạng “khuyến mãi” đính kèm, là khâu quảng bá, tiếp thị, chứ không phải là chuyện miễn phí hay không miễn phí.

Ví dụ như trường hợp của XM Xuân Thành Sài Gòn cách nay 2 – 3 năm, đấy là đội bóng cực kỳ thành công trong việc bán vé, với mức khác giả trung bình ở sân Thống Nhất dao động trong khoảng 8.000 – 10.000 người, nhiều trận sân quá tải.

XM Xuân Thành Sài Gòn thuyết phục được người xem vì họ xây dựng được một đội bóng có chất lượng tốt, nhiều ngôi sao, có lối chơi thuộc vào loại quyến rũ nhất bóng đá nội, giúp người xem thích mắt.

Đội bóng thành phố khi đó còn biết cách mời các nghệ sĩ đến sân biểu diễn ở trước và giữa giờ thi đấu, một hình thức “khuyến mãi” đính kèm khi bán sản phẩm. Tiếc rằng, bầu Thuỵ khi đó lại không đủ kiên nhẫn để làm bóng đá đến cùng, chứ về mặt chiến lược kinh doanh bóng đá, các trợ lý của bầu Thuỵ quá nhạy bén trong việc thu hút khán giả.

Thành ra, thà các đội bóng trong nước cứ bán vé, để có trách nhiệm với chiếc vé được bán ra của mình, để đá đẹp hơn, nghiêm túc hơn, hòng mang đến cho người xem những trận cầu tốt hơn. Chứ càng miễn phí vé như hiện nay thì càng dễ thả nổi chất lượng.

Cải thiện chất lượng và tính cạnh tranh

Như đã đề cập, để bán được sản phẩm, thu hút khán giả thì sản phẩm phải tốt, phải đạt mức độ tin cậy cao. Tuy nhiên, đấy lại là bất cập và là vấn đề nhức nhối nhất của V-League.

Nhiều trận đấu ở V-League không phân biệt được thật hay giả, các đội bóng có thi đấu hết mình hay không hết mình, sòng phẳng hay không sòng phẳng thì làm sao để tạo được niềm tin nơi người mua sản phẩm – tức khán giả?

Có thể cơ quan quản lý nền bóng đá không thể trả lời được rằng đâu là bằng chứng tiêu cực liên quan đến những tranh cãi về các trận cầu “nhạy cảm”, tranh cãi về trọng tài, không thể kết luận được bầu Hiển là ông chủ của 4 – 5 đội bóng tại V-League, nhưng đứng trên góc độ người xem, họ có quyền không tin. Mà đã không tin, thì họ không việc gì phải chứng kiến những sản phẩm với họ là không đáng tin cậy và không đủ chất lượng.

Động lực không cao của nhiều đội cũng ảnh hưởng đến chất lượng của giải đấu (ảnh: Trọng Vũ)
Động lực không cao của nhiều đội cũng ảnh hưởng đến chất lượng của giải đấu (ảnh: Trọng Vũ)

Nếu để ý kỹ, những trận đấu của các đội bóng có liên quan đến bầu Hiển, nhất là các trận đấu giữa những đội này với nhau chính là những trận ít người xem nhất V-League vài năm qua.

Vấn đề ở đây là tính cạnh tranh. Một sẩn phẩm tốt thường là một sản phẩm được cạnh tranh trong môi trường tốt, cạnh tranh cũng là tiền đề để phát triển trong mọi lĩnh vực, không riêng gì trong bóng đá.

Đằng này, ở V-League, tính cạnh tranh của giải đấu không cao, nhiều đội bị nghi ngờ không thật tâm muốn vô địch, trong khi cuộc đua đến chiếc vé trụ hạng cũng ngã ngũ quá nhanh chóng khiến sức hút ở giai đoạn cuối giảm đáng kể.

Lại thêm chuyện “một ông chủ - nhiều đội bóng”, và nỗi ngờ vực của cả làng cầu về chuyện 2 – 3 đội của cùng ông chủ ấy dồn điểm cho đội còn lại băng băng đến ngôi đầu, càng khiến cho giá trị của giải trong mắt người xem giảm sút.

Kéo khán giả đến sân bây giờ không còn là câu chuyện đơn thuần về việc kêu gọi tinh thần thể thao của người hâm mộ một cách chung chung, mà đấy là vấn đề cần có sự định hướng hẳn hoi, về khâu tiếp thị, về chiến lược kinh doanh bóng đá, về việc cải thiện chất lượng chuyên môn, chất lượng phục vụ.

Đây là điều mà XM Xuân Thành Sài Gòn từng làm, giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA) đang làm, làm rất thành công, trong khi V-League thì mỗi lúc một bế tắc.

Kim Điền

V-League và bài toán khán giả - 3