1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

V-League 2017: Bầu Hiển và phần còn lại

(Dân trí) - CLB Quảng Nam lên ngôi vô địch đúng như dự đoán trước đó nhiều tháng của phần đông người hiểu về V-League, giải đấu vì thế cũng mất vui vì điều tưởng như bất ngờ lại không phải bất ngờ.

Giống như ở mùa giải trước, ngôi vô địch V-League chỉ được quyết định ở vòng đấu cuối cùng, bằng chỉ số phụ (CLB Quảng Nam hơn FLC Thanh Hoá đối đầu trực tiếp, sau khi đôi bên có cùng 48 điểm).

Ngôi vô địch V-League 2017 cũng chỉ mới là lần đầu đăng quang đối với đội bóng đất Quảng. Tuy nhiên, nếu bảo đấy là bất ngờ thì không phải bất ngờ, vì ngôi đầu chung cuộc đối với CLB Quảng Nam là điều đã được phần đông người theo dõi bóng đá nội nói đến từ cách nay nhiều tháng trời.

Người ta nói đến ngôi vô địch của CLB bóng đá Quảng Nam không phải do đội này mạnh, mà do lợi thế quá lớn mà họ được hưởng, từ bản chất của hiện tượng “một ông chủ - nhiều đội bóng”.

CLB Quảng Nam vô địch V-League 2017 không phải là bất ngờ (ảnh: Khánh Quang)
CLB Quảng Nam vô địch V-League 2017 không phải là bất ngờ (ảnh: Khánh Quang)

Thành ra, rất khập khiễng khi so sánh CLB Quảng Nam tại V-League 2017 với hiện tượng Leicester City tại Premier League cách nay hơn 1 năm. Bởi, CLB Quảng Nam không bao giờ là Leicester City, và quan trọng hơn, đội bóng nước Anh lên ngôi mà không có sự hậu thuẫn lớn từ phía một ông bầu có ảnh hưởng quá mạnh với một giải quốc nội dạng như bầu Hiển đối với V-League.

Còn nữa, Leicester City không có quá nhiều “người anh em” cùng một ông chủ đá chung một giải đấu như CLB Quảng Nam có được lợi thế đấy, với hiện tượng một mình bầu Hiển vừa tài trợ cho CLB bóng đá Quảng Nam, vừa là chủ hoặc là là nhà tài trợ với ít nhất 3 đội bóng nữa, gồm CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng và CLB Sài Gòn.

Thành ra, dù CLB Quảng Nam vô địch hoặc là ứng cử viên vô địch từ sau lượt đi của mùa giải 2017, nhưng giới chuyên môn thực thụ chưa bao giờ đánh giá cao HLV Hoàng Văn Phúc, họ cũng hầu như không nói về vai trò của HLV Hoàng Văn Phúc xung quanh ngôi vô địch đấy, mà dư luận nhìn chung nói về vai trò của bầu Hiển nhiều hơn – một vai trò quá lớn đối với toàn bộ giải đấu chỉ có 14 đội, nhưng ông Hiển đã có ảnh hưởng đến những 4 đội.

Trường hợp tương tự cũng từng xảy ra với HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội ở mùa giải trước. Người về lý thuyết giành danh hiệu vô địch V-League trên tư cách HLV trưởng, nhưng chưa bao giờ được xét trong nhóm những HLV giỏi của bóng đá Việt Nam.

CLB Hà Nội có cơ hội vô địch nhưng lại tự đánh mất lợi thế của mình (ảnh: Gia Hưng)
CLB Hà Nội có cơ hội vô địch nhưng lại tự đánh mất lợi thế của mình (ảnh: Gia Hưng)

Nhiều năm trước, người ta hay nói về những “liên minh” tại giải bóng đá vô địch quốc gia, những mối quan hệ kiểu “3 đi – 3 về” (mỗi đội thắng 1 trận trong thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt, đi và về).

Đấy là quan hệ giữa những đội bóng không cùng chủ sở hữu. Quan hệ đấy vốn đã làm cho giải vô địch quốc gia trước đây mất niềm tin nơi người hâm mộ. Giờ, “liên minh” dạng vừa nêu còn được nâng lên một tầm cao mới, đó là “một ông chủ - nhiều đội bóng”, chẳng trách V-League càng về sau càng thừa ngờ vực, nhưng lại thiếu người xem.

Đoạn kết của V-League 2017, đặc biệt là vòng đấu cuối cùng rất giống với V-League 2012. Năm đó, Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội bây giờ) dù có cơ hội vô địch nếu thắng XM Xuân Thành Sài Gòn ở sân Thống Nhất, nhưng lại chọn lối chơi tử thủ, “ôm chân” đội bóng thành phố, để một đội bóng khác của bầu Hiển là SHB Đà Nẵng đăng quang tại sân Ninh Bình.

Năm nay, CLB Hà Nội lại một lần nữa đứng trước cơ hội vô địch nếu thắng ở vòng chót, nhưng họ lại chơi như thể họ chẳng màn đến ngôi vô địch, với rất nhiều lỗi trong phòng ngự và cả trong tấn công, để rồi tự níu chân mình, nhìn CLB Quảng Nam lên ngôi ở sân Tam Kỳ.

Nhà tổ chức cứ cố bảo V-League kịch tính, hấp dẫn đến phút chót! Nhưng thử hỏi có môn chơi nào kịch tính mà lại vắng người xem như V-League?!

Kim Điền

V-League 2017: Bầu Hiển và phần còn lại - 3