1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Tương lai nào cho Công Phượng, Tuấn Anh sau SEA Games 29?

(Dân trí) - Tuấn Anh tái phát chấn thương, chưa hẹn ngày trở lại, trong khi Công Phượng vẫn vất vả tìm lại chính mình ở V-League. Ngặt nỗi cả hai dù không có phong độ cao vẫn là niềm hy vọng của đội tuyển Việt Nam trong tương lai gần.

Trở về CLB HA Gia Lai sau SEA Games 29, Tuấn Anh tái phát chấn thương, chưa ra sân trận nào từ khi V-League trở lại sau đại hội thể thao Đông Nam Á.

Với đà chấn thương như hiện nay, khả năng Tuấn Anh nghỉ hết V-League 2017 là cực cao, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiền vệ tài hoa này khó đóng góp gì thêm cho đội tuyển Việt Nam, trong phần còn lại của vòng loại Asian Cup 2019, từ nay đến cuối năm.

Trong khi đó, những Công Phượng và Văn Toàn vẫn miệt mài thi đấu trong màu áo HA Gia Lai, nhưng họ chưa thể toả sáng như kỳ vọng, nhất là trường hợp của Công Phượng.

Công Phượng vẫn đang vất vả tìm lại chính mình tại V-League (ảnh: Trọng Vũ)
Công Phượng vẫn đang vất vả tìm lại chính mình tại V-League (ảnh: Trọng Vũ)

Cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam luôn được tạo điều kiện tối đa trong mỗi trận đấu của đội bóng phố núi. Công Phượng được sắp ở vị trí sở trường, được chơi theo lối chơi ưa thích, nhưng vẫn rất mờ nhạt ở các vòng đấu đã qua.

Như đã từng đề cập, Công Phượng là cầu thủ giàu kỹ thuật, có khả năng gây đột biến, nhưng anh chưa đủ sức trở thành chủ công ở các đội bóng mà anh khoác áo.

Nếu vai trò vừa nêu thuộc về một cầu thủ khác, giởi săn bàn hơn Công Phượng, giỏi gây áp lực lên các hàng thủ đối phương, còn Công Phượng chỉ đóng vai phụ công, thì Công Phượng mới có thêm không gian và thời gian để gây đột biến, sau khi các hậu vệ đã tập trung sự chú ý và tập trung theo kèm chủ công vừa nêu.

Bằng ngược lại, kỹ thuật cá nhân của Công Phượng có khi lại trở thành nhược điểm của chính anh. Công Phượng vẫn giữ thói quen ham rê dắt, giữ bóng lâu hơn mức cần thiết, và hạn chế ở khả năng quan sát, phát hiện khoảng trống chiến thuật của đồng đội (do thói quen đi bóng mặt cúi xuống đất của chính Công Phượng), nên Công Phượng đôi khi làm chậm nhịp tấn công của đội nhà.

Và cũng do lối chơi của Công Phượng chưa có gì mới, chưa hiện đại hơn những gì mà người ta từng thấy và từng biết về anh ở các giải trẻ nhiều năm trước, nên với những hậu vệ có kinh nghiệm, việc phong toả Công Phượng không phải là nhiệm vụ quá vất vả.

Thành ra, việc sử dụng Công Phượng phải thật khéo, dành cho những HLV thật sự hiểu Công Phượng, hiểu điểm mạnh, điểm yếu của ngôi sao này, đồng thời phải có đủ lực lượng để tạo ra những vệ tinh đủ mạnh xung quanh Công Phượng.

Đấy cũng là vấn đề của đội tuyển quốc gia trong ít ngày tới. Xài Công Phượng như thế nào và ở thời điểm nào là bài toán dành cho HLV tạm quyền Mai Đức Chung, trong bối cảnh mà cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam vẫn vất vả tìm lại chính mình ở sân chơi V-League.

Kim Điền

Tương lai nào cho Công Phượng, Tuấn Anh sau SEA Games 29? - 2