1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Trước trận Bayern Munich - Dortmund: Khi pressing là lẽ sống…

(Dân trí) - Cả Dortmund và Bayern Munich đang thành công với lối chơi pressing thành công ở mùa giải này với sơ đồ 4-2-3-1 cùng tốc độ kinh hoàng trong từng pha phối hợp. Đó là sản phẩm “thế hệ mới” của bóng đá Đức…

8 giây “vàng ngọc” của Jurgen Klopp…

Mùa này, khán giả đã quen quá quen với những pha phối hợp “như chỗ không người” của Dortmund. Chứng kiến hàng thủ của Real Madrid được xây dựng dưới bàn tay của “kiến trúc sư” Mourinho vỡ vụn trước những pha đan bóng nhuần nhuyễn của đội bóng áo Vàng-Đen mới thấy rõ được sự lợi hại của Jurgen Klopp và các học trò.
 
Hay có một tình huống mà nhiều người không thể quên được , đó là “chuỗi” phối hợp ghi bàn từ phần sân nhà qua chân hàng loạt cầu thủ Piszczek, Błaszczykowski, Götze, ReusLewandowski trong trận đấu lượt về với Malaga ở tứ kết Champions League. Từ lúc Piszczek phát động, đến khi Lewandowski sút tung lưới CLB Tây Ban Nha, chỉ khoảng 10 giây.

Đó là sự đột phá lớn của Dortmund mùa này. Một nét mới trong những buổi tập của CLB vùng Rurh chính là bài tập “8 giây vàng ngọc”. Theo đó, HLV Jurgen Klopp yêu cầu các học trò chuyển từ phòng ngự (kể từ khi thu hồi bóng từ chân đối phương) sang tấn công (tới chân cầu thủ cuối cùng dứt điểm) chỉ trong vòng… 8 giây.

Đó là bài tập yêu cầu các cầu thủ Dortmund không được phép chạm bóng quá nhiều (gần như chỉ 1 chạm như trong pha phối hợp ghi bàn vào lưới Malaga), hạn chế tối đa quãng thời gian thừa, không cần thiết, để đối phương có thể ngăn chặn.

Gây áp lực (pressing) cho đối phương bằng những pha áp sát rất nhanh, kèm người theo khu vực, với đội hình dâng lên khá cao. Đồng thời, chuyển rất nhanh từ phòng ngự sang tấn công. Đây chính là “chìa khóa” mang lại thành công cho Dortmund mùa này.

HLV Jurgen Klopp yêu cầu rất cao trong bài tập chuyển từ phòng ngự sang tấn công

HLV Jurgen Klopp yêu cầu rất cao trong bài tập chuyển từ phòng ngự sang tấn công

Tất nhiên, để hoàn thiện lối chơi như ngày nay, CLB vùng Rurh đã phải trải qua những nỗi đau, giúp họ có thêm những bài học hữu ích. Mùa trước, trong lần đầu tiên trở lại đấu trường Champions League, Dortmund, kẻ đã quen với lối chơi ở Bundesliga, không ngần ngại áp đặt lối chơi bằng những đợt tấn công liên tiếp, để rồi bị trừng phạt vì những sơ hở chết người. CLB Vàng-Đen đứng cuối bảng đấu với sự góp mặt của Marseille, Arsenal và Olympiacos.

Nhưng mùa này, nhờ lối chơi phòng ngự phản công vô cùng chủ động này, bộ mặt của Dortmund đã thay đổi hoàn toàn. Họ không sở hữu bóng quá nhiều (chỉ 46%, rất thấp so với CLB lọt vào vòng knock-out) nhưng đầy hiệu quả.

Trong trận đấu với Ajax ở vòng bảng, Dortmund chỉ cầm bóng 36% tại Amsterdam Arena nhưng họ vẫn có được chiến thắng 4-1 trước Ajax. Tương tự, trong những trận đấu với Real Madrid, CLB vùng Rurh chỉ cầm bóng khoảng 40% (theo số liệu của UEFA).

Để thực hiện được lối chơi này, những cầu thủ Dortmund phải chạy (không bóng) rất nhiều. Theo “tướng” Klopp, đó chính là “chìa khóa vàng” mà ông phát hiện được. Trong cuộc phỏng vấn trên trang web của UEFA, ông từng nói: “Tôi đã học được rất nhiều từ những số liệu thống kê. Chúng tôi chạy rất nhiều để giảm áp lực từ phía đối phương, nhờ vậy cũng giảm nguy cơ thất bại. Các cầu thủ của tôi bằng mọi cách phải chạy nhiều hơn đối thủ, gây sức ép lên họ với đội hình dâng cao”.

Sự tàn khốc của Bayern Munich…

Không như Dortmund, Bayern Munich có đội hình đủ chất lượng để dồn ép đối phương với những đợt tấn công liên tiếp. Mùa này, họ là đội bóng có tỷ lệ kiểm soát bóng cao thứ 2 ở Champions League (54%, số liệu của UEFA).

Bayern Munich thường chủ trương “bóp nghẹt” đối phương bằng những đợt tấn công vỗ mặt

Bayern Munich thường chủ trương “bóp nghẹt” đối phương bằng những đợt tấn công vỗ mặt

Nhưng khác tiqui-taka, thực hiện những đường ngắn liên tiếp để “vờn” đối phương, hòng tìm ra kẻ hở, trước khi tung ra đòn kết liễu, Bayern Munich chủ trương “bóp nghẹt” đối phương bằng những đợt tấn công vỗ mặt, khiến họ không kịp trở tay.

Những thắng lợi trước Juventus, Barcelona đã cho thấy được lợi hại trong lối chơi tấn công rực lửa của “Hùm xám”. Sở dĩ, Bayern Munich có thể thực hiện được lối chơi này bởi trong tay HLV Jupp Heynckes sở hữu rất nhiều cầu thủ tài năng, cơ động và đặc biệt thi đấu với nhau trong nhiều năm qua như Schweinsteiger, Lahm, Ribery, Muller, Robben…

Như HLV Jupp Heynckes từng chia sẻ: “Một trong những bí quyết thành công của Bayern Munich là chúng tôi sở hữu tập thể vững mạnh với những cầu thủ hàng đầu chứ không phải 11 “ngôi sao” riêng lẻ, đó là điều mà “Hùm xám” không thể có được ở mùa giải năm ngoái”.

Bên cạnh đó, thất bại liên tiếp trong những trận chung kết Champions League những năm qua đã khiến Bayern Munich “tỉnh” ra rất nhiều. Họ vẫn tấn công rực lửa nhưng khi cần, đoàn quân của HLV Jupp Heynckes có thể chuyển sang thế trận phòng ngự rất nhanh nhờ những chuyên gia đánh chặn như Javi Martinez (miếng ghép còn thiếu của Bayer Munich ở mùa giải trước).

Trong thành công của Bayern Munich ngày hôm nay cũng không thể không nhắc tới của Giám đốc thể thao, Matthias Sammer, người từng lên ngôi vô địch Champions League của Dortmund vào năm 1997. Sự “hiếu chiến” của cựu tuyển thủ Đức này đã cải thiện rất nhiều vấn đề chuyên môn cho “Hùm xám” (đặc biệt là khâu phòng ngự).

Dù đã quá hiểu nhau nhưng với lối chơi vô cùng biến hóa, Bayern Munich và Dortmund đang hứa hẹn sẽ cống hiến cho khán giải trận đấu mãn nhãn (trái với sự nhàm chán của những cuộc nội chiến trong những trận chung kết). Một cuộc tử chiến xứng đáng được chờ đợi!

H.Long

Dòng sự kiện: Champions League