1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Toshiya Miura là HLV duy nhất chịu áp lực ở vòng loại World Cup

(Dân trí) - HLV Miura nhận nhiều lời khen chê trong thời gian vừa rồi, nhưng kỳ thực phải từ khi vị HLV người Nhật xuất hiện, giới bóng đá và người hâm mộ Việt Nam mới quan tâm đến chuyện cạnh tranh ở vòng loại World Cup, giải đấu lâu nay bị xem là quá tầm chúng ta.

Lâu nay, với giới bóng đá Việt Nam và rất đông người hâm mộ, vòng loại World Cup hay Asian Cup bị xem là sân chơi quá tầm với bóng đá Việt Nam. Các HLV ở các cấp độ đội tuyển trước đây thường cũng chỉ gặp sức ép thành tích ở các kỳ SEA Games hay AFF Cup, chứ hầu như không phải chịu sức ép thành tích ở cấp độ châu lục trở lên.

Thành ra mới có chuyện cách nay 2 năm, HLV Hoàng Văn Phúc hồi đấy dẫn dắt đội tuyển quốc gia thua liền 5 trận ở vòng loại giải vô địch châu Á 2015 – kỷ lục thua đáng xấu hổ không chỉ của bóng đá Việt Nam mà còn của vòng loại châu Á, nhưng có mấy người bận tâm, cũng đâu có mấy người vì chuỗi trận thua nhục ấy mà gây sức ép buộc HLV Hoàng Văn Phúc phải rời đội tuyển (ông Phúc chỉ bị sa thải sau khi U23 Việt Nam không qua nổi vòng bảng SEA Games 2013).

Và cũng kỳ thực là từ khi HLV Miura xuất hiện, một bộ phận người hâm mộ và cả những người làm bóng đá Việt Nam mới quan tâm hơn đến thành tích từ cấp độ châu lục trở, đặt ra yêu cầu phải có thành tích ở các giải đấu cấp độ châu lục trở lên.

Ví dụ như việc người ta đang nói đến canh bạc của HLV Miura trong 2 trận đấu với Iraq và Thái Lan ở vòng loại World Cup sắp diễn ra. Nhiều người cho rằng nếu không tìm được kết quả tốt trong các trận đấu ấy, hoặc đội tuyển Việt Nam đồng loạt hết cơ hội lọt vào giai đoạn tiếp theo của vòng loại World Cup, và hết cơ hội vào VCK Asian Cup 2019, HLV Miura có thể bị sa thải.

 

Từ khi HLV Miura xuất hiện, giới bóng đá Việt Nam mới quan tâm hơn đến chuyện cạnh tranh thành tích ở vòng loại World Cup (ảnh: Nguyễn Đình)
Từ khi HLV Miura xuất hiện, giới bóng đá Việt Nam mới quan tâm hơn đến chuyện cạnh tranh thành tích ở vòng loại World Cup (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Người ta đang đòi hỏi đội tuyển của HLV Miura phải thể hiện tốt, thậm chí phải chiến thắng 2 đối thủ vốn lâu nay trên hẳn chúng ta về mặt trình độ (Iraq từng vô địch châu Á năm 2007, còn Thái Lan 20 năm nay đều ở trên bóng đá Việt Nam).

Yêu cầu về mặt thành tích là bình thường, chỉ có điều bất thường duy nhất ở chỗ trước thời HLV Miura, kể cả ở thời các HLV được cho là thành công nhất với bóng đá Việt Nam như Calisto hay Alfred Riedl, chúng ta chưa bao giờ đòi hỏi điều tương tự (tức là hồi đấy cũng chỉ bằng lòng với thành tích ở khu vực, chứ không đòi hỏi thành tích ở đấu trường châu lục và thế giới).

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sự xuất hiện của HLV Miura đã giúp thay đổi rất lớn về mặt nhận thức và về cách tiếp cận cũng như mục đích tiếp cận các giải đấu từ trình độ châu lục trở lên của bóng đá Việt Nam nói chung.

Thành ra, cũng nên hết sức công bằng với vị HLV người Nhật khi đánh giá về ông này. Chúng ta có thể thống nhất hay không thống nhất quan điểm về trình độ chuyên môn của HLV Miura, có thể khen hoặc chê vị HLV người Nhật, nhưng không thể bảo rằng đấy là HLV tệ đến mức không có đóng góp gì cho bóng đá Việt Nam, càng không thể phủ định sạch trơn những gì mà HLV Miura đã thực hiện.

Vì cơ bản, giúp người xung quanh thay đổi về mặt nhận thức và thay đổi về tâm thế khi đá các giải đấu có trình độ cao đâu phải đơn giản!

Cũng cần công bằng với HLV Miura ở điểm từ khi có ông ấy, chúng ta mới quan tâm nhiều hơn đến các giải cấp châu lục trở lên, mới bắt đầu đòi hỏi phải có chiến thắng trước những đội bóng mà lâu nay chúng ta cứ ngỡ ở xa lắt so với chúng ta như Iraq hay Thái Lan sắp tới đây!

Trọng Vũ

 

Toshiya Miura là HLV duy nhất chịu áp lực ở vòng loại World Cup - 2