1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Thầy nội của tuyển Việt Nam: 2 năm, 3 triều đại thất bại

(Dân trí) - Tính từ năm 2012, bóng đá Việt Nam có 3 HLV nội dẫn dắt đội tuyển quốc gia và cả 3 đều thất bại. Đấy chính là lý do mà nhiều người cho rằng việc VFF chọn HLV người Nhật nắm đội tuyển tới đây là quyết định hợp lý và thức thời…

3 triều đại thất bại trong 2 năm

Tính từ năm 2012, bóng đá Việt Nam có 3 HLV ngồi ghế HLV trưởng đội tuyển, đó là các ông Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và có thể kể thêm Nguyễn Văn Sỹ, lúc ông Sỹ ngồi thay ông Phúc, nắm đội tuyển tại vòng loại Asian Cup 2015, do ông Phúc bận công việc với đội tuyển U23.

Đáng buồn nhất trong số đó là thất bại toàn diện của đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 quốc gia dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc. Lần đầu tiên kể từ năm 2004, U23 Việt Nam không vào nổi bán kết một giải đấu tầm khu vực, cùng với đó là sự thiếu sinh khi và thiếu đường nét của đội tuyển quốc gia, trước khi chúng ta suýt nữa tiến tới kỷ lục toàn thua ở vòng loại giải châu Á.

Quay lại với việc trước đó VFF đưa ra lý do họ chọn HLV nội nắm đội tuyển một phần vì vừa thất bại với HLV ngoại mang tên Falko Goetz (Đức) ở SEA Games 26, trên đất Indonesia.

ĐTVN thường xuyên thất bại với các HLV nội trong 2 năm qua, ảnh: Trọng Vũ
ĐTVN thường xuyên thất bại với các HLV nội trong 2 năm qua, ảnh: Trọng Vũ



Ông Falko Goetz là HLV có lý lịch thuộc vào loại tốt nhất mà tầm VFF có thể vươn tới, xuất phát ở chỗ ông này từng làm HLV tại Bundesliga. Có nghĩa là thời đó, theo VFF, họ đã tiếp cận với HLV ngoại tốt nhất trong khả năng nhưng vẫn thất bại, nên thôi thì quay lại sử dụng HLV nội.

Nhưng công bằng mà nói, việc sa thải ông Goetz chỉ sau vài tháng nắm đội tuyển, dù hợp đồng kéo dài đến 3 năm là không phù hợp, bởi để giúp một đội tuyển có thể ổn định, các HLV cần nhiều hơn vài tháng ngắn ngủi ấy.

Chưa kể việc HLV Goetz giúp U23 Việt Nam vào bán kết SEA Games 26 chưa hẳn đã là thất bại toàn diện, xét trên mặt bằng chất lượng đi xuống của cầu thủ Việt Nam vài năm gần đây.

VFF lúc đó chọn HLV nội còn bởi một vài cái tên gây được ấn tượng ở giải trong nước, nhưng tất cả dường như quên rằng sức ép ở tầm CLB khác xa so với sức ép và tính đặc thù của một HLV tầm đội tuyển quốc gia.

HLV nội không giỏi chịu áp lực?


Trước khi chính thức trở thành HLV đội tuyển trước và trong AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng từng có lúc chấp trưởng thay Calisto dẫn dắt đội tuyển Olympic Việt Nam dự Asiad 2010.

Đồng nghiệp trẻ của Phan Thanh Hùng là Lê Huỳnh Đức cũng có những thời điểm tương tự, dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thay Calisto dự cúp TPHCM.

Tuy nhiên, đội tuyển ấy vẫn là đội tuyển của Calisto, và mọi sức ép, nhất là sức ép nếu lỡ thất bại với các đội tuyển ấy đều do vị chuyên gia người Bồ Đào Nha chịu trách nhiệm. Cũng có nghĩa là Phan Thanh Hùng hay Lê Huỳnh Đức lúc đó nắm đội tuyển chỉ có được chứ không có mất, không phải nặng đầu.

Làm HLV mà được miễn nhiễm với sức ép thì không phải là… HLV đỉnh cao. Cách VFF để cho HLV được phép kiêm nhiệm trước đây cũng là một sai lầm tai hại. Sự kiêm nhiệm khiến cho chính các HLV khó toàn tâm toàn ý với đội tuyển và phần nào đó chính các HLV cũng chuẩn bị sẵn đường… rút về CLB.

Với các HLV nội, ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia bây giờ là một vị trí có quá nhiều rủi ro, mà không phải ai cũng sẵn sàng mạo hiểm với vị trí ấy, trừ những người đang… thất nghiệp (vì dạng HLV kiểu này có gì để mất đâu?!).

Riêng ở Việt Nam, riêng với nghề HLV bóng đá, dạng HLV đã ở gần tuổi thất thập “cổ lai hy” như Vương Tiến Dũng, Lê Thụy Hải, Trần Bình Sự, hoặc dạng chuyên gia môi giới cầu thủ như ông Trần Tiến Đại mà còn có việc làm, thì đủ thấy người thất nghiệp trình độ ở mức nào!

Vậy nên, cách tốt nhất là trao đội tuyển cho HLV ngoại, vừa giỏi sức chịu sức ép, vừa có khả năng “thổi” lối chơi hiện đại vào đội tuyển quốc gia, vừa luôn sẵn sàng mạo hiểm với công việc mới, vốn có nhiều rủi ro và thường xuyên đối diện với nhiều ông chủ khó tính ở VFF!

Kim Điền