1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những thảm họa tàn khốc nhất lịch sử bóng đá hiện đại

(Dân trí) – Vụ bạo động sân cỏ kinh hoàng ở Ai Cập ngày 1/2 đã cướp đi sinh mạng của hơn 70 người và khiến cả thế giới phải sửng sốt. Tuy nhiên trong lịch sử môn thể thao vua, đã từng có không ít vụ việc còn nghiêm trọng hơn thế.

Bóng đá là môn thể thao vua, là thứ tôn giáo đặc biệt với những người hâm mộ. Tuy nhiên đôi khi cũng chính vì thứ tình yêu cháy bỏng đó lại khiến người ta phải trả giá đắt thậm chí đánh đổi mạng sống. Hãy cùng điểm lại những tấn bi kịch lớn của sân cỏ thế giới và xem đó như lời cảnh tỉnh.

Những thảm họa tàn khốc nhất lịch sử bóng đá hiện đại - 1
Thảm họa tại Burden Park cướp đi sinh mạng của 33 người

Ngày 9/3/1946 tại Bolton, Anh: 33 người thiệt mạng và hơn 400 người khác bị thương khi một bức tường đổ sập tại Burden Park trước trận đấu giữa Bolton và Stoke ở cúp FA. Đa số nạn nhân tử vong do bị tường đè và dẫm đạp do hoảng loạn.

Ngày 30/3/1955 tại Santiago, Chile: 70.000 người đã cố chen lấn vào SVĐ để xem trận đấu giữa Argentina và Chile tại giải VĐ Nam Mỹ. Hậu quả là 6 người đã vĩnh viễn ra đi.

Ngày 24/5/1964 tại Lima, Peru: Một cuộc bạo loạn kinh hoàng diễn ra tại SVĐ quốc gia sau khi Argentina đánh bại Peru trong trận giành vé dự Olympic. Tất cả bắt nguồn từ việc trong tài không công nhân bàn thắng của đội chủ nhà ở phút 88. Các CĐV nổi loạn ùa vào sân. Hậu quả thật thảm khốc: 318 người chết và hơn 500 người khác bị thương.

Ngày 23/6/1968 tại Buenos Aires, Argentina: Trận đấu giữa 2 CLB River Plate và Boca Juniors biến thành thảm kịch khi các CĐV rời sân nhưng đi nhầm vào một lối ra đã bị bịt kín. Đám đông xô đẩy khiến 74 người bị chèn ép vào tường và dẫm đạp đến chết. 150 người khác bị thương.

Những thảm họa tàn khốc nhất lịch sử bóng đá hiện đại - 2
SVĐ Ibrox đã chứng kiến thảm họa kinh hoàng khiến 66 người chết

Ngày 2/1/1971 tại Glasgow, Scotland: Một hàng rào trên SVĐ Ibrox đã sụp xuống khi trận đấu giữa 2 kình địch Celtic và Rangers sắp kết thúc. Vụ việc xảy ra khi những người đang rời SVĐ bị xô đẩy bởi một đám đông đang tìm cách quay trở vào sau khi nghe thấy Rangers có bàn gỡ hòa. 66 CĐV thiệt mạng và 140 người bị thương.

Ngày 17/2/1974 tại Cairo, Ai Cập: đám đông CĐV cố tình xô đẩy để vào xem một trận đấu đã đẩy đổ một hàng rào gây ra hỗ loạn khiến 49 người bị dẫm đạp đến chết.

Ngày 31/10/1976 tại Yaounde, Cameroon: sau khi đội chủ nhà được hưởng penalty trong trận vòng loại World Cup với Congo, thủ môn đội khách lao vào tấn công trọng tài. Khiến ẩu đả nổ ra. Chứng kiến trận đấu từ TV, Tổng thống Cameroon lập tức điều lính nhảy dù bằng trực thăng tới can thiệp. Hậu quả là người đứng ngoài thiệt mạng.

Ngày 6/12/1976 tại Port-au-Prince, Haiti: Trận đấu giữa đội chủ nhà với Cuba ở vòng loại World Cup biết thành thảm họa khi một CĐV đốt pháo sau pha lập công của đội khách. Các CĐV tưởng đó là tiếng súng liền lao vào hạ gục một quân nhân khiến sung của người này cướp cò giết chết 1 bé trai và 1 bé gái. Đám đông hoảng loạn tháo chạy khiến 2 người bị dẫm đạp đến chết. 1 người đàn ông chết vì cố nhảy qua 1 bức tường hòng thoát thân. Còn vị quân nhân trên quá hoảng sợ đã tự sát.

Ngày 20/10/1982 tại Mat-xcơ-va: 340 người bị cho là đã thiệt mạng (cảnh sát chỉ thừa nhận có 67 người) trong trận đấu ở cúp Châu Âu giữa Spartak Moscow và Haarlem (Hà Lan). Trước khi trận đấu kết thúc, cảnh sát đã buộc các CĐV rời sân Luzhniki bằng một lối cầu thang nhỏ, đầy băng. Khi bàn thắng đến ở cuối trận, những người đang rời sân cố quay trở lại SVĐ và rất nhiều đã bị nghiền nát trong cơn dẫm đạp.

Những thảm họa tàn khốc nhất lịch sử bóng đá hiện đại - 3
Thảm họa Heysel mãi là vết đen trong lịch sử các cúp châu

Ngày 11/5/1985 tại Bradford, Anh: 56 người đã chết khi một đầu mẩu thuốc lá khiến dãy ghế ngồi bằng ghế phát hóa và thiêu rụi khán đài.

Ngày 29/5/1985 tại Brussels, Bỉ: Trận chung kết Cúp châu Âu giữa Liverpool và Juventus tại SVĐ Heysel biến thành thảm họa khi các CĐV nổi loạn và một bức tường ngăn các CĐV hai đội đổ sập. 33 người đã chết và đến nay đây vẫn là vết đen trong lịch sử các cúp châu Âu.

Ngày 12/3/1988 tại Katmandu, Nepal: Một cơn lốc kèm mưa đá bất chợt đã khiến đám đông CĐV hoảng loạn tháo chạy khỏi SVĐ trong khi các lối ra đều bị khóa. Hậu quả là ít nhất 93 người thiệt mạng trong cơn hỗn loạn, hơn 100 người khác bị thương.

Ngày 15/4/1989 tại Sheffield, Anh: Trận bán kết cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest trở thành vết đen tồi tệ trong lịch sử bóng đá Anh khi 96 người bị đám đông dẫm đạp, nghiền nát đến chết tại SVĐ Hillsborough. Tất cả chỉ vì cảnh sát tìm cách mở cổng đề đuổi bớt CĐV ra ngoài khiến rất nhiều CĐV cố tìm cách chen về phía trước. Hậu quả là nhiều người bị ép chặt vào hàng rào SVĐ và chết ngạt.

Những thảm họa tàn khốc nhất lịch sử bóng đá hiện đại - 4
Quang cảnh hỗn loạn kinh hoàng sau trận Al-Masry gặp Al-Ahly

Ngày 13/1/1991 tại Orkney, Nam Phi: ít nhất 40 người chết vì bị dẫm đạp, chèn ép vào hàng rào khi đám đông CĐV hoảng loạn tìm cách tháo chạy khỏi những cuộc xô xát trên khán đài.

Ngày 16/10/1996 tại Guatemala City, ít nhất 78 người thiệt mạng và 180 người bị thương vì bị dẫm đạp tại một SVĐ trước trận vòng loại World Cup giữa Guatemala và Costa Rica.

Ngày 11/4/2001 tại Johannesburg, Nam Phi: trận đấu tại giải VĐQG Nam Phi giữa Kaizer Chiefs và Orlando Pirates trở thành ngày bi thương khi BTC không thể ngăn dòng người ùn ùn kéo vào SVĐ Ellis Park đã chật cứng. Hậu quả là rất nhiều người bị đẩy ngã vào hàng rào thép gai khiến 47 người thiệt mạng.

Ngày 1/2/2012 tại Port Said, Ai Cập: ít nhất 74 người đã thiệt mạng khi CĐV của 2 đội Al-Masry và Al-Ahly ùa xuống sân xô xát sau chiến thắng 3-1 của Al-Masry. Bầu không khi hỗn loạn đã khiến nhiều người bị dẫm đạp đến chết.

Hoàng Tùng