1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Những điểm nhấn của bóng đá Việt Nam năm 2015

(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam năm qua chưa thể tự nâng tầm chính mình. Dù vậy, trong một năm đầy ắp sự kiện, vẫn có khá nhiều điều đáng nói về bóng đá nội, cho dù đấy là sự kiện vui hay buồn.

1/ Đội tuyển U23 Việt Nam giành HCĐ SEA Games. Tuy nhiên, đây có lẽ là một trong những tấm huy chương gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, tại các kỳ Đông Nam Á vận hội. Nhiều người cho rằng đội bóng của HLV Miura lẽ ra phải đứng cao hơn vị trí thứ 3, chí ít là vào chung kết. Số ý kiến ngược lại thì nhìn vào thành tích quá kém của chính đội tuyển U23 Việt Nam ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp trước đó (mất HCĐ năm 2011 và bị loại ở vòng bảng năm 2013) để đánh giá HCĐ ở SEA Games 2015 đã là thành công, xét trong bối cảnh chất lượng bóng đá nội sa sút nói chung.

 

U23 Việt Nam đoạt HCĐ SEA Games và giành quyền vào VCK U23 châu Á (ảnh: Gia Hưng)
U23 Việt Nam đoạt HCĐ SEA Games và giành quyền vào VCK U23 châu Á (ảnh: Gia Hưng)

 

2/ U23 Việt Nam giành quyền tham dự VCK châu Á. Thật ra, ở các nền bóng đá khác, kể cả các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, đây là thành tích chưa thể gọi là nổi bật. Nhưng với bóng đá Việt Nam, với một nền bóng đá mà hễ cứ ra sân chơi châu lục là nghỉ đến chuyện chủ động… nghỉ sớm thì quyết tâm đưa đội tuyển vào VCK U23 châu Á của HLV Miura rất đáng ghi nhận. Cũng không có nhiều lần các đội tuyển của chúng ta chạm đến cột mốc này, ở cấp độ châu lục.

3/ Đội tuyển nữ thất bại tại giải vô địch Đông Nam Á. Cơn khủng hoảng của bóng đá nội không chỉ xảy ra với bóng đá nam, mà còn lan sang cả bóng đá nữ. Trắng tay ngay trên sân nhà ở giải đấu khu vực là nỗi đau với đội tuyển nữ Việt Nam, cho thấy khoảng trống không hề nhỏ ở tính kế thừa về lực lượng. Cho dù sau đó chúng ta giành vé đến vòng loại thứ 3 Olympic 2016, nhưng thành tích ấy cũng không có mấy ý nghĩa, do Thái Lan không mặn mà với vòng loại Olympic, môn bóng đá nữ, cũng không ai dám tin rằng tới đây chúng ta có thể đoạt vé đến được Rio vào mùa hè năm sau.

 

Đội tuyển nữ Việt Nam trắng tay tại giải vô địch Đông Nam Á (ảnh: Trọng Vũ)
Đội tuyển nữ Việt Nam trắng tay tại giải vô địch Đông Nam Á (ảnh: Trọng Vũ)

 

4/ Tranh cãi chuyện nên hay không nên dùng lứa U21 HA Gia Lai làm nòng cốt cho các đội tuyển. Cũng vì bóng đá Việt Nam sa sút, nên mới có chuyện người ta tranh cãi dùng hay không dùng lứa cầu thủ của bầu Đức làm nòng cốt xây dựng các đội tuyển, bỏ qua mọi quy tắc về tính cạnh tranh, bỏ qua luôn thực tế rằng bóng đá thế giới chưa bao giờ có chuyện cấp liên đoàn bóng đá quốc gia nghĩ đến việc phải biến điều ấy thành nghị quyết. Mà các bên càng tranh cãi thì càng thấy vai trò mờ nhạt của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, người mà hơn 1 năm tại vị chưa hề có quyết sách nào xem được, cũng chưa đề ra bất cứ định hướng nào mang tầm tương lai, ngoài hàng loạt phát biểu mang tính ăn theo sự kiện. Nhưng ngặt nỗi, thường thì ông Dũng càng nói lại càng… hớ.

 

Tuấn Anh (8) và các đồng đội ở U21 HA Gia Lai trở thành tâm điểm của một trong những vụ tranh cãi kỳ quặc nhất lịch sử bóng đá thế giới (ảnh: Trọng Vũ)
Tuấn Anh (8) và các đồng đội ở U21 HA Gia Lai trở thành tâm điểm của một trong những vụ tranh cãi kỳ quặc nhất lịch sử bóng đá thế giới (ảnh: Trọng Vũ)

 

5/ Tấm HCĐ lịch sử trong môn futsal. Cũng may mà trong bối cảnh bóng đá đi xuống nói chung, vẫn còn điểm sáng nổi bật trong năm. Thái Sơn Nam bất ngờ giành HCĐ giải vô địch futsal các CLB châu Á trên đất Iran. Đấy cũng là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có huy chương ở một giải đấu chính thức tầm vô địch châu lục (trước đây B.Bình Dương cũng vào bán kết AFC Cup 2009, nhưng AFC Cup không phải là giải vô địch châu Á tầm CLB, mà AFC Champions League mới mang tính chất này).

 

Thái Sơn Nam gây sốt khi bất ngờ giành HCĐ giải vô địch các CLB futsal châu Á (ảnh: Quang Thắng)
Thái Sơn Nam gây sốt khi bất ngờ giành HCĐ giải vô địch các CLB futsal châu Á (ảnh: Quang Thắng)

 

6/ Manchester City đến Việt Nam. Tiếp sau Arsenal cách nay 2 năm, đến lượt một đội mạnh khác của Premier League là Man City mang đội hình mạnh đến Hà Nội đá giao hữu. Dù vậy, so với lần Arsenal có mặt ở Việt Nam trước đó, sự xuất hiện của Man City lần này không thu hút bằng, chủ yếu do người hâm mộ đã bắt đầu nhàm với các sự kiện nặng về thương mại, nhưng kém về chuyên môn dạng này.

7/ Đội tuyển U19 Việt Nam giành quyền vào VCK U19 châu Á. Ngoài đội tuyển U23, chúng ta còn có một đội tuyển khác đoạt vé dự VCK châu lục là đội U19. Nhưng điều trớ trêu là cho dù tháng 10 năm sau VCK U19 châu Á sẽ khởi tranh, nhưng cho đến thời điểm này, đội tuyển U19 Việt Nam vẫn không có… HLV (sau vòng loại, HLV Hoàng Anh Tuấn đã hết hợp đồng với đội tuyển). Đấy cũng là tình trạng chung của đội bóng này trong năm, thiếu sự quan tâm, thiếu kinh phí để có được sự chuẩn bị tốt hơn.

8/ B.Bình Dương lần thứ 4 vô địch V-League. Thậm chí, ngôi vô địch của B.Bình Dương còn được dự báo ngay từ trước giải. Đội bóng đất Thủ Dầu không có đối thủ xứng tầm suốt dọc hành trình bảo vệ ngôi vương của mình. B.Bình Dương còn mạo hiểm thay HLV Lê Thụy Hải từ giữa mùa, thế bằng HLV Mai Đức Chung, nhưng vẫn đủ sức cán đích khá dễ dàng.

 

B.Bình Dương dễ dàng vô địch V-League (ảnh: Nguyễn Đình)
B.Bình Dương dễ dàng vô địch V-League (ảnh: Nguyễn Đình)

 

9/ Làn sóng hợp tác đưa cầu thủ ra nước ngoài. Đội bóng mạnh mẽ nhất trong xu thế này là HA Gia Lai. Tuấn Anh đã chính thức là người của CLB Yokohama FC trong mùa giải 2016, Công Phượng chỉ còn chờ ngày ký với Mito Hollyhock, còn Xuân Trường sắp sang Hàn Quốc đá cho Incheon. Sau vụ Công Vinh sang Nhật đá cho Sapporo thuộc J-League, nhiều đội bóng trong nước nhận ra rằng hợp tác với các đội bóng Đông Bắc Á có thể mang lại những điều lợi không chỉ trong phạm vi bóng đá, mà còn cả bên ngoài bóng đá.

 

Bầu Thắng (giữa) dần thoái vốn khỏi bóng đá, có thể mở ra trào lưu rút khỏi bóng đá theo... cách mới của các ông bầu (ảnh: Trọng Vũ)
Bầu Thắng (giữa) dần thoái vốn khỏi bóng đá, có thể mở ra trào lưu rút khỏi bóng đá theo... cách mới của các ông bầu (ảnh: Trọng Vũ)

 

10/ ĐT Long An đổi tên. Đây được xem là sự kiện bởi bầu Thắng là người đi tiên phong trong phong trào xã hội hóa bóng đá cách nay hơn chục năm. Bầu Thắng cho biết kêu gọi nhiều nhà đầu tư góp vốn là phương thức làm bóng đá lâu bền, được học theo cách của người Nhật. Nhưng nhiều người khác lại cho rằng đây là cú “thoái vốn” ngoạn mục của bầu Thắng trong lĩnh vực bóng đá, bởi cũng chưa có gì đảm bảo rằng CLB bóng đá Long An sẽ sống khỏe với nhiều nhà đầu tư mà mỗi nhà đầu tư góp một chút. Thậm chí, đây có thể là xu thế bỏ bóng đá theo… cách mới của nhiều ông bầu bóng đá sau này, khi nhận ra bóng đá không còn là địa chỉ vàng để khai thác hình ảnh.

Trọng Vũ

 

Những điểm nhấn của bóng đá Việt Nam năm 2015 - 7