1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những bài toán Roy Hodgson cần giải quyết ở ĐT Anh

(Dân trí) - Trận hòa với Ba Lan chỉ ra thực tế rằng “Tam Sư” của Roy Hodgson vẫn còn rất nhiều điểm yếu cần khắc phục để đến được Brazil 2 năm sau. Từ hàng thủ, tuyến tiền vệ cho đến cặp tiền đạo, nơi đâu cũng có những bài toán mà người Anh cần giải đáp.

1. Sợi dây liên kết giữa Defoe - Rooney

Dù thi đấu với đội hình nào và sơ đồ chiến thuật gì đi nữa, một vị trí dành cho Wayne Rooney là điều đương nhiên. Thậm chí đến một kẻ nghiệp dư cũng thừa hiểu điều đó chứ đừng nói là Roy Hodgson với 36 năm kinh nghiệm trên băng ghế “nóng”.

Defoe không tạo ra được sợi dây liên kết tối cần thiết với Rooney trên hàng công

Defoe không tạo ra được sợi dây liên kết tối cần thiết với Rooney trên hàng công

Tuy nhiên, khi đã mặc định một suất đá chính cho “gã Shrek”, Hodgson cần phải tìm ra được đối tác tốt nhất cho chủ công của mình. Defoe được lựa chọn trong chuyến hành quân đến Warszawa vừa qua song dấu ấn mà tiền đạo của Tottenham để lại là vô cùng nhạt nhòa.

Đã vậy, điều khiến Defoe mất điểm nhất trong mắt giới chuyên môn lẫn ông thầy Hodgson chính là việc anh không có được sự liên kết và ăn ý cần thiết với Wayne Rooney như những gì Danny Welbeck từng làm được. Lựa chọn Defoe, một chân sút đẳng cấp và kinh nghiệm hơn hay Welbeck tuy còn khá “non và xanh” song có được sự kết nối với Rooney chắc chắn là vấn đề khiến ban huấn luyện “Tam Sư” phải mất ngủ nhiều đêm.

2. Cách sử dụng Tom Cleverley

Sau một vài trận đấu ấn tượng trong chuỗi trận “hủy diệt” của MU đầu mùa trước cộng thêm màn trình diễn đáng ngợi khen tại Olympic London, Tom Cleverley đã được cả Sir Alex Ferguson lẫn Roy Hodgson đặt rất nhiều niềm tin và kì vọng cho vai trò tại tuyến tiền vệ.

Tom Cleverley cần được trả về vị trí tiền vệ trung tâm sở trường

Tom Cleverley cần được trả về vị trí tiền vệ trung tâm sở trường

Ngôi sao trẻ này tiến bộ rất nhanh và được đánh giá cao ở khả năng giữ bóng cũng như sự linh hoạt trong di chuyển song cách Roy Hodgson đẩy Cleverley ra bên cánh trái trong sơ đồ 4-2-3-1 là một ý tưởng tồi tệ. Cầu thủ của MU chỉ phát huy được những phẩm chất tốt nhất của mình khi được chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm chứ không phải theo cái cách bị “ép” chơi trái sở trường như trước Ba Lan.

3. Vấn đề từ cặp trung vệ

Sau lời chia tay của John Terry và việc Hodgson kiên quyết nói “không” với Rio Ferdinand, người Anh đang đứng trước một cuộc “cách mạng” thực sự ở hai vị trí “trái tim” của hàng phòng ngự.

Trước “đại bàng trắng”, cặp trung vệ được sử dụng là Joleon Lescott và Phil Jagielka đã thi đấu không tồi song kĩ năng xử lí bóng bằng chân của họ đều chỉ ở mức tương đối. Nên nhớ rằng Terry tuy là một trung vệ nhưng đã rất nhiều lần thủ quân của Chelsea băng lên tấn công và ghi được những bàn thắng quan trọng bằng chân (hoặc đầu).

Các trung vệ của Roy Hodgson vẫn còn nhiều hạn chế so với Terry hay Ferdinand thời đỉnh cao

Các trung vệ của Roy Hodgson vẫn còn nhiều hạn chế so với Terry hay Ferdinand thời đỉnh cao

Chính vì sự hạn chế của bộ đôi Lescott - Jagielka, các tiền vệ trung tâm như Carrick hay Steven Gerrard đã buộc phải lùi sâu hơn về để hỗ trợ phòng ngự cũng như nhận bóng nhằm triển khai lên phía trên. Dù vậy, nếu thay thế 1 trong 2 cái tên đó bằng những Gary Cahill, Phil Jones hay Chris Smalling, sự ăn ý của bộ đôi từng chơi cặp với nhau ngày còn ở Everton sẽ biến mất và khi đó, liệu rằng khung thành Joe Hart có được an toàn?

4. Tại sao cứ mãi là James Milner?

Hiếm có cầu thủ nào được trọng dụng nhiều như Milner dưới “triều đại” mới của Roy Hodgson sau 11 trận đấu đã qua. Tiền vệ của Man City hội đủ những tố chất mà vị chiến lược gia 65 tuổi này yêu thích: sự cần cù, kỉ luật và đa năng trong lối chơi.

Thế nhưng, James Milner chỉ giống như một “chú ong thợ” hơn là người mang đến chất sáng tạo và đột biến trong lối chơi của “Tam Sư”. Những Theo Walcott, Aaron Lennon hay Alex Oxlade-Chamberlain mới là những gì người Anh cần cho “đôi cánh” của mình chứ không thể mãi chỉ là một Milner “thường thường bậc trung”.

5.Chẳng có một đội tuyển Anh mới mẻ nào cả

Roy Hodgson đã từng tỏ ra lạc quan (theo cách thái quá) khi nói rằng đội tuyển của đảo quốc sương mù giờ đây sẽ mang một diện mạo hoàn toàn khác: tươi mới, tốc độ, chuyền bóng ngắn nhiều hơn và nhiều “đất diễn” cho các tài năng trẻ.

Vẫn là một đội tuyển Anh cũ kĩ: chuyền bóng kém và tấn công chưa đủ nhanh

Vẫn là một đội tuyển Anh cũ kĩ: chuyền bóng kém và tấn công chưa đủ nhanh

Câu trả lời là: chưa đâu Roy Hodgson bởi ông và các học trò của mình chưa thể làm được điều đó, ít nhất là cho đến thời điểm này. Sau một kì Euro 2012 với một lối chơi thiên về phòng ngự (điều hiếm thấy trong lịch sử của họ), “Tam Sư” bước vào vòng loại World Cup 2014 mà những điểm yếu như chuyền bóng kém và nhịp độ tấn công chưa đủ nhanh vẫn còn đeo bám bên mình. Chẳng có một đội tuyển Anh mới mẻ nào cả cho tới lúc này, dù nhân sự và sơ đồ chiến thuật có thể đã khác đi.
 
Nguyễn Huy