1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Làm bóng đá hay… “đốt” tiền?

(Dân trí) - Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bây giờ vẫn là môn chơi tốn kém, trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn và có đội đầu tư rất lớn cho dù họ chỉ có mục tiêu duy nhất là… trụ hạng.

Có điều lạ ở chỗ là giới bóng đá Việt Nam trong mấy năm trở lại đây rất thích thay đổi đội hình xoành xoạch sau mỗi mùa giải. Từ thời V.Ninh Bình mới nổi lên trong bóng đá nội vào từ năm 2009, đội bóng đất Hoa Lư lúc đó được ví như cái… chợ cầu thủ, vì người đến và người đi ở đấy cứ nườm nượp.

Hồi đấy người ta bảo rằng V.Ninh Bình thay rất nhiều cầu thủ cứ sau mỗi mùa giải, thậm chí nửa mùa vì ở đấy có ông giám đốc điều hành kiêm nhà môi giới cầu thủ. V.Ninh Bình khi đó càng thay nhiều thì phần hoa hồng xung quanh các bản hợp đồng dành cho ông giám đốc điều hành càng lớn.

Không biết có phải vì mục đích đấy không mà dạo sau này rất nhiều đội bóng trong nước học theo cách của V.Ninh Bình ngày xưa? B.Bình Dương là một ví dụ sinh động. Đội bóng đất Thủ Dầu cứ sau mỗi mùa giải lại thay đổi nhân sự đến mức chóng mặt.

B.Bình Dương cũng là CLB mua nhiều ngôi sao đến mức… thừa thãi. Đội bóng miền Đông Nam bộ thừa người đến mức có lúc dù đã có Leandro vẫn mua thêm Lee Nguyễn, có Anh Đức vẫn muốn có thêm Việt Thắng (hậu quả là Việt Thắng sau đấy được đem cho ĐT Long An mượn cho đỡ phí), hay sau này Công Vinh về đấy phải ngồi dự bị trong thời gian dài.

 

Cần Thơ là một trong những đội mua sắm nhiều nhất 2 năm trở lại đây, dù mục tiêu của họ luôn là... trụ hạng (ảnh: Nguyễn Đình)
Cần Thơ là một trong những đội mua sắm nhiều nhất 2 năm trở lại đây, dù mục tiêu của họ luôn là... trụ hạng (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Nhưng trường hợp của B.Bình Dương vẫn còn có thể lý giải dưới góc độ họ cần độ dày về lực lượng để đua danh hiệu, để thi đấu trên nhiều mặt trận khác nhau, trong đó có đấu trường quốc tế.

Tuy nhiên, trường hợp của Cần Thơ lại không thể hiểu nổi. Đội bóng đất Tây Đô mùa rồi chi vài chục tỷ đồng trên thị trường chuyển nhượng, nhưng có rất nhiều bản hợp đồng trong số đó bị xem là phí.

Như trường hợp của thủ thành Bửu Ngọc, Cần Thơ đem về với giá trên 6 tỷ đồng từ Đồng Tháp, nhưng chỉ sau 1 mùa bóng lại có văn bản ngưng ngang hợp đồng với thủ thành này. Chỉ mới đây, khi Cần Thơ đứng trước nguy cơ bị Bửu Ngọc kiện vì vi phạm hợp đồng, đội bóng đất Tây đô mới vội vã lý giải văn bản xuất hiện trước đó không phải là văn bản thanh lý, mà là thư mời Bửu Ngọc đến làm việc lại. Riêng sai sót trong câu từ là do bộ phận… văn thư.

Cần Thơ cũng vừa gây sốt với vụ kiện mà 2 cầu thủ Đức Linh và Ngọc Điểu nhằm vào đội bóng này, trước khi VFF phân xử rằng đội bóng miền Tây Nam bộ vi phạm hợp đồng với 2 cầu thủ nọ, buộc phải bồi thường.

Điều đáng nói là cả 2 cầu thủ trên chỉ đá nửa mùa ở Cần Thơ thì buộc phải ngưng, trong khi chẳng biết khâu thẩm định chất lượng cầu thủ, khâu chuyên môn của đội bóng này nằm ở đâu mà không thấy phí? – Để cầu thủ mới đá một thời gian ngắn đã bị thay, rồi phải kiếm cầu thủ khác, tức là lại phải chi tiền.

Cần Thơ bây giờ tiếp tục là địa chỉ mà cầu thủ đến và đi nườm nượp, dự chi cho đội bóng này có thể cũng lại cao, trong khi mục tiêu của họ chỉ là… trụ hạng, thì chẳng biết họ đổ nhiều tiền vào thị trường chuyển nhượng để làm gì?

Bóng đá Việt Nam có quá nhiều nghịch lý, có quá nhiều vụ chuyển nhượng và nhiều khoảng chi vô ích về mặt chuyên môn, trong khi bản thân bóng đá không thể tự nuôi bóng đá, mà đa phần các đội phải sống nhờ vào ngân sách địa phương. Riêng cách chi tiền của các đội bóng đấy chẳng khác nào đang làm nghèo đi ngân sách của ngành TDTT, của địa phương mình.

Kim Điền

 

Làm bóng đá hay… “đốt” tiền? - 2