1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Kỷ cương bị xem nhẹ, V-League đang lâm nguy

(Dân trí) - Khán giả giảm đến mức báo động, sự cố càng lúc càng nhiều, kỷ cương của bóng đá nội mỗi lúc một bị xem nhẹ, V-League đang mất kiểm soát, và nguy hiểm hơn là mất nghiêm trọng niềm tin của người hâm mộ.

Sự thờ ơ của người trong cuộc

Sai lầm của trọng tài gần như đã trở thành “đặc sản” của V-League. Nhưng đấy cũng chỉ là một phần nguyên nhân khiến chất lượng giải đấu giảm sút. Phần quan trọng khác chính là chất lượng điều hành giải đấu nói riêng, chất lượng điều hành nền bóng đá nói chung của các nhà quản lý không cao.

VFF từng nêu quan điểm có thay trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi cũng khó thay đổi được chất lượng trọng tài, khi họ bỏ phiếu tín nhiệm ông Mùi ở cuộc họp Ban chấp hành (BCH) VFF hồi năm ngoái.

Quan điểm này không phải không có lý, xét trên khía cạnh thực tế là bây giờ nếu thay ông Mùi e rằng đã quá trễ. Việc đó, lẽ ra phải làm cách nay... 5, thậm chí 10 năm.

Vì ông Mùi giữ cương vị quản lý Ban trọng tài quá lâu, trong khi năng lực quản lý của ông lại quá kém, dẫn đến tình trạng ông đào tạo ra quá nhiều thế hệ trọng tài không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng cho chính V-League bây giờ.

Sự cố gần như đã trở thành đặc sản của V-League
Sự cố gần như đã trở thành "đặc sản" của V-League

Nếu vị trưởng Ban trọng tài bị cách chức nhiều năm trước, có lẽ số lượng trọng tài có chuyên môn kém, thường xuyên bị phản ứng, thường xuyên bị nghi ngờ về vấn đề tư tưởng, trong đó bao gồm cả con trai ông Nguyễn Văn Mùi là trọng tài Nguyễn Trọng Thư, đã không được dung dưỡng lâu đến vậy, trước khi chính họ gây tác hại cho V-League ngày nay.

Thành ra mới nói những lá phiếu giữ lại ông Nguyễn Văn Mùi ở ghế trưởng Ban trọng tài tại Hội nghị BCH VFF hồi năm ngoái ở TPHCM là những lá phiếu thiếu trách nhiệm.

Sự thiếu trách nhiệm đấy thể hiện ngay ở mùa giải năm nay, thông qua phát biểu của ông Lê Nguyên Hồng, khi ông này nhận định “trọng tài học tại trường mù”.

Ông Hồng chính là một trong những vị uỷ viên BCH từng bỏ phiếu tín nhiệm cho ông Mùi năm ngoái, dù bản thân ông Hồng cũng không tin vào năng lực của trọng tài dưới trướng ông Mùi. Thế thì trách nhiệm của ông Hồng nói riêng, của các uỷ viên BCH VFF nói chung ở chỗ nào, khi họ cho phép một nhân vật kém đến thế ngồi lại vị trí của mình?

Cũng thành ra mới nói chừng nào VFF còn giữ lại ông trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, tức là nguy cơ giới trọng tài vẫn còn yếu kém kéo dài dài, không phải chỉ riêng hiện tại, mà cả ở tương lai 5 – 10 năm nữa của bóng đá Việt Nam kia kìa.

Khán giả quay lưng vì giải đấu không đáp ứng được yêu cầu của khán giả

Không chỉ khâu trọng tài, không chỉ có người quản lý Ban trọng tài, mà bóng đá Việt Nam còn nhiều khâu và nhiều nhân vật yếu kém nữa.

V-League ngày càng giảm chất lượng, từ chất lượng chuyên môn cho đến chất lượng phục vụ, khiến số lượng khán giả giảm nghiêm trọng. Đấy rõ ràng là yếu kém trong khâu quản lý, từ cấp CLB cho đến cấp quản lý chung của nền bóng đá.

V-League ngày càng vắng người xem
V-League ngày càng vắng người xem

Người ta sẽ không đến sân chừng nào mà người ta vẫn không tin vào tính cống hiến của các đội bóng mà họ muốn theo dõi. Người ta cũng sẽ không đến sân chừng nào mà người ta còn nghi ngờ về tính sòng phẳng của V-League.

Những nhà điều hành bóng đá nội thường xuyên mượn mác FIFA để không công khai thông tin xung quanh những sai phạm của các bộ phận thuộc quản lý của VFF, như sai phạm của giới trọng tài, như chuyện dựng lên “bình phong” là BCH trong việc xử phạt các ban chức năng, hoặc các trưởng ban của VFF, để đẩy trách nhiệm sang... tập thể (cho dù chưa chắc FIFA có những quy định này).

Nhưng khi cần vận dụng luật FIFA, cần phải tuân thủ thông lệ quốc tế, thì những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đều ngó lơ.

Ví như trường hợp “một ông chủ - nhiều đội bóng”, FIFA cấm tiệt, cả thế giới không giải đấu chuyên nghiệp nào có hiện tượng này, vì e ngại tình trạng một ông chủ có thể thao túng giải đấu khi ông chủ đấy có ảnh hưởng đến quá nhiều đội bóng.

Thế nhưng, tình trạng đấy mùa này qua mùa khác vẫn tồn tại ở V-League, mà cụ thể là ở các đội bóng của bầu Hiển. Dù vậy, chưa hề thấy VFF vận dụng luật FIFA để chấn chỉnh tình trạng vừa nêu.

Người hâm mộ tha thiết mong mỏi bóng đá Việt Nam được sòng phẳng, tha thiết mong mỏi nhà điều hành giải và nhà điều hành bóng đá nội triệt tiêu tình trạng khó coi nêu trên, nhưng những người điều hành V-League, những người điều hành bóng đá nội không thể đáp ứng yêu cầu của người xem. Thế thì không khó hiểu khi khán giả đang có xu hướng quay lưng với giải đấu!

Trọng Vũ

Kỷ cương bị xem nhẹ, V-League đang lâm nguy - 3

Dòng sự kiện: V-League 2017