1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

K-League trên truyền hình Việt Nam và Xuân Trường sang Hàn Quốc

(Dân trí) - Không lâu sau khi K-League được phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam, là thông tin Lương Xuân Trường có thể sang Hàn Quốc gia nhập K-League trong màu áo Incheon. Liệu 2 việc này có liên hệ gì với nhau?

Có một thực tế rằng trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, các nền bóng đá ở Đông Bắc Á, cụ thể là Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ra hết sức quan tâm đến các cầu thủ tại Đông Nam Á, trùng với thời điểm những giải J-League của Nhật Bản và K-League của Hàn Quốc mở rộng vùng phủ sóng ở các quốc gia trong khu vực.

Họ thể hiện sự quan tâm đó bằng cách đặt vấn đề và chiêu mộ hàng loạt cầu thủ Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, đã có Công Vinh sang Nhật đầu quân cho Sapporo, sắp đến là Công Phượng chuẩn bị ký hợp đồng với Mito Hollyhock, cũng như Tuấn Anh đã đạt được thỏa thuận với Yokohama FC thuộc J-League 2.

Có thể tỷ lệ người xem truyền hình các giải vô địch quốc gia Nhật Bản hay Hàn Quốc tại Việt Nam chưa cao, nếu so sánh với tỷ lệ người xem Premier League của Anh, hoặc La Liga của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, thị trường Đông Nam Á với vài trăm triệu dân, cùng mật độ người xem truyền hình trả tiền thuộc vào loại cao không phải là không béo bở đối với các chuyên gia khai thác bản quyền truyền trình trả tiền ở các giải J-League hay K-League (cứ nhìn kênh thể thao danh tiếng Fox Sports phát sóng AFF Cup và giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á ABL thì khắc biết).

 

Có thêm một người hâm mộ Xuân Trường (6) và HA Gia Lai, cũng tức là thêm một người có khả năng sẽ xem K-League
Có thêm một người hâm mộ Xuân Trường (6) và HA Gia Lai, cũng tức là thêm một người có khả năng sẽ xem K-League

 

Và có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên khi mà ngay sau khi vừa “hất cẳng” J-League trên hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam, K-League của Hàn Quốc có ngay sự liên hệ với các cầu thủ nội, mà đích đến của họ là những cầu thủ nổi tiếng nhất, thuộc đội bóng đình đám nhất bóng đá Việt Nam bây giờ là HA Gia Lai.

Nhiều khả năng tiền vệ con cưng của bầu Đức là Lương Xuân Trường sẽ khoác áo Incheon trong mùa giải tới. Thậm chí, không loại trừ khả năng một cầu thủ khác của Gỗ là Hồng Duy cũng sẽ sang Hàn Quốc thi đấu (phía HA Gia Lai tiết lộ Hồng Duy có thể ra nước ngoài, nhưng chắc chắn không phải là Nhật Bản).

Cũng không khó đoán khả năng Xuân Trường hay bất cứ cầu thủ nào của Việt Nam khó có thể tỏa sáng tại K-League, vì trình độ của 2 nền bóng đá Hàn Quốc và Việt Nam cách nhau quá xa. Một cầu thủ chưa thể là ngôi sao ngay tại V-League thì càng khó có khả năng trở thành ngôi sao của K-League.

Dù vậy, như đã nói nếu mục đích của các đội bóng tại Nhật Bản hay Hàn Quốc khi tìm đến các cầu thủ Việt Nam không phải xuất phát từ chuyên môn, thì họ cũng không nhất thiết cần các cầu thủ này tỏa sáng về mặt chuyên môn.

Duy chỉ có một điều chắc chắn, có thêm Xuân Trường, Incheon nói riêng và K-League nói chung sẽ có thêm nhiều fan của tiền vệ này, cộng với hàng loạt fan khác vốn hâm mộ HA Gia Lai, và sẽ có thêm nhiều người cố gắng theo dõi giải K-League trên truyền hình, với mong muốn được nhìn thấy Xuân Trường.

Mục đích đấy mới là quan trọng nhất trong việc quảng bá hình ảnh của K-League ở Đông Nam Á, tấn công vào thị trường truyền hình trả tiền đầy béo bở tại Việt Nam. Đấy cũng là cách mà có một thời các CLB Anh, Ý hay Đức liên tục chiêu mộ các ngôi sao bóng đá châu Á, như một phương thức tiếp cận trực tiếp thị trường tại vùng Viễn Đông.

Hồi đấy, ngay cả Manchester United lừng danh cũng đâu cần những Park Ji Sung (Hàn Quốc), hay sau này là Kagawa (Nhật Bản), thậm chí là Dong Fang-zhu (Trung Quốc) tỏa sáng với tư cách ngôi sao. Quỷ đỏ thành Manchester cần các cầu thủ nọ, trước tiên là cho việc kinh doanh, mà một trong số đó là kinh doanh trên truyền hình.

Kim Điền

 

K-League trên truyền hình Việt Nam và Xuân Trường sang Hàn Quốc - 2