1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

HLV Miura và sức ép phải ưu tiên lứa U19 Việt Nam

(Dân trí) - Người ta tiếp tục phải nghe những phát biểu mang tính “định hướng” nhân sự cho đội tuyển Olympic Việt Nam từ những người đang lãnh đạo nền bóng đá, cho dù trước đó chính những người này cứ cố nói rằng họ tôn trọng quyền chuyên môn của HLV Miura.

Tội cho HLV Miura…

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông mới đây, ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nêu quan điểm sẽ tôn trọng các quyết định của HLV Miura, nhưng ngay cả khi đó thì người đứng đầu VFF cũng không quên “thòng” thêm câu phải trẻ hóa để hướng đến SEA Games 2017.

Mà ai cũng hiểu trẻ hóa đội tuyển cấp quốc gia ở thời điểm này để hướng đến SEA Games 2017 là một cách “dọn đường” cho lứa U19 năm ngoái được lên tuyển Olympic.

Ông phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức sau đó thì nói rằng ông rất muốn HLV Miura chọn cầu thủ của ông (tức lứa U19 năm ngoái) làm nòng cốt dự SEA Games 28 năm nay, rằng cầu thủ của ông phó chủ tịch VFF hiện góp mặt đông ở đội tuyển Olympic nhưng không được đá chính thì cũng chẳng giải quyết được gì.

Người ta lạ ở chỗ trước đó chính ông Đức còn kêu gọi mọi người hãy để cho lứa Công Phượng và các đồng đội phát triển bình thường. Nhưng chính ông lại thay đổi quan điểm khi có những phát biểu mang tính áp đặt, mà quên rằng ông đang là nhân vật số 2 tại cơ quan quyền lực nhất của bóng đá nội.

HLV Miura và sức ép phải ưu tiên lứa U19 Việt Nam
HLV Miura thật khó làm việc khi trước mặt ông có quá nhiều trở lực từ những vị đang "say" với lứa U19 (ảnh: Trọng Vũ)

Kêu gọi mọi người hãy để quân mình phát triển bình thường, nhưng sau đó lại đòi cơ chế đặc biệt. Nói tôn trọng quyền chuyên môn của HLV trưởng, nhưng lại “thòng” thêm… điều kiện lực lượng của các đội tuyển quốc gia phải thế này, thế kia, ngay đến lời nói và quan điểm của các nhân vật chủ chốt của VFF trong từng thời điểm khác nhau, thậm chí trong cùng một thời điểm còn đối lập nhau chan chát, thì thử hỏi họ đang định hướng bóng đá nội theo tiêu chí nào?

Rồi thử hỏi có tội nghiệp HLV Miura hay không? Khi ông thầy người Nhật đang đối diện với quá nhiều áp lực và quá nhiều luồng tư tưởng khác nhau từ chính những người đang là cấp trên trực tiếp của ông.

Áp lực lớn nhất lại nằm ở chỗ, vị HLV người Nhật sẽ chẳng biết tin vào vế nào trong những lời nói đầy mâu thuẫn của các ông chủ tịch và phó chủ tịch VFF?

… Và tội nghiệp cho cả nền bóng đá

Quay lại với chuyện của đội tuyển Olympic Việt Nam, đội bóng này đang có 11 cầu thủ từng khoác áo đội tuyển U19 Việt Nam năm ngoái, trong đó gồm 9 cầu thủ HA Gia Lai.

Nếu nói theo kiểu của bầu Đức – đồng thời cũng là phó chủ tịch VFF, rằng cầu thủ của ông cần suất đá chính, thì hóa ra mỗi trận, ngoài 9 suất sẽ thuộc về các cầu thủ của Gỗ (?!), hơn 20 cầu thủ còn lại chỉ tranh được 2 suất đá chính thôi sao? - Thế thì còn gì là cạnh tranh? Còn gì là công bằng?

Có lẽ cũng không cần phải nhắc lại chuyện cầu thủ của bầu Đức còn những khiếm khuyết gì và cần trau dồi những gì để trở thành cầu thủ đỉnh cao đúng nghĩa. Rồi chuyện họ có đáng được gọi lên tuyển hay không, có đáng được xếp vào đội hình chính của đội tuyển Olympic Việt Nam, hoặc có được HLV Miura giữ đến chiến dịch SEA Games 28 hay không là chuyện mà HLV Miura là người rõ nhất.

Nhưng trước khi vị HLV người Nhật đưa ra quyết định của mình, mong những người có trách nhiệm, nhất là những vị đang nắm trọng trách điều hành nền bóng đá đừng có những phát biểu theo hướng “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Những phát biểu như thế nói cho cùng càng khiến các giá trị về chuyên môn bị lệch lạc, càng khiến cho HLV Miura khó làm việc.

Rồi, như chính bầu Đức từng nói, như chính người hâm mộ bóng đá cả nước mong mỏi, rằng hãy để cho lứa Công Phượng và các đồng đội phát triển một cách bình thường. Mà muốn họ phát triển bình thường, thì đừng xem đấy là lứa cầu thủ quá đặc biệt nên cần những ưu đãi đặc biệt, cho dù một vài người trong số họ thực sự có triển vọng.

Cũng đừng gói gọn tầm nhìn của cả nền bóng đá vào một nhóm cầu thủ duy nhất, xuất thân từ một học viện duy nhất, thay vì phải nhìn rộng ra là cả nền bóng đá còn nhiều lứa cầu thủ khác, nhiều lò đào tạo trẻ khác cũng đang cần được cạnh tranh sòng phẳng!

Chẳng ở đâu trên thế giới người ta phát triển nền bóng đá chỉ bằng một học viện, cũng chẳng ở đâu thế giới người ta kỳ vọng, thậm chí giao phó mọi nhiệm vụ của cả nền bóng đá chỉ cho một nhóm cầu thủ!

Trọng Vũ