1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Công Phượng khó sang Thái Lan thi đấu với mức giá 70 tỷ đồng

(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng các cầu thủ Việt Nam nên ra nước ngoài thi đấu, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, mà môi trường phù hợp nhất là các giải vô địch quốc gia ở Đông Nam Á.

Cách nay không lâu, có đội bóng của Thái Lan tung tin họ sẵn sàng chiêu mộ Công Phượng với giá 70 tỷ đồng. Dĩ nhiên, đấy chưa phải là lời đề nghị nghiêm túc, bởi đội bóng vừa nêu không hề tiếp xúc, hay đặt vấn đề trực tiếp với CLB chủ quản hiện tại của Công Phượng là HA Gia Lai.

Đấy đơn thuần là lời đề nghị mang tính thăm dò. Tuy nhiên, từ đó có thể thấy rằng nhu cầu của các CLB thuộc Thai-League muốn có sự phục vụ của Công Phượng nói riêng, của các cầu thủ Việt Nam nói chung là có thật.

Hiện tại, các cầu thủ trong khối ASEAN khi chơi bóng tại Thai-League không bị tính là ngoại binh. Đấy là lợi thế đầu tiên cho Công Phượng hay bất cứ cầu thủ Việt Nam nào khác muốn sang Thái Lan thi đấu.

Công Phượng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn cũng như thương hiệu từ phía các CLB Thái Lan (ảnh: Trọng Vũ)
Công Phượng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn cũng như thương hiệu từ phía các CLB Thái Lan (ảnh: Trọng Vũ)

Trình độ của Công Phượng và các cầu thủ Việt Nam cũng thích hợp để đá ở Thái Lan, hơn là sang các quốc gia có đẳng cấp quá xa với bóng đá Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc đá bóng.

Đá bóng ở Thái Lan, cầu thủ Việt Nam vừa có thể nâng cao trình độ nhờ được ra sân chơi bóng, ngược lại chính các CLB chiêu mộ họ cũng có cơ hội mở rộng thị trường phát triển tại Việt Nam, mở rộng kêng quảng cáo, hoặc tiêu thụ sản phẩm của tập đoàn đứng sau lưng các CLB này.

Khó có chuyện Công Phượng có giá đến 70 tỷ đồng – con số có thể nuôi sống cả 1 đội bóng thuộc V-League thuộc tầm khá. Nhưng có thể tin rằng Công Phượng hay bất cứ cầu thủ nào khác đủ sức sang Thái Lan hay các quốc gia tại Đông Nam Á thi đấu, nếu như các bên đạt được thoả thuận chuyển nhượng phù hợp, vì nhu cầu của tất cả các phía là nhu cầu có thực: Cầu thủ nội cần môi trường ngoại để tăng tính chuyên nghiệp, CLB ngoại cần cầu thủ nội để phát triển hình ảnh.

Không chỉ có Công Phượng, Vũ Văn Thanh (HA Gia Lai) cũng được các CLB Thái Lan chú ý. Rồi cầu thủ có quốc tịch Việt Nam Hoàng Vũ Samson cũng đã chọn Thái Lan là điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp cầu thủ nhà nghề của mình.

Cũng đừng vội so sánh tại sao nhiều cầu thủ Thái Lan có thể thành công ở Nhật, như Chanathip Songkrasin khoác áo CLB Sapporo, Theerathon Bunmathan chuẩn bị gia nhập CLB Visel Kobe…, nhưng cầu thủ Việt Nam thì chưa thể thành công ở xứ sở mặt trời mọc?

Tất cả đến từ sự khác biệt về mặt trình độ. Cầu thủ Thái Lan hiện tại đang thu hẹp khoảng cách với cầu thủ Nhật Bản, nhờ sự phát triển chung của toàn bộ nền bóng đá Thái Lan, nên họ không mất nhiều thời gian để hoà nhập ở giải J-League của Nhật Bản. Trong khi đó, cầu thủ Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với trình độ của bóng đá xứ sở mặt trời mọc.

Nếu tìm một nền bóng đá không cách quá xa trình độ của bóng đá Việt Nam, ở những giải vô địch quốc gia không ở quá xa tầm với so với V-League, thì Thai-League là giải đấu khá lý tưởng với cầu thủ Việt Nam, vừa có cơ hội nâng cao trình độ, vừa đáp ứng được xu thế “xuất khẩu” cầu thủ, nhằm tranh thủ cơ hội học hỏi từ các nền bóng đá phát triển tốt hơn mình của bóng đá nội.

Kim Điền

Công Phượng khó sang Thái Lan thi đấu với mức giá 70 tỷ đồng - 2