1. Dòng sự kiện:
  2. Góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia
  3. Hậu trường nhân vật thể thao

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng: “Tôi không bỏ bóng đá!”

(Dân trí) - Sau khi ĐT Long An đổi tên, nhiều người lo ngại rằng bầu Thắng sẽ theo chân hàng loạt ông bầu khác như bầu Thụy, bầu Trường… bỏ bóng đá. Tuy nhiên, chính ông Thắng cho biết chỉ chuyển đổi hình thức sở hữu đội theo xu thế mới, chứ không có chuyện ông chán hoặc bỏ bóng đá.

Nhiều người cho rằng bầu Thắng đã chán bóng đá, nên mới chia bớt quyền sở hữu của CLB ĐT Long An?

Không hề có chuyện đó, ai nghĩ thế là nghĩ bậy. Thực chất thì tôi đã không còn đóng vai ông chủ của CLB ĐT Long An từ mấy năm nay rồi. Đội bóng từ mấy năm nay do anh Nhiệm (em trai bầu Thắng, ông Võ Thành Nhiệm – PV) quản lý. Suốt thời gian qua, tôi chỉ tập chung làm việc cho VPF để khỏi mang tiếng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Riêng chuyện ĐT Long An chuyển đổi hình thức sở hữu là xu thế tất yếu, theo mô hình của các CLB chuyên nghiệp thực thụ trên thế giới.

Hình thức sở hữu mới đó là gì, và ông hoặc doanh nghiệp của ông còn nắm bao nhiêu cổ phần của đội bóng, thưa ông?

Anh Nhiệm đại diện cho doanh nghiệp chỉ nắm 15% cổ phần của CLB từ mùa bóng 2016. Anh ấy cũng là một trong hai người sở hữu nhiều cổ phần nhất của CLB, người còn lại là anh Trịnh Văn Hải – chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Long An. 15% cổ phần này tương đương với 4,5 tỷ đồng. Thật ra thì các CLB ở Nhật, ở Đức và ở Anh nữa, không có ông chủ nào sở hữu 100% đội bóng như trong bóng đá Việt Nam thời gian qua. Làm thế rất nhiều rủi ro. Vì đội bóng trước giờ chỉ có 1 ông chủ, nên mới có chuyện ông chủ chán thì đội bóng cũng dẹp.

 

Bầu Thắng (giữa) tuyên bố không bỏ cũng không chán bóng đá, cho dù ĐT Long An đã đổi tên và đổi hình thức sở hữu (ảnh: Trọng Vũ)
Bầu Thắng (giữa) tuyên bố không bỏ cũng không chán bóng đá, cho dù ĐT Long An đã đổi tên và đổi hình thức sở hữu (ảnh: Trọng Vũ)

 

Bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới đâu có chuyện đó. Nếu có nhiều nhà đầu tư, 1 – 2 người rút khỏi đội bóng, thì đội bóng cũng không đến mức phải chết. Trong mùa tới, CLB bóng đá Long An sẽ có 10 nhà đầu tư nắm phần lớn cổ phần. Ngoài anh Nhiệm và anh Hải, các nhà đầu tư khác mỗi người sẽ nắm 5 – 10%. Thậm chí, trong tương lai, các CĐV cũng có thể trở thành cổ đông, nếu họ mua cổ phần của CLB.

Nhưng từ giờ, cái tên Võ Quốc Thắng sẽ không còn là một ông bầu bóng đá đúng nghĩa, trong khi danh xưng “bầu Thắng” đã thương hiệu của ông, ông có thấy buồn và hụt hẫng vì điều đó, hụt hẫng vì phải chia sẻ đội bóng?

Tôi giữ cái danh đấy làm gì nếu bóng đá Việt Nam không thể phát triển, các CLB không thể hoạt động theo đúng mô hình của bóng đá chuyên nghiệp. Và nếu tôi vì cái danh xưng hay vì mục đích cá nhân, tôi đã không làm chủ tịch VPF. Tôi đã đi vận động các doanh nghiệp ở Đồng Tháp và ở Cà Mau làm bóng đá theo mô hình của các CLB tại Nhật, tức là nhiều nhà đầu tư cùng chung sức cho đội bóng, để tránh rủi ro nếu chỉ phụ thuộc vào một ông bầu duy nhất, chẳng lẽ tôi lại không thể tự thay đổi đội bóng của mình!

Nhưng người ta vẫn cứ lo rằng bầu Thắng sẽ bỏ bóng đá, như trường hợp từng xảy ra với bầu Trường, bầu Thụy?

Không hề có chuyện đó! Chính vì tôi thấy những bài học trước đó, về chuyện các ông bầu đột ngột chán bóng đá, rồi bỏ ngang đội bóng, nên tôi phải quyết liệt tìm hướng đi khác. Tôi xin nói rõ rằng việc CLB bóng đá Long An chuyển đổi phương thức sở hữu là việc đã có lộ trình từ 2 năm nay rồi. Đúng là đã có quá nhiều trường hợp các ông bầu bỏ bóng đá, nên trên cương vị người đứng đầu VPF, tôi có trách nhiệm tìm phương án ngăn chặn sự tan rã của các đội bóng. Mà nếu đội bóng đã là sở hữu của địa phương, của hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn cổ đông thì đội bóng đấy đâu có dễ chết, như sinh mệnh của các đội bóng chỉ trong tay 1 con người!

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

 

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng: “Tôi không bỏ bóng đá!” - 2