1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Trợ giúp VĐV bị chấn thương:

Cần chấm dứt tình trạng “ăn đong”

Thực trạng các VĐV bị thương chờ đợi mòn mỏi để được chữa trị dứt điểm trong làng thể thao VN thời gian qua khá nhiều. Việc thành lập quỹ trợ giúp VĐV bị thương sẽ hạn chế tình trạng “ăn đong” trong công tác chữa trị cho VĐV như hiện nay.

Từ những ví dụ…

 

Những người đang làm trong ngành thể thao chắc không thể không biết đến các trường hợp như thủ môn bóng đá Kim Hồng, VĐV Vũ Thị Nguyệt Ánh, VĐV vật Lê Thị Huệ… khi họ phải chịu những thiệt thòi sua khi bị chấn thương trong quá trình thi đấu hay tập luyện. Thủ môn Kim Hồng thì may mắn được phẫu thuật, VĐV karate Vũ Thị Nguyệt Ánh còn có sự quan tâm, đóng góp của các nhà hảo tâm để có tiền điều trị.

 

Nhưng với nữ đô vật Lê Thị Huệ, may mắn đã không mỉm cười với chị, thay vào đó là nỗi đau tinh thần và thể xác đang hành hạ chị hàng ngày. Từng là đô vật trẻ đầy triển vọng của thể thao Việt Nam (TTVN), nhưng nay, Lê Thị Huệ chỉ còn lại tấm thân xanh xao, tàn phế.

 

Cần chấm dứt tình trạng “ăn đong” - 1
Cầu thủ Quang Thanh bị chấn thương. Ảnh: VSI



Tại SEA Games 22 tổ chức tại VN (2003), lần đầu tiên TTVN giành nhất toàn đoàn khu vực Đông Nam Á, song cũng trong cái năm đáng nhớ đó, những tuyển thủ như Đỗ Xuân Tâm (xe đạp), Trần Thanh Ngời (Judo) đã tử nạn trong khi tập luyện và thi đấu. Còn với Huệ, chấn thương trong một buổi tập chuẩn bị cho SEA Games 22 khiến chị  phải giã từ sới vật và bước vào cuộc sống hoàn toàn khác: gắn mình với chiếc xe lăn và đôi nạng.

 

Chị cho biết, sau tai nạn, một vài lãnh đạo ngành thể thao có đến thăm và hứa sẽ đưa sang nước ngoài điều trị. Song 8 năm trôi qua, khi chấn thương đã trở thành tàn phế thì hứa hẹn kia vẫn chỉ dừng ở lời nói. Các chuyên gia y tế cho rằng nếu được chữa trị kịp thời có lẽ Huệ đã không đến nỗi như ngày hôm nay.  Hiện, mọi sinh hoạt của chị Huệ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Mọi dự định với Huệ ngày trước giờ chỉ là ước muốn xa vời. Mong muốn của chị bây giờ chỉ là đi được và tự lo cho mình trong sinh hoạt hàng ngày.

 

Với HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ, sau khi bị chấn thương trong khi huấn luyện cho đội trẻ của Quảng Ninh, chị đã không thể đảm trách công việc chị đang phụ trách. Lãnh đạo ngành thể thao tỉnh Quảng Ninh đã sắp xếp chị làm công việc giống một nhân viên tạp vụ như quét dọn, vệ sinh, quét rác tại nơi chị công tác. Một thực tế đau lòng mà không ai có thể hình dung trước đó!

 

…đến việc lập quỹ hỗ trợ vận động viên chấn thương

 

Hiện tại, cơ chế điều trị chấn thương cho VĐV dựa trên bảo hiểm và tự thanh toán (nếu vượt khung bảo hiểm). Trong cả hai trường hợp này, cơ chế chi trả cho VĐV mang tính tùy biến, dựa vào thành tích của VĐV và mối quan hệ giữa các cơ quan chủ quản gồm các đoàn thể thao của các địa phương, các đoàn thể thao ngành, các liên đoàn thể thao và Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT). Cơ chế này thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế do Tổng cục TDTT cũng như các liên đoàn luôn ở trong tình trạng eo hẹp kinh phí.

Để có được những tấm huy chương cho thể thao Việt Nam, không ít VĐV đã phải miệt mài khổ luyện, hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc cá nhân, thậm chí cả tính mạng để cống hiến cho nền thể thao nước nhà. Họ cần được bảo vệ và có những chế độ phúc lợi xứng đáng với những gì họ đã cống hiến. Do đó, thông tin Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) có kế hoạch thành lập Quỹ trợ giúp vận động viên bị chấn thương sẽ là một tin tốt lành, như một làn gió mát làm dịu những oi bức, những chờ đợi của các VĐV thể thao.

 

Thông tin này được ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG công bố tại buổi họp tổng kết V-League mùa bóng 2011 của VFF ngày 8/9. Theo AVG, tổ chức này sẽ có nhiều thành viên thuộc các thành phần xã hội khác nhau, trong đó Công ty AVG là một thành viên. AVG sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm muốn đóng góp cho thể thao VN hoặc muốn hỗ trợ các vận động viên bị chấn thương hãy cùng  AVG gây dựng và vận hành Quỹ.

 

Quỹ được vận động quyên góp, vận động tài trợ trong nước và nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu hoạt động cho Quỹ và tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ theo đúng tôn chỉ mục đích của Quỹ và theo quy định của pháp luật.

 

Việc AVG thành lập Quỹ hỗ trợ vận động viên bị chấn thương chắc chắn sẽ hạn chế những trường hợp như Nguyệt Ánh, Lê Thị Huệ, HLV Vũ Thị Huệ… như đã nêu trong bài viết này, thể hiện trách nhiệm xã hội rất lớn của một doanh nghiệp tư nhân với thể thao nước nhà.

 

AVG đang làm các thủ tục liên quan để các cơ quan chức năng chấp thuận cho Quỹ này chính thức đi vào hoạt động. AVG kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm muốn đóng góp cho thể thao Việt Nam hoặc muốn hỗ trợ các vận động viên bị chấn thương hãy cùng với AVG xây dựng và vận hành Quỹ hỗ trợ vận động viên bị chấn thương trong thời gian tới.

 

Đàm Anh