1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Cái đầu lắc lư và chiếc áo đội tuyển

Hình ảnh trung vệ Huy Hoàng với bộ trang phục đội tuyển VN ngồi sau tay lái mắt nhắm nghiền, hai tay múa máy và miệng lảm nhảm bất chấp xung quanh cảnh sát giao thông và người hiếu kỳ vây kín chính là hình ảnh sốc nhất tuần qua của giới thể thao.

Cái đầu lắc lư và chiếc áo đội tuyển
Trung vệ Huy Hoàng với bộ trang phục đội tuyển VN ngồi sau tay lái mắt nhắm nghiền, hai tay múa máy và miệng lảm nhảm
 

Với người hâm mộ xem đoạn clip dài 47 giây quay cảnh trung vệ Huy Hoàng như lên đồng đã phủ nhận những lời biện hộ rằng Hoàng lái xe trong trạng thái say xỉn như cách cầu thủ này “nhận tội nhẹ” để tránh phần nghi ngờ dùng thuốc “lắc” quá liều.

 

Có lẽ cũng chẳng cần lời biện hộ nào hoặc kết luận nào từ cơ quan có trách nhiệm vì hình ảnh trong clip đã nói thay tất cả.

 

Nhiều phụ huynh đã lắc đầu ngao ngán khi xem đoạn clip trên và càng thất vọng hơn khi chủ nhân chiếc xe vừa gây tai nạn bị cảnh sát giao thông giữ lại còn khoác trên mình trang phục của đội tuyển VN dự AFF Cup 2010. Và càng ngạc nhiên hơn khi Huy Hoàng trong trạng thái “hưng phấn thái quá” mắt nhắm nghiền và “không biết gì” như thế mà lại có thể lái ôtô đi suốt đoạn đường dài được.

 

Hình ảnh phản cảm ấy của Huy Hoàng càng làm người hâm mộ nhớ đến những sự cố trước đây liên quan đến thú vui của cầu thủ sau các trận đấu tìm nhau “giải trí” với rượu mạnh và thuốc “lắc”. Nổi cộm trong tệ nạn này là cách đây vài mùa giải, lực lượng công an quận 7, TPHCM đã bắt một nhóm cầu thủ tổ chức lắc tập thể trong phòng một khách sạn và sau đó xử phạt hành chính khi có lãnh đạo CLB đến bảo lãnh. Trước đó một số cầu thủ trẻ ở Nghệ An từng bị bắt quả tang tàng trữ ma túy và chất gây nghiện và đã bị kỷ luật...

 

Chính vì thế mà đã có lần vấn đề được đặt ra trong những giải đấu do VFF quản lý đó là kiểm tra máu và nước tiểu của cầu thủ vì e ngại những vấn đề liên quan đến chất cấm, chất kích thích mà họ hay tìm vui nơi các bar, các vũ trường...

 

Trước đây, khi cầu thủ còn nghèo thì việc quản lý còn tương đối dễ, nhưng bây giờ khi tất cả cầu thủ đều xông xênh tiền bạc, song kiến thức sống lại được trang bị quá sơ sài, thì việc sa đà vào những thú vui đắt tiền, nhưng bệnh hoạn, ngày càng khó quản lý và kiểm soát hơn.

 

Cách đây 2-3 năm, chính những HLV ở đội B.Bình Dương từng ngán ngẩm với việc một tuyển thủ quốc gia rất mê “lắc” và luôn đến sân tập trong trạng thái vật vờ. Cầu thủ này từ đam mê “cắn thuốc” đã mê sang cả “đánh banh”, cá độ đến nỗi đất đai được cấp và tiền chuyển nhượng 5-7 tỉ đồng đã tiêu tùng nhanh chóng theo khói thuốc với rượu mạnh và “đánh banh”.

 

Có lần tôi tranh luận với những người làm bóng đá khi nghe họ nói rằng cầu thủ bây giờ còn hư hơn những nghệ sĩ hư hỏng, vì đồng tiền dư dả ập đến bất ngờ và không đúng chỗ, trong khi môi trường cầu thủ thì rất nhiều cạm bẫy.

 

Cũng có lần chính những nhà quản lý bóng đá tâm sự rằng có những điều họ biết, nhưng cuối cùng chỉ rỉ tai nhau rằng đừng nhận cầu thủ đó để tránh mang họa mà thôi. Thật đáng lo khi ở đội tuyển và ở nhiều CLB hầu như mới chỉ có biện pháp tránh chứ chưa có biện pháp phòng.

 

Đáng lo hơn là hình ảnh chiếc áo đội tuyển và cái đầu lắc lư, miệng lảm nhảm, chân tay múa may của Huy Hoàng đã khiến nhiều phụ huynh buộc phải suy nghĩ lại với việc cho con học đá bóng và mơ có suất đội tuyển.

 

Một hình ảnh dù chưa có kết luận cụ thể, nhưng chắc chắn khiến bóng đá VN đã “mất” rất nhiều.

 

Theo: Lao động