1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Bóng đá Việt Nam mất giá thê thảm

(Dân trí) - Giải hạng Nhất 2013 chỉ có 8 đội, nhưng có đến 3 suất thăng hạng. Hạng Nhì mùa tới cũng có đến 5 suất thăng hạng, dù chất lượng hạng Nhì rất kém. Đây là giai đoạn thay vì cần chất lượng thì những người điều hành lại quan tâm đến số lượng.

Quả là những người đang điều hành bóng đá Việt Nam có khá nhiều ý tưởng, trong đầu họ có rất nhiều phương án. Khi phương án này vừa bị bác thì họ có ngay phương án khác. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chỗ phương án nào được đưa ra cũng có vấn đề, mang nặng tính hình thức và đều làm… giảm giá trị bóng đá nội.

 

Quay trở lại với 3 suất thăng hạng của giải hạng Nhất trong mùa tới. Giải đấu này trong năm 2013 vốn chỉ có 8 đội dự tranh, nhưng đã được cấp đến 3 suất lên V-League thì khác nào chính những nhà tổ chức đang làm giảm chất lượng đầu vào của giải V-League ở năm 2014.
 
 
Chất lượng của V-League đang thực sự xuống cấp

Chất lượng của V-League đang thực sự xuống cấp

 

Rồi chưa tính đến chuyện khi đưa ra phương án này, những nhà tổ chức đã tính đến những tiêu chí mà AFC đã khuyến cáo bóng đá Việt Nam cần phải có đối với các đội bóng chuyên nghiệp hay chưa?

 

Ở giải hạng Nhất hiện giờ, có bao nhiêu đội có sân bóng đá tiêu chuẩn? Có giàn đèn đủ công suất? Có cơ sở vật chất phù hợp?... Chắc chắn là rất ít, trong khi số suất lên hạng lại quá nhiều, thành ra chẳng khác nào những người điều hành bóng đá Việt Nam đang cố gắn mác chuyên nghiệp cho nhiều CLB chưa chuyên?

 

Cùng với 3 suất hạng ở giại hạng Nhất là 5 suất thăng hạng cho giải hạng Nhì, dù chất lượng bóng đá hạng Nhì ở Việt Nam là nghiệp dư 100%. Một đội bóng nghiệp dư chỉ tập trung trong vài tháng ngắn ngủi, đá vài trận là có khả năng nhận vé lên chuyên nghiệp (từ cấp độ hạng Nhất, các đội bóng đã được công nhận là chuyên nghiệp), thì đấy chắc chắn là càng sàng lọc quá dễ dãi, để chọn ra những đội bóng thực sự có chất lượng, đủ khả năng trụ vững ở bóng đá chuyên nghiệp trong thời gian dài.

 

Đấy là chưa tính đến vấn đề kinh phí. Nuôi một đội bóng dự V-League bây giờ rất tốn kém (không dưới 40 – 50 tỷ đồng). Kinh phí nuôi một đội bóng hạng Nhất cũng không hề rẻ, chí ít là tốn gấp nhiều lần so với nuôi một đội hạng Nhì. Thế mà trong bối cảnh nhiều ông bầu tháo chạy khỏi bóng đá, VFF lại cấp rất nhiều suất thăng hạng, dồn người khác vào cảnh… tốn tiền.

 

Lẽ nào những người điều hành bóng đá Việt Nam vội quên 2 đội vừa thăng từ hạng Nhì lên hạng Nhất mùa rồi là Trẻ K.Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu đã đồng loạt bỏ suất đá hạng Nhất 2013 vì thiếu tiền? Lẽ nào họ quên mất Trẻ Hà Nội T&T vốn đã có suất lên V-League cũng từ chối đá V-League 2013 cũng vì bầu Hiển bây giờ không dư tiền? Rồi K.Khánh Hòa phải bán tống bán tháo suất cho Hải Phòng, còn Navibank SG và CLB Hà Nội phải giải tán cũng chỉ vì tiền.

 

Khi cấp quá nhiều suất thăng hạng, ngoài chuyện làm mất giá trị giải đấu mà mình đang điều hành, chẳng biết những nhà quản lý bóng đá Việt Nam có tính đến việc sẽ có thêm hàng loạt đội khác bỏ suất thăng hạng như đã từng xảy ra hay không? Vì bây giờ, đụng đến chuyện lên hạng tức là đụng đến tiền.

 

Đành rằng trong mọi phương án đều có mặt trái của nó. Nhưng một khi mặt trái gây hậu quả lớn hơn cái được mà mặt phải có thể mang lại thì đấy chắc chắn vẫn chưa phải là phương án tốt.

 

Tiếc rằng tất cả những phương án này đều được VFF thông qua quá nhanh, bởi những người vốn không có chuyên môn bóng đá, lại đang nắm giữ những quá vị trí quan trọng về mặt chuyên môn.

 

Một loạt phương án đưa ra rồi được thông qua đều mang nặng tính nghiệp dư, đồng thời đều tự làm mất giá trị của cả một nền bóng đá thì có lẽ đã đến lúc xem lại bộ máy thượng tầng đang điều hành cả nền bóng đá.

 

Không thể nói ông Nguyễn Trọng Hỷ (chủ tịch VFF – vốn là dân bóng rổ), ông Lê Hùng Dũng (PCT VFF – doanh nhân, người từng thất bại khi điều hành CLB Ngân hàng Đông Á và khi ngồi ở vị trí chủ tịch LĐBĐ TPHCM), hay ông Nguyễn Lân Trung (PCT VFF - giảng viên Đại học) là dân có nghề. Và cứ nhìn những thất bại liên tiếp của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua, cùng sự hỗn loạn của các giải đấu trong nước thời gian gần đây sẽ thấy khả năng điều hành của bộ máy lãnh đạo bóng đá nội đang ở mức nào.

 

Kim Điền