1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bóng đá TPHCM và những điều đọng lại năm 2012

(Dân trí) - Năm qua là một năm chứng kiến rất nhiều biến động của bóng đá TPHCM. Chỉ có điều đáng nói là những biến động ấy lại mang nhiều gam màu tối hơn là những gam màu sáng.

Sự suy thoái có hệ thống

 

Cơn suy thoái của bóng đá TPHCM được nhìn thấy rõ nhất trong năm 2012 là bóng đá đỉnh cao. Từ chỗ có đến 3 đội bóng thi đấu ở các hạng đấu chuyên nghiệp của bóng đá nội là V-League và hạng Nhất gồm XMXT Sài Gòn, Navibank SG (V-League) và CLB TPHCM (hạng Nhất), kết thúc năm, bóng đá thành phố chỉ còn mỗi mình XMXT Sài Gòn trụ lại ở đỉnh cao.

 

Navibank SG giải thể vì thiếu kinh phí hoạt động. Trong tâm thư phát đi, chủ tịch CLB này Nguyễn Vĩnh Thọ tiết lộ 3 năm đầu tư vào bóng đá, đội bóng ngành ngân hàng tiêu tốn đến khoảng 300 tỷ đồng, nhưng đổi lại chỉ là 1 chiếc cúp quốc gia vốn không được đánh giá cao, cùng 1 dự án khổng lồ xây dựng học viện bóng đá (có liên kết với CLB Bayern Munich) vĩnh viễn nằm trên… giấy.
 
 
Bóng đá TP.HCM đang thực sự đi xuống

Bóng đá TP.HCM đang thực sự đi xuống

 

Chưa tuyên bố giải tán như Navibank SG, nhưng lực lượng của CLB TPHCM giờ thì đã tứ tán. Rớt từ hạng Nhất xuống giải hạng Nhì, xem như CLB TPHCM đã không còn là đội bóng chuyên nghiệp. Thậm chí, với tình hình hiện tại, thì khả năng CLB TPHCM giải thể cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Phần nổi dễ thấy nhất là sự suy thoái của các đội bóng đỉnh cao, nhưng nguyên nhân không nhỏ dẫn đến sự suy thoái trên đỉnh ấy chắc chắn xuất phát từ phần gốc của bóng đá thành phố: Đó là khâu đào tạo bị bỏ lỏng trong thời gian rất dài.

 

Năm 2012, các đội bóng trẻ thành phố hầu hết đều bị loại ngay vòng loại các lứa tuổi của những giải trẻ cấp quốc gia. Bóng đá trẻ TPHCM sa sút đến mức có thời điểm một số nhân vật điều hành bóng đá TPHCM còn gắn mác thành phố cho trung tâm đào tạo VFP, như một cách gỡ gạc, dù trung tâm này hoàn toàn độc lập với hệ thống bóng đá thành phố.

 

Chiếc cúp quốc gia 2012 do XMXT Sài Gòn giành được là thành tích đáng chú ý nhất của bóng đá đỉnh cao TPHCM trong năm qua, nhưng chừng ấy vẫn không đủ để khỏa lấp một điều rằng bóng đá thành phố đang xuống dốc với tốc độ chóng mặt.

 

Bộ máy điều hành chưa cho thấy hiệu quả

 

Không thể đổ hết lỗi xung quanh sự suy thoái của bóng đá TPHCM những lãnh đạo đương nhiệm của LĐBĐ TPHCM, vì đấy là sự suy yếu có hệ thống vắt qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, cũng không thể nói là những người đang điều hành bóng đá TPHCM vô can trong sự đi xuống của bóng đá thành phố.

 

Đặc biệt, những người giữ vai trò điều hành bóng đá thành phố chưa cho thấy năng lực của mình trong việc định hướng cho các CLB, cũng như chưa tạo được tiếng nói đủ trọng lượng đối với các CLB để bản thân các đội bóng phải nghe theo định hướng từ phía những người điều hành.

 

Năm 2012 cũng là năm chứng kiến sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo LĐBĐ TPHCM. Thế nhưng, ngoại trừ vị trí của chủ tịch HFF Trần Anh Tú được xem là phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại, phù hợp với xu thế xã hội hóa, thì những người còn lại ngay cạnh ông Tú đều bị đánh giá thấp hơn so với những người đồng cấp từng ngồi ở các vị trí tương tự.

 

Sếp phó của HFF hiện nay là ông Nguyễn Quốc Hưng, một nhân vật được biết đến nhiều hơn trong vai trò tiếp thị với tư cách giám đốc Dentsu Media, hơn là một nhà chuyên môn kiểu như ông Trần Duy Long trước đây.

 

Trong khi đó, TTK Trần Đình Huấn thua xa người tiền nhiệm ở vị trí này là ông Dương Vũ Lâm ở khả năng quan hệ, nhất các mối quan hệ quốc tế. Ông Huấn cũng không hề được đánh giá cao về mặt chuyên môn, bởi trước khi làm TTK HFF, ông Huấn từng làm Trưởng bộ môn bóng đá Q.6 mà không tạo được tiếng vang đáng kể. Còn lúc ông về phò tá bầu Hưng của trung tâm Thành Long, điều hành CLB bóng đá TPHCM của bầu Hưng thì đội này lại đi đến chỗ bị… xóa sổ.

 

Trong vai trò giám đốc trung tâm TDTT Thống Nhất, người ta thấy ông Trần Đình Huấn “băm nát” cái trung tâm này để cho thuê dịch vụ làm đẹp, nhà hàng, quán nước…

 

Có điều lạ là ngày ông Dương Vũ Lâm còn tại vị, người ta chê ông Lâm ít thường trực ở văn phòng HFF, rồi đấy là một trong những lý do quan trọng khiến ông Lâm phải ra đi. Thì bây giờ, tất cả những lãnh đạo cao cấp nhất của HFF cũng chẳng ai thường trực ở văn phòng.

 

Chủ tịch Trần Anh Tú vốn là một doanh nhân thì không thể nào có chuyện ngồi một chỗ, PCT Nguyễn Quốc Hưng cũng vậy. Trong khi TTK Trần Đình Huấn thì cũng chẳng ngồi văn phòng HFF, dù từ chỗ ông Huấn hay ngồi đến văn phòng liên đoàn chỉ cách nhau đúng chiều ngang mặt cỏ sân Thống Nhất.

 

Nguyên cả năm qua, nếu đi tìm điểm sáng rõ rệt nhất của bóng đá TPHCM, thì người ta chỉ có thể thấy một điều là futsal TPHCM vẫn mạnh nhất nước, nhờ có ông chủ tịch HFF Trần Anh Tú vốn là người làm futsal lâu năm.

 

Nhưng một mình ông Tú thì khó tạo nên cả bộ máy mạnh. Điều đáng ngại nhất là ở chỗ do những người hiện đang tham mưu cho ông Tú phần lớn không phải là dân chuyên môn, nên họ cũng chẳng thể tạo định hướng tốt cho cả hệ thống, còn hậu quả là bóng đá TPHCM đang yếu dần đều.

 

Trọng Vũ