1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bóng đá Đông Nam Á không tiến mà lùi

(Dân trí) - Có 8 đội tuyển ở Đông Nam Á thi đấu ở loạt trận vừa qua, thuộc vòng loại World Cup 2018. Kết quả tệ đến mức là 8 đội này thua với tổng tỷ số 4-34, và chỉ có Thái Lan là đủ sức ghi bàn và đủ sức chiến thắng ở loạt trận vừa nêu.

Thái Lan không chỉ là đội bóng Đông Nam Á duy nhất chiến thắng ở loạt trận giữa tuần qua, thuộc vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á, mà họ còn là đội duy nhất ở khu vực này ghi được bàn thắng.

7 đội bóng còn lại đều thua trắng, cụ thể Malaysia thua Palestine 0-6, Singapore thua Nhật 0-3, Myanmar thua Hàn Quốc 0-4, Campuchia thất thủ 0-3 trước… Afghanistan, Philippines bại dưới tay của Yemen 0-1, Đông Timor đại bại 0-8 trước UAE, còn Lào thua thảm Lebanon 0-7.

Cũng ngoại trừ Thái Lan, không còn đội nào ở Đông Nam Á có hy vọng đi tiếp vào giai đoạn sau, cho dù vòng loại đầu tiên vẫn chưa hết. Thậm chí, trong số các thất bại của các đội tuyển trong khu vực, có những thất bại rất bạc nhược, trước các đối thủ không thuộc loại quá mạnh.

 

Cả bóng đá Việt Nam và bóng đá Malaysia đều đang chuyển động... chậm dần đều (ảnh: Gia Hưng)
Cả bóng đá Việt Nam và bóng đá Malaysia đều đang chuyển động... chậm dần đều (ảnh: Gia Hưng)

 

Đáng kể nhất là trận thua 0-6 của Malaysia trước Palestine, một đội tuyển không thuộc nhóm đầu châu Á, hay Campuchia còn thua cả Afghanistan 3 bàn không gỡ, trước một đội tuyển quanh năm chưa biết tập trung ổn định được mấy ngày, giữa một quốc gia bất ổn triền miên?

Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan càng lúc càng cho thấy những bước tiến vững chắc, nhờ định hướng tốt và khâu quản lý tốt của cấp điều hành, nhiều nền bóng đá bất ổn vì bộ máy quản lý bất ổn.

Chỉ tính trong nhóm đội hàng đầu khu vực thời gian qua gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia đều có những vấn đề không hề nhỏ. Philippines và Singapore quá khan hiếm tài năng (chủ yếu do người dân không mấy đam mê bóng đá), chủ yếu sống bằng chính sách nhập tịch cầu thủ, nhưng chính sách này không phải là phương kế lâu dài.

Bằng chứng là sau một số giải đấu gây tiếng vang, Philippines và Singapore lập tức thể hiện sự thất thường, vì nguồn cầu thủ nhập tịch không phải lúc nào cũng tốt, cũng chưa chắc vì màu cờ sắc áo. Riêng Singapore còn không biết có nên tiếp tục duy trì giải vô địch quốc gia hay không?

Indonesia đang chịu lệnh “cấm vận” từ FIFA, vì tình hình bóng đá trong nước quá lộn xộn, khiến chính phủ không thể không can thiệp, dù biết can thiệp là trái với quy tắc của FIFA.

Malaysia và Việt Nam hụt hẫng về mặt nền tảng vì quản lý kém, dẫn đến tình trạng khan hiếm tài năng, thế hệ hiện tại thua xa các thế hệ đàn anh.

Thậm chí, bóng đá Malaysia còn đứng trước nguy cơ bị nhà nước can thiệp, đòi cải tổ bộ máy điều hành, vì những cáo buộc tham nhũng và bất minh trong vấn đề quản lý tài chính (bộ trưởng Bộ Thanh Niên và Thể Thao Malaysia Khairy Jamaluddin có lúc còn công khai đòi LĐBĐ nước này cải tổ, chấp nhận luôn lệnh trừng phạt từ FIFA).

Chưa bao giờ người ta thấy bóng đá Malaysia khủng hoảng trầm trọng như lúc này: Đội tuyển của họ đá 6 trận ở vòng loại World Cup, hiện có hiệu số -24, tình trạng hooligan trên các khán đài tràn lan, mà LĐBĐ Malaysia hầu như bất lực, trong khi bộ máy điều hành nền bóng đá liên tục đứng trước các cáo buộc chẳng hay ho gì…

Sau một giai đoạn ngắn phát triển “nóng”, hàng loạt nền bóng đá ở Đông Nam Á đang trả giá cho sự thiếu định hướng của mình, trả giá cho việc bỏ lỏng khâu đào tạo, quản lý yếu kém giải quốc nội… Duy chỉ có Thái Lan đứng ngoài xu thế đi xuống của bóng đá toàn khu vực, vì đấy gần như là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có cách làm khác hẳn, định hướng rõ rệt hơn hẳn phần còn lại.

Trọng Vũ

 

Bóng đá Đông Nam Á không tiến mà lùi - 2