Bi kịch sống thử: “Đời bỏ đi” của nữ sinh xinh đẹp

Cuộc sống trôi nổi theo các con số lô đề, mang thai phải tự mình vào viện xử lý, có con tự nuôi hay bỏ học để cưới… là những hậu quả cho việc sống bừa bãi, thiếu trách nhiệm với bản thân.

Cụm từ “sống thử” dường như đã quá quen thuộc với sinh viên. Nhiều SV (cả nam và nữ) đã cho phép mình có cái quyền tự quyết trong tình yêu. Chỉ cần “thích là nhích” mà không cần suy nghĩ về hậu quả.

 

Yêu nhanh, sống thử, sống thoáng, có khi chỉ tình một đêm. Tất cả đã và đang ăn sâu vào suy nghĩ của không ít bộ phận SV Việt hiện nay. “Yêu thì việc quan hệ trước hôn nhân là chuyện bình thường. Chỉ cần không để lại hậu quả. Nếu sống chung thì dùng thuốc tránh thai hàng ngày hoặc sử dụng biện pháp an toàn là được”, phát biểu hết sức hồn nhiên của Thùy Anh (SV đang học tại trường ĐH SKĐA) khiến chúng tôi ngỡ ngàng.

 

Chính vì lẽ đó, đến hầu hết các xóm trọ, đều có thể chứng kiến nhiều đôi sinh viên sống chung như những vợ chồng trẻ không con. Họ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ không khác gì một gia đình.

 

Mang thai, tự vào bệnh viện xử lý 
 

Minh Hạnh từng là SV CĐ Cộng đồng. Với ngoại hình xinh xắn và tài ăn nói nên cô được nhiều chàng trai để mắt đến. Cuối cùng Hạnh đã chọn Quang- chàng trai Hà Nội ga lăng và quyết định sống thử với nhau. Giai đoạn đầu, hai người luôn sống trong thiên đường của tình yêu. Thế rồi niềm vui sướng ấy chẳng kéo dài được bao lâu.

 

Quang vốn là một người máu cờ bạc, lô đề, cá độ nên hạnh phúc của hai người cũng “trôi nổi” theo những con số. Khi được thì hai người đi chơi, mua sắm hay ăn uống ở nơi sang trọng và lãng mạn. Còn mất thì thay vào đó là những trận hành hạ nhau cả về thể xác lẫn tinh thần.

 
Bi kịch sống thử: “Đời bỏ đi” của nữ sinh xinh đẹp
Góp gạo thổi cơm chung là một phần không thể thiếu của các cặp đôi sống thử 
 

Khủng khiếp hơn là Hạnh đã nhiều lần dính bầu và phải tự đến bệnh viện để nạo phá thai. Chẳng bao giờ Quang đưa Hạnh đi giải quyết hậu quả, như thể “cô làm được thì cô phải chịu được, tôi đâu có trách nhiệm”. Và mỗi lần như vậy, Hạnh lại nhờ cô bạn phòng bên dùng chiếc xe đạp cũ kĩ chở đi phá thai.

 

Hạnh chia sẻ, lần đầu tiên đến bệnh viện cảm thấy nhục nhã vô cùng. Nhưng rồi khi bác sỹ đã quen mặt, thì cô thấy bình thường và có thể đi một mình.

 

Dù vậy, nỗi ám ảnh vẫn luôn đeo bám Hạnh. Những đứa trẻ vẫn luôn xuất hiện trong ý nghĩ và trong những giấc mơ. Cảm giác tội lỗi khiến cho cô không thể vui vẻ, hòa đồng như trước.

 

Vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ sau này nên hè năm 2011, cả hai đã tổ chức đám cưới ngay sau khi ra trường. Và cũng là bắt đầu một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

 

Vợ chồng nhưng suốt ngày chỉ có mày – tao không còn anh – em ngọt ngào như ngày nào. Những cuộc cãi vã liên miên, gây gổ, đánh nhau xảy ra thường xuyên hơn. Tiếng cười trở nên hiếm hoi, chồng qua đêm không về với vợ đã thành chuyện “thường ở huyện”.

 

Bị từ chối hai lần, lao vào sống thử

 

Cũng chỉ vì bồng bột, vì quá chán đời mà giờ đây bản thân phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi chỉ mới 20 tuổi. Nguy cơ bỏ trường lớp để bươn trải kiếm sống nuôi vợ con là rất lớn, đó là chia sẻ của Thành Trung (sinh 1992) hiện đang học khoa Điện, ĐH Công nghiệp, khi phải chuẩn bị cưới cô vợ hơn tuổi vì sống thử chớp nhoáng và nhanh chóng có bầu.

 

Một người bạn của Trung cho biết: “Từ trước tết 2012, Trung đã nói lời yêu 2 người đều hơn tuổi, sinh năm 90 (học ĐH Thành Đô và HV Báo chí tuyên truyền), nhưng cả 2 đều từ chối. Trung đã cạo đầu, xăm hình sau lưng chỉ vì hận tình.

 

Và chỉ gần 2 tháng sau, Trung đã vội vàng sống thử với một người con gái 89 tại thôn Tu Hoàng- Minh Khai- Từ Liêm. Với mong muốn quên hết tất cả bằng tình mới mà giờ Trung phải chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

 

Bạn gái có bầu và đòi cưới bằng được dù biết hiện tại Trung chỉ là đứa trẻ ham ăn, ham chơi chứ chưa nói đến việc đủ kinh nghiệm làm cha, làm chồng. Bố mẹ Trung thì muối mặt khi con trai 20 đang học bỗng có con, phải bỏ học cưới vội vào cuối tháng 3 âm này”.

 

Có con cũng không chịu cưới

 

Long (sinh năm 1989, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) yêu một bạn gái cùng tuổi (trú tại phố Tạ Hiện, Hà Nội) khi cả hai còn là sinh viên. Mặc dù có nhà Hà Nội nhưng hai người vẫn “đua đòi” thuê nhà sống thử và rồi có con với nhau.

 

Sinh con rồi nhưng trớ trêu thay, Long vẫn không chịu tổ chức lễ cưới. Bạn gái hiện vẫn ở nhà bố mẹ đẻ, thỉnh thoảng Long mới ghé qua thăm con.

 

Bên nhà gái thì dỗ ngon dỗ ngọt ông “con rể” về chuyện đám cưới nhưng không thành. “Ông bố trẻ” chỉ giải thích một cách vô trách nhiệm rằng: “Ông bà già không cho tổ chức đám cưới, giờ cũng chưa có công ăn việc làm nên cũng chả biết làm sao”.

 

Tìm hiểu từ những người dân xung quanh được biết ai cũng có ác cảm với Long. Bác Đình (chủ quán nước Long hay ra uống) kể lại: “Thằng đó nghiện tài mà, không công ăn việc làm, chỉ có mỗi đàn đúm ăn chơi. Bố mẹ nó từ mặt nhưng nó vẫn về nhà đấy. Hai đứa hay cãi nhau có khi còn ra hục hặc rồi đập cốc của bác nữa. Hôm rồi thấy nó còn tát con bé. Khổ thân”.

 

Thế mới biết, sau mỗi câu chuyện sống thử của sinh viên là những bi kịch sống dở, chết dở. Có khi rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

 

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

 

Theo Mỹ Hạnh - Phạm Lài - Ngọc An

VTC