Kỳ thủ khiếm thị so tài cùng các cao thủ tại giải cờ vua quốc tế HDBank 2016

Tại giải cờ vua quốc tế HDBank 2016 đang diễn ra, có một kỳ thủ hết sức đặc biệt, đó là chàng trai khiếm thị Nguyễn Mạnh Hùng, người đến với giải mang theo mong muốn cháy bỏng là được đối đầu với những người bình thường.

Mong được thử sức cờ với các cao thủ

Tham gia bảng Thử Thách (Challengers) - điểm mới tại giải cờ vua quốc tế HDBank năm nay, Mạnh Hùng ra quân không như ý trước các đối thủ đẳng cấp như Trần Nguyễn Đăng Khoa (elo 1.850) và Phạm Trần Gia Thu (elo 1.589). Tuy nhiên, anh vẫn hồ hởi cho biết: “Thắng - thua ở giải đấu này với tôi không quan trọng bằng việc tôi tích lũy được kinh nghiệm và cảm xúc được thi đấu với những người bình thường, vượt trội so với tôi về thành tích chơi cờ”.

Bị khiếm thị từ nhỏ nhưng chàng trai 33 tuổi Nguyễn Mạnh Hùng thực sự là một tấm gương hiếu học, vượt khó. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn Hiến, Mạnh Hùng lấy luôn tấm bằng thạc sĩ khoa Tâm lý học của trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Mạnh Hùng
Kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Mạnh Hùng

Hiện anh là trợ lý giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Công nghệ trợ giúp người mù Sao Mai (Q.11, TP HCM), với công việc chính là viết dự án và tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho người khiếm thị.

Năm 2010, với kinh nghiệm chơi cờ bản thân, anh viết cuốn sách “Nhập môn cờ vua cho người khiếm thị”. Anh là một trong số ít các kỳ thủ khiếm thị có thể thi đấu ở giải A2 TPHCM, dành cho các kỳ thủ bình thường.

Cách nay gần chục năm, Nguyễn Mạnh Hùng từng tham gia đội tuyển cờ vua người khuyết tật Việt Nam thi đấu tại ParaGames 2007, tại Thái Lan. Bây giờ, VĐV người khuyết tật ấy đã gia nhập một đẳng cấp mới: Đấu ngang với người bình thường.

Kỳ thủ đặc biệt trên bàn cờ đặc biệt

Vì là người khiếm thị, nên bàn cờ mà Mạnh Hùng sử dụng cũng không giống bàn cờ dành cho các kỳ thủ thông thường. Được biết, Mạnh Hùng đang dùng bàn cờ chuyên dụng cho người khiếm thị do chính anh sáng tạo nên, với ô màu nổi hẳn lên, ô trắng hơi chìm xuống, còn trung tâm mỗi ô nước đi có khoét một lỗ tròn nhỏ để gắn cố định các quân cờ.

Mỗi ván cờ của Nguyễn Mạnh Hùng luôn đặc biệt ở chỗ phải có ít nhất... 3 người cùng tham gia điều khiển các quân cờ
Mỗi ván cờ của Nguyễn Mạnh Hùng luôn đặc biệt ở chỗ phải có ít nhất... 3 người cùng tham gia điều khiển các quân cờ

Cũng vì Mạnh Hùng sử dụng bàn cờ đặc biệt này mà các đối thủ của anh tại giải không thể đánh chung bàn cờ với anh. Thế là mỗi kỳ thủ trong từng trận đấu sử dụng một bàn cờ riêng, nên phải có thêm nhân vật thứ ba nhằm đảm bảo tính khách quan: Đó là trọng tài.

Mỗi khi Mạnh Hùng đi nước nào trên bàn cờ dành cho người khiếm thị, trọng tài sẽ đi lại nước đó trên bàn cờ bình thường của đối thủ tham gia trận đấu với Mạnh Hùng, và ngược lại.

Cứ thế, trận này qua trận khác, mỗi ván cờ gồm 3 người ấy kéo dài gấp đôi thời gian của các trận đấu thông thường (trung bình là khoảng 4 tiếng/trận). Trận đấu kéo dài với một kỳ thủ bình thường đã là điều không hề dễ dàng, với VĐV khiếm thị lại càng khó khăn hơn.

Nhưng như kỳ thủ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ anh vẫn cảm thấy quá đỗi hạnh phúc, cho dù bản thân anh bị tật không thể ngồi lâu được. Anh nói: “Sẽ còn tuyệt vời hơn nếu tôi giành 1 trận thắng ở giải năm nay để tích lũy hệ số elo (elo hiện giờ của Mạnh Hùng là 0 – PV), để có thêm động lực gắn bó với môn chơi này”.

Linh Lan