1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Cơn đau đầu chưa chấm dứt

(Dân trí)– Mặc dù vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đã thất bại nhưng điều đó không có nghĩa “cơn đau đầu” của phương Tây đã chấm dứt. Trái lại, các nước đang phải vật lộn với bài toán làm thế nào vừa răn đe Bình Nhưỡng, vừa không đẩy nước này đến bước đường cùng.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Cơn đau đầu chưa chấm dứt

  Phóng tên lửa thất bại, Triều Tiên có thử hạt nhân?

Vụ phóng vệ tinh Kwangmeungsong–3 bằng tên lửa đẩy tầm xa Unha-3 của Triều Tiên vào 7h39’ sáng 13/4 đã ,thất bại khi tên lửa mới phóng đi được 2’15” và cũng mới chỉ đạt độ cao khoảng 70 km (một số nguồn tin cho biết tên lửa đã lên tới 120 - 150 km).

Mặc dù vụ phóng vệ tinh (theo cách nói của Triều Tiên) hay tên lửa (theo cách nói của phương Tây) đã thất bại và cũng được hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức xác nhận trong “bản tin buồn” sau đó 6 tiếng, song những lo lắng sau vụ phóng không hề giảm đi.

Nguy cơ Triều Tiên thử hạt nhân lần 3

Rút kinh nghiệm từ các lần thử tên lửa trước của Triều Tiên cộng với các nguồn tin tình báo hiện nay, giới chức Hàn Quốc nhận định rất có thể Bình Nhưỡng sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần ba, như đã từng làm vào các năm 2006 và 2009.

“Tôi cho rằng có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân vì nước này đã có sự chuẩn bị trong thời gian dài", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin nhận định ngay sau khi có tin vụ phóng thất bại.

Đây cũng là quan điểm của nhiều nhà phân tích quốc tế.

"Vụ phóng tên lửa vừa được xem là hành động báo công với các nhà cố lãnh đạo của Triều Tiên, vừa là sự kiện biểu trưng cho quyền lực và khả công nghệ của đất nước. Vì vậy, thất bại này càng khiến Bình Nhưỡng có thêm quyết tâm tiến hành thử hạt nhân trong tương lai không xa”, nhà nghiên cứu Ralph Cossa – Chủ tịch diễn đàn CSIS Thái Bình Dương khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Hawaii, tham vọng thử hạt nhân của Triều Tiên đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết vì nó sẽ giúp nước này lấy lại phần nào”thể diện đã bị đánh cắp” sau vụ thử thất bại vừa rồi.

“Thử hạt nhân sẽ giúp Triều Tiên hoàn thiện hơn tiềm năng vũ khí của mình, nhưng quan trọng hơn là sẽ giúp nước này lấy lại thể diện”, ông Ralph Cossa nói thêm.

Lo ngại căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên có thể đẩy đến một cuộc chiến tranh bất cân xứng về tiềm lực quân sự trong tương lai, Hàn Quốc đã quyết định sẽ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trong vài năm tới. Trước đó, vào năm 2011, Seoul cũng từng tuyên bố nỗ lực thiết lập hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa trước năm 2015 dựa trên công nghệ sản xuất trong nước.

Phương Tây cũng phải “uốn lưỡi”

Nếu như trước đây, sau khi phóng tên lửa đạn đạo tầm xa, chắc chắn Triều Tiên sẽ phải hứng "cơn mưa" chỉ trích kèm theo các biện pháp trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và phương Tây.

Nhưng nay mọi việc đã khác. Dù rất bực bội với Bình Nhưỡng, song Mỹ, Nhật Bản và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng không dám đưa ra những hành động quyết liệt nhằm trách đẩy Triều Tiên đến chỗ “tức nước vỡ bờ”.

Trong tuyên bố đầu tiên, nhưng có sự tính toán kỹ lưỡng sau khi Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa, Nhà Trắng đã chỉ trích đây là hành động "khiêu khích" và “vi phạm luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, Tòa Bạch ốc cũng đồng thời cho biết Tổng thống Barack Obama sẵn sàng can dự một cách xây dựng và tích cực vào tình hình bán đảo Triều Tiên.

Hạnh động cứng rắn nhất của Mỹ cho tới lúc này chỉ là việc quyết định ngừng viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng.

Thận trọng hơn, chính phủ Nhật Bản còn chưa đưa ra bất kỳ chỉ trích cụ thể nào. Ngay cả khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng, Tokyo cũng phải đợi đến 43 phút sau mới chính thức thông báo về vụ việc.   

Trong khi đó, sau phiên họp kín ngày 13/4, HĐBA cũng chỉ ra Tuyên bố của Chủ tịch “lấy làm tiếc về vụ phóng" và nhất trí sẽ “tiếp tục tham vấn về một phản ứng phù hợp" đối với Triều Tiên. Tuyên bố này ôn hòa hơn nhiều so với những đe dọa mà các cường quốc phương Tây đưa ra trước đó.

Cách hành xử “giơ cao, đánh khẽ” này cho thấy phương Tây ngầm hiểu rằng họ sẽ phải tìm ra một lối tiếp cận thống nhất nhưng "không quá mạnh" để tránh thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trên bán đảo duy nhất trên thế giới về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Trung Quốc bị dồn vào thế bí

Trung Quốc có lẽ là nước bị đẩy vào thế khó xử nhất hiện nay.

Là đồng minh thân cận và cũng là nước có đường biên giới trên bộ tiếp giáp Triều Tiên, Trung Quốc không thể không cân nhắc thận trọng từng lời nói cũng như hành động nhằm duy trì quan điểm dung hòa giữa các bên.

Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì không lên án Triều Tiên mà chỉ kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

”Các nước có liên quan trực tiếp đến vụ phóng tên lửa bất thành của Triều Tiên nên tiếp tục
tiếp xúc chặt chẽ và hợp tác cùng nhau để duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, ông Dương Khiết Trì kêu gọi sau cuộc họp với người đồng cấp Nga và Ấn Độ tại thủ đô Mátxcơva.

Ông Dương Khiết Trì cho biết Bắc Kinh đang mở rộng quan hệ với cộng đồng quốc tế nhằm cố gắng giảm thiểu sự ồn ào đang nổi lên quanh vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, bà cũng đã chính thức đề nghị ông Dương Khiết Trì chuyển mối quan ngại của Mỹ tới Triều Tiên với mong muốn các bên sẽ đi tới “cách thức hành động thống nhất đối với Bình Nhưỡng”.

Thay cho lời kết

Rõ ràng, việc Triều Tiên phóng tên lửa đang đặt ra thách thức lớn đối với các cường quốc thế giới về việc làm thế nào vừa lên án Bình Nhưỡng, vừa không gây ra phản ứng căng thẳng mới theo kiểu dây chuyền.

Trước khi vụ việc xảy ra, Mỹ và các nước đồng minh đã đe dọa sẽ hành động mạnh mẽ và cương quyết tại HĐBA. Nhưng khi Bình Nhưỡng vẫn thúc đẩy kế hoạch này, phương Tây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động cẩn trọng và biết “kết hợp cương, nhu khéo léo”.

Đó là kết quả của việc các nước này đã quá hiểu tâm lý của Triều Tiên, một trong những nước bị cô lập nhất thế giới và cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng cho khoảng 24 triệu dân.

“Con giun xéo lắm cũng quằn”. Phương Tây không thể bỏ qua câu nói này nếu như thực sự muốn tìm giải pháp hiệu quả và lâu dài cho vấn đề Triều Tiên.

Vũ Anh